Từ 25-26/4, Malaysia liên tục bắt giữ 6 tàu cá cùng 63 ngư dân Việt Nam khi đánh bắt cá trên biển.
Malaysia bắt giữ một tàu cá Việt Nam hồi tháng 3/2016
Trang tin Bernama trích nguồn tin từ cơ quan cảnh sát biển Terengganu Malaysia (MMEA) của Malaysia cáo buộc 6 tàu cá Việt Nam “đánh cá trộm trong vùng nước của Malaysia”. Theo giới chức MMEA, 4 chiếc tàu cá đầu tiên bị bắt giữ ngày 25/4 vào khoảng thời gian từ 7:30 sáng đến 4 giờ chiều ở gần khu vực khai thác dầu của Malaysia. Hai chiếc tàu cá còn lại bị bắt giữ vào khoảng từ 1:20 giờ đến 1:55 giờ chiều ngày 26/4 ở phía Đông Kuala Terengganu. Hai chiếc tàu bị bắt hôm thứ sáu được cho biết đã dùng biển kiểm soát giả.
Giới chức Malaysia cho biết “việc bắt giữ các tàu cá Việt Nam khá khó khăn vì các tàu này đã bỏ chạy khi bị phát hiện”. Phía Malaysia phải rượt đuổi mất 2 tiếng mới bắt được 4 chiếc đầu tiên. Cả 63 ngư dân, có độ tuổi từ 15 đến 59 đã được đưa ra toà ở Malaysia vào hôm 28/4. 6 tàu cá của họ cùng khoảng 3.000 kg hải sản, dầu, và nguyên vật liệu, thiết bị trên tàu bị thu giữ được ước tính khoảng 6 triệu RM tiền Malaysia, tương đương gần 1,5 triệu USD.
Được biết, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm, xâm phạm vùng biển các nước để đánh bắt trái phép bằng các công cụ mang tính hủy diệt vẫn rất nhức nhối. Vi phạm báo động nhất ở vùng biển Indonesia, Malaysia và Campuchia… thậm chí làm giả cả biển số tàu. Theo Thiếu tướng Bùi Trung Dũng – Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ngư dân Việt Nam không những sang đánh bắt bất hợp pháp mà còn làm giả biển số tàu Malaysia, qua trao đổi lực lượng thực thi pháp luật của Malaysia thì việc làm giả này họ đều có cách để phát hiện và cũng bắt, giữ nhiều phương tiện và ngư dân Việt Nam.
Trong khi đó, ông Trần Quang Hùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện đáng kể, một số tỉnh, lãnh đạo tỉnh chưa quan tâm đến công tác tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá. Việc xử lý chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe dẫn tới nhiều tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực Biển Đông vẫn còn tiếp diễn. Trong năm 2018 đã xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2019 đến nay tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đã xảy ra 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm: Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận. Một số các tỉnh thực hiện các khuyến nghị của EC còn yếu kém như Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu…
Đáng chú ý, để đối phó với nạn đánh bắt trộm hải sản trong vùng biển của Malaysia, nước này đã có thông báo cho Đại sứ quán của Việt Nam tại Malaysia một số quy định mới của Chính phủ Malaysia về việc xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Malaysia. Nội dung cụ thể như sau: Theo luật pháp của Malaysia, mọi hành vi xâm phạm trái phép vùng biển đều bị bắt giữ, đưa ra tòa, xử phạt hành chính hoặc phạt tù. Đối với các trường hợp đánh cá trộm thì cách xử lý như sau: Cảnh sát biển Hoàng gia Malaysia sẽ đưa tàu đến bắt giữ và đưa đến cảng gần nhất. Sau khi hoàn thiện hồ sơ ban đầu, số ngư dân, ngư cụ sẽ được giao cho cơ quan Thủy sản, sau đó đưa ra tòa xét xử. Hình thức xử phạt đối với ngư dân vi phạm lãnh hải gồm 11 mức: (1) Mức 01 áp dụng cho tài công: nộp phạt đến 100.000 ringgit, tương đương 26.316 USD (Tỷ giá 01 USD = 3,8 ringgit), nếu không có tiền nộp phạt thì bị 06 tháng tù giam trở lên; (2) Từ mức 02 đến mức 07 áp dụng cho ngư dân: ngư dân nào nằm trong khung này thì phải nộp phạt đến 50.000 ringgit, tương đương 13.158 USD, nếu không có tiền nộp, thì chịu 02 tháng tù giam trở lên; (3) Các mức phạt từ 08 đến 11 áp dụng cho người dưới 18 tuổi: ngư dân nào thuộc đối tượng này sẽ chuyển cho Cục Nhập cư để giải quyết cho về sớm. (4) Tịch thu toàn bộ ngư cụ.
Được biết việc xử lý đối với các trường hợp ngư dân bị bắt ở các nước hết sức phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí. Hầu hết các trường hợp được phóng thích về nước đều phải đi bằng đường hàng không và phải trải qua nhiều thủ tục khác nhau cả ở phía bạn và trong nước. Với quy định mới này của Malaysia , các chủ tàu đánh và ngư dân phải hết sức lưu ý và triệt để tuân thủ quy định của các nước trong đánh bắt xa bờ để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Vùng biển Việt Nam là một trong những khu vực có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới và có tính đa dạng sinh học cao. Theo một số công trình nghiên cứu đã công bố, ở vùng biển Việt Nam có khoảng 2.458 loài cá thuộc 206 họ và nhiều loài hải sản khác ngoài cá, trữ lượng nguồn lợi hải sản biển nước ta ước tính khoảng 4,18 triệu tấn (không tính trữ lượng mực, tôm biển, các loài động vật đáy và rong biển sống ở vùng triều ven bờ). Trữ lượng nguồn lợi hải sản trên toàn vùng biển Việt Nam ước tính gần đây khoảng 5,0 triệu tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng trên 2,3 triệu tấn/năm. Nguồn lợi cá nổi nhỏ chiếm khoảng 51%, cá nổi lớn chiếm khoảng 21%, cá đáy và hải sản sông đáy chiếm khoảng 27% tổng trữ lượng nguồn lợi. Ngoài ra, đến nay đã xác định được 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi, cũng như các bãi tôm quan trọng ở vùng biển gần bờ thuộc vịnh Bắc Bộ và vùng biển Tây Nam Bộ.
Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, nguồn hải sản trong vùng biển của Việt Nam đan ngày càng cạn kiệt, chủ yếu là do tàu thuyền của Trung Quốc và một số nước vào đánh cá trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều này khiến ngư dân gặp khó khăn khi đánh bắt cá trên Biển Đông.