Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động như xây dựng và quân sự hóa các đảo trên biển ở quy mô lớn của Trung Quốc; ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài; phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên biển. Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya tiếp tục khẳng định các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh là “mối quan ngại an ninh nghiêm trọng đối với khu vực bao gồm Nhật Bản và cộng đồng quốc tế”.
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội hôm 02/5, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya đã một lần nữa khẳng định trong Bản Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng mới nhất của Nhật Bản được thông qua vào tháng 12/2018, Nhật Bản đã gọi các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh là “mối quan ngại an ninh nghiêm trọng đối với khu vực bao gồm Nhật Bản và cộng đồng quốc tế”.
Theo các quan chức quốc phòng Nhật Bản, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã nhất trí tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc ở Biển Đông. “Nhật Bản hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam trong kỷ nguyên của triều đại mới với niên hiệu Reiwa” (Lệnh Hòa), dưới thời Hoàng đế Naruhito, người lên ngôi hôm 01/5.
Tình hình căng thẳng Biển Đông tiếp tục gia tăng do Trung Quốc đẩy các yêu sách của mình lên gần như toàn bộ vùng biển này, một tuyến vận chuyển quan trọng với ngư trường phong phú và có thể là các mỏ dầu lớn và khí đốt tự nhiên. Nhật Bản cũng đang bị kẹt trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đối với Quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng hai nước kể từ tháng 6/2018.
Thời gian qua, giới Lãnh đạo của Nhật Bản tích cực thể hiện chính sách, đưa ra các tuyên bố về Biển Đông, trong đó khẳng định Nhật Bản không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển. Nước này chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp. Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản. Nhật Bản tích cực giúp nâng cao năng lực cho các nước là các bên tranh chấp ở Biển Đông. Nhật Bản duy trì sự hiện diện trong khu vực thông qua hoạt động thăm viếng quân sự của tàu hải quân đến các nước kết hợp diễn tập chung nâng cao năng lực và hỗ trợ ODA mua sắm trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp biển của các nước ven Biển Đông. Nhật Bản coi việc hỗ trợ năng lực cho các nước ven biển là cần thiết đối với việc đảm bảo an toàn tự do hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.