Mặc dù là nước cách xa khu vực Biển Đông và không có tranh chấp với Trung Quốc và các nước, nhưng Anh đang cho thấy dấu hiệu gia tăng can dự ở khu vực này. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc hiện nay.
Những căng thẳng trong quan hệ Anh – TQ xuất phát từ Biển Đông
Hồi tháng 7/2018, sau khi tờ “The Australian” của Australia đưa tin Anh và Australia đang thảo luận về kế hoạch đưa tàu sân bay của Anh HMS Queen Elizabeth tới vùng biển Tây Thái Bình Dương vào năm 2021. Khi đó, tàu HMS Queen Elizabeth có thể sẽ cùng tàu Australia tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông tin này ngay lập tức khiến Trung Quốc lo ngại và tìm cách đối phó. Báo chí Trung Quốc chỉ trích, phê phán ý định của Anh và Australia gây tổn hại đến nền hòa bình khu vực.
Đến tháng 2/2019, Bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson tiếp tục đưa ra thông báo xác nhận việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ được triển khai ở châu Á để tuần tra trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Bộ trưởng Williamson nhấn mạnh vì lẽ đó, việc triển khai tàu sân bay để tuần tra cho thấy sức mạnh của Anh giữa lúc Trung Quốc đang gia tăng hoạt động tại các vùng biển trong khu vực. Bình luận này của Bộ trưởng quốc phòng Anh một lần nữa khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson, cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Anh đang quay lại tư duy của thời “chiến tranh Lạnh”. Ngay lập tức, Anh đáp trả bằng việc hủy chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã lên lịch trước đó đến Trung Quốc. Không dừng lại ở vậy, Anh cũng liên tục đưa ra các tuyên bố thể hiện cam kết hiện diện ở Biển Đông cùng với Mỹ và các nước.
Sau nhiều tháng trì hoãn, đến hôm 25/4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond mới có chuyến thăm tới Trung Quốc nhân việc tham dự diễn đàn hợp tác “Vành đai, con đường” lần thứ hai do Trung Quốc tổ chức và mời tham dự. Tại đây, hai bên tập trung thảo luận các vấn đề về tác động của hợp tác kinh tế Trung – Anh và quan hệ tài chính của hai nước. Bộ trưởng Hammond cũng dự kiến sẽ thảo luận về các kế hoạch kết nối hai thị trường chứng khoán giữa hai nước.
TQ “hối tiếc” việc vấn đề Biển Đông gây tổn hại cho quan hệ với Anh
Như để làm lành, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã bày tỏ sự hối tiếc rằng vấn đề Biển Đông đã gây tổn hại cho mối quan hệ, sau khi một tàu chiến của Anh đi sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố hồi tháng 8/2018. Khi đó, Trung Quốc đã vô cùng tức giận bởi một chuyến đi của HMS Albion, một tàu chiến đổ bộ nặng 22.000 tấn, gần quần đảo Hoàng Sa, gọi đó là một hành động khiêu khích. Hoàng Sa bị chiếm đóng hoàn toàn bởi Trung Quốc nhưng cũng bị Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. “Thật đáng tiếc rằng kể từ tháng 8 năm ngoái, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã chứng kiến một số biến động vì vấn đề Biển Đông và một loạt các cuộc đối thoại thể chế và các dự án hợp tác đã phải tạm dừng”, Phó Thủ tướng TQ nói với Bộ trưởng Tài chính Anh Hammond trong cuộc họp tại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Hoa cũng nhắc Anh rằng vấn đề Biển Đông liên quan đến chủ quyền và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và nó rất quan trọng và nhạy cảm trong quan hệ. “Chúng tôi đã nhận thấy rằng Anh gần đây đã nhiều lần nói rằng họ dành riêng để thúc đẩy kỷ nguyên vàng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Anh, và chúng tôi hy vọng Anh có thể tôn trọng một cách nghiêm túc các lợi ích cốt lõi và mối quan tâm quan trọng của Trung Quốc, và hành động của họ phù hợp với những gì nói”, ông Hồ Xuân Hoa nói với báo chí.
Hiện nay, Trung Quốc coi các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, Anh và các nước là một sự khiêu khích, vì họ coi gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố chỉ trích của Trung Quốc, Mỹ và các nước vẫn tiếp tục cam kết hiện diện ở Biển Đông, thực thi tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.