Tờ Thời báo Hoàn Cầu sáng 7/5 đăng tải bài xã luận đáp trả việc chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gặp tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng trong một chuyến công du Washington để đàm phán thương mại (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc trấn an dư luận rằng Mỹ chỉ hù dọa
Hoàn Cầu, tờ báo thuộc quản lý của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, cho rằng việc Mỹ gây sức ép với Bắc Kinh ngay trước vòng đàm phán thương mại mới tại Washington tuần này là “bài cũ” từng được áp dụng trước đây.
Trong bài viết tiêu đề “Đối mặt với con sóng của Mỹ, câu trả lời tốt nhất là bình thản”, báo Trung Quốc khẳng định nước này đã tỉnh táo phản ứng trước động thái của Mỹ khi không bị cuốn vào cuộc chiến truyền thông với Washington.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chiều 6/5 xác nhận, đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị cho vòng đàm phán mới tại Washington. Tuy nhiên, tài khoản Twitter của tổng biên tập báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến, nhận định có nhiều khả năng phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc không tham gia thành phần đoàn lần này, như một tín hiệu trả đũa.
Trải qua 10 vòng đối thoại với những tiến triển đáng kể, giai đoạn đàm phán cuối cùng trở nên “khó nhằn”. Động cơ của Mỹ đằng sau hành động tăng thuế thể hiện Mỹ muốn từ bỏ đàm phán, hay chỉ là một đòn bồi thêm để thu được lợi ích tối đa, vẫn là điều chưa xác định.
Hoàn Cầu chỉ ra, điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc vào lúc này là bình tĩnh. Theo tờ này, công chúng tại Trung Quốc mong muốn hai nước đạt thỏa thuận thương mại, song vẫn luôn chuẩn bị tinh thần cho trường hợp đối thoại đi đến kết quả khác – bao gồm những rạn nứt mang tính tạm thời. Việc xã hội Trung Quốc không đặt kỳ vọng vào thỏa thuận cao như xã hội Mỹ giúp cho những tác động tiêu cực do đàm phán thất bại gây ra có thể được kiểm soát.
“Chúng tôi hiểu [Mỹ] đang cố gắng làm gì, nhưng điều đó sẽ không thay đổi lập trường của chúng tôi,” Bai Ming – phó giám đốc Viện nghiên cứu thị trường quốc tế thuộc Bộ thương mại Trung Quốc – nói với Hoàn Cầu. Ông Bai tin rằng hành động gây sức ép tối đa là một chiến thuật đàm phán điển hình của chính quyền Trump.
“Nhưng Mỹ lúc này nên hiểu là Trung Quốc không bao giờ đầu hàng trước áp lực,” ông nói.
Giới chức Trung Quốc tuyên bố mong muốn đàm phán cởi mở và đạt giải pháp có lợi cho đôi bên, nhưng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ những lợi ích cốt lõi.
Liang Haiming, hiệu trưởng Viện nghiên cứu Vành đai và Con đường, Đại học Hải Nam, Trung Quốc, “chắc chắn rằng Trung Quốc đã chuẩn bị các đối sách”. Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ đáp trả tương xứng nếu Mỹ leo thang chiến tranh thương mại.
“Tất cả là do quyết định của Mỹ,” ông Liang nói.
Hoàn Cầu kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ bất chấp kết quả đàm phán
Ngày 6/5, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã chính thức xác nhận tuyên bố của tổng thống Trump trên Twitter hôm 5/5 về việc áp thuế quan 25% đối với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc.
Phát ngôn của Lighthizer khiến những nỗ lực trấn an dư luận của giới chức Trung Quốc – rằng đe dọa của ông Trump chỉ là chiến thuật đàm phán – không còn giá trị.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu cảnh báo những tổn thất khi thương chiến leo thang sẽ là hai chiều, khi Mỹ tưởng rằng có thể “nâng yêu sách” với Trung Quốc nhờ nền kinh tế Mỹ có một năm nhiều thành tựu tích cực. Nhưng về tổng thể, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng xấu đến đội ngũ cầm quyền của tổng thống Trump.
Theo Hoàn Cầu, xã hội Trung Quốc cần kiên định ủng hộ sách lược quốc gia trong thời điểm này, bất chấp mọi biến cố.
“Chúng ta cần có lòng dũng cảm và kiên nhẫn gánh chịu việc đổ vỡ đàm phán, tạo điều kiện tốt giúp chính phủ bảo vệ lợi ích cốt lõi của chúng ta,” bài xã luận có đoạn. “Đàm phán rõ ràng cần phải thu được kết quả tốt, nhưng nếu chúng ta không thể chịu được khả năng đổ vỡ thì kết quả tốt sẽ không xuất hiện.”
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải bài viết vào sáng 7/5, trấn an dư luận rằng nền kinh tế Trung Quốc “có đầy đủ khả năng phục hồi”.
Theo báo này, trước những diễn biến phức tạp trong và ngoài nước thì nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm nay đã có sự mở màn tốt đẹp, các chỉ số duy trì ở mức hợp lý và có dự báo tốt, thể hiện đầy đủ khả năng phục hồi.
“Khả năng phục hồi phát triển dồi dào của nền kinh tế Trung Quốc đã tạo ra không gian chuyển dịch tương đối lớn cho phát triển chất lượng cao và ứng phó với các thách thức bên ngoài,” chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách cải cách phát triển nhà nước, ông Yuan Da nói. “Chúng ta hoàn toàn có tự tin, điều kiện, năng lực để bảo đảm nền kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý, thực hiện mục tiêu năm.”
Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp theo dự kiến diễn ra trong hai ngày 8-9/5 (giờ Mỹ). Và nếu không có sự thay đổi nào hoặc đột phá trong đàm phán, bắt đầu từ 0h01 ngày 10/5, thuế quan mới sẽ chính thức được áp đặt lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.