Ngày 18/5/2017, Trung Quốc thông báo đã thu được thành công đầu tiên trong việc thu thập được những mẫu khí metan hydrat (còn được gọi là “đá cháy” hay “băng cháy”) ở Biển Đông. Chỉ trong vòng 6 tuần, tính đến đầu tháng 7/2017, hơn 235.000m3 metan hydrat đã được Trung Quốc khai thác ở vùng biển cách 320 km về phía Đông Nam thành phố Châu Hải (Zhuhai), tỉnh Quảng Đông (Guangdong).
Trung Quốc khoe thành tựu
Kết quả trên được Bắc Kinh đánh giá là “một bước tiến lịch sử” sau gần 2 thập kỷ nghiên cứu với nhiều đợt khoan thăm dò trong vùng Biển Đông. Hãng tin AFP trích phát biểu của ông Hiệp Kiến Lương (Ye Jianliang), Giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Quảng Châu, đánh giá: “Trung Quốc đã vượt qua mọi mong đợi trong quá trình khảo sát thăm dò băng cháy bằng những tiến bộ đổi mới của riêng mình về công nghệ và kỹ thuật. Sự kiện này đánh dấu một bước đột phá lịch sử”. Theo Bộ Lãnh thổ và Tài nguyên, Trung Quốc sẽ có khoảng 80 tỷ tấn băng cháy. Khoảng 8.350m3 nhiên liệu này vẫn được khai thác hàng ngày ở ngoài khơi Đông Nam thành phố Châu Hải. Trung Quốc nằm trong số vài nước có tham vọng khai thác nguồn tài nguyên mới này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Từ 2 thập kỷ nay, quốc gia Đông Á này tăng cường các cuộc thăm dò dưới đáy đại dương để tìm băng cháy, một loại năng lượng hóa thạch được ưa chuộng vì khí mêtan. Tuy nhiên, để sử dụng được băng cháy trên quy mô thế giới, còn cần ít nhất thêm 10 năm nữa.
Cuộc cách mạng năng lượng hay dự án quảng bá
Thành công trong việc khai thác được khí mêtan hydrat vừa qua được Trung Quốc đánh giá là “một bước tiến lịch sử”. Tuy nhiên, chuyên gia Nga Igor Iuskov thuộc Quỹ Quốc gia vì An ninh năng lượng cho rằng bước đầu trong quá trình khai thác khí mêtan hydrat có thể là một tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng đó không phải là một cú đột phát lịch sử trong lĩnh vực năng lượng. Chuyên gia Nga nhấn mạnh: “Trung Quốc thông báo thành công trong bước đầu chiết xuất băng cháy, nhưng lại im lặng về chi phí cho hoạt động này. Dĩ nhiên, điều này gây thắc mắc, vì vấn đề giá cả của nhiên liệu được khai thác là điều quan trong. Chỉ có giá, chứ không phải tiêu chí nào khác, cho phép đánh giá hiệu quả thương mại của công nghệ Trung Quốc và xa hơn là viễn cảnh khai thác băng cháy nói chung”.
Theo chuyên gia Nga, Bắc Kinh hiểu rằng một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực khí mêtan hydrat có thể sẽ tác động hơn đến năng lượng thế giới so với sản xuất khí đá phiến (schiste). Ông Igor Iuskov nêu lên hai khả năng giải thích cho thông tin về thành công của Trung Quốc được truyền thông đăng tải: Thứ nhất, một thông tin như vậy phù hợp với chính sách của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Thứ hai, Bắc Kinh đang bận tâm đến giá khí đốt ở nước ngoài.
Khí mêtan hydrat, nguồn năng lượng của tương lai
Băng cháy được hình thành từ những phân tử mêtan nằm trong các phân tử nước kết tinh, thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, quy trình khai thác loại năng lượng này khó khăn và rất tốn kém.
Khí mêtan được chiết xuất bằng cách nâng nhiệt độ, hoặc giảm áp lực, để phân giải các hydrat thành khí và nước. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, 1m3 mêtan hydrat có thể tỏa 164m3 khí mêtan và 0,83m3 nước. Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về trữ lượng mêtan hydrat trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Mỹ, trữ lượng loại khí này có thể lớn hơn cả “khối lượng của tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch đã được biết” (như dầu mỏ, than đá…).
Các nhà nghiên cứu độc lập thì tỏ ra ngập ngừng trong việc đưa ra số liệu về quy mô của các mỏ băng cháy. Nhưng theo họ, số lượng các mỏ này rất lớn và có thể “làm thay đổi cán cân” đối với các nước có trữ lượng hạn chế về năng lượng hóa thạch truyền thống. Giảng viên Ingo Pecher, thuộc Đại học Khoa học, Đại học Auckland (Australia) nêu trường hợp điển hình của Nhật Bản: “Họ không có nhiều khí đốt và đối với họ, loại khí này có thể là một nguồn dự trữ quan trọng”. Quần đảo Nhật Bản bị lệ thuộc vào nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên, vì phần lớn các nhà máy điện nguyên tử của nước này vẫn đang ngừng hoạt động từ 6 năm nay, sau thảm họa Fukushima.
Tiềm năng rất lớn, song nó sẽ phá hủy môi trường sinh thái nếu khai thác không đúng cách
“Băng cháy” được phát hiện trên khắp thế giới, từ New Zealand đến Alaska, nhưng thách thức chính là phải tìm được những mỏ tập trung và có thể thâm nhập được. Rất nhiều nước có tham vọng khai thác được khí mêtan hydrat. Nhật Bản thông báo thành công trong việc khoan thăm dò ngoài khơi phía Đông nước này. Mỹ cũng đạt được kết quả khả quan trong những lần khoan thử ở vịnh Mexico.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng băng cháy ước tính trên thế giới dao động từ 280 nghìn tỷ đến 2.800 nghìn tỷ m3. Trong khi đó, tổng sản lượng khí tự nhiên trên toàn thế giới năm 2015 chỉ là 3,5 tỷ m3. Điều này nghĩa là methane hydrate có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt toàn cầu từ 80 đến 800 năm với mức tiêu thụ hiện tại. Tuy nhiên, chi phí khai thác quá cao và yếu tố lợi nhuận là nguyên nhân khiến các công ty năng lượng tư nhân và nhà nước chưa đầu tư khai thác băng cháy suốt nhiều thập kỷ qua. Việc khai thác đòi hỏi phải sử dụng một lượng nước lớn hoặc carbon dioxide (CO2) để làm ngập bể chứa metan hydrat, khiến nhiên liệu này bị giải phóng và đưa lên bề mặt. Các nhà khoa học cho biết, phải mất thêm nhiều năm nữa chúng ta mới có thể tiến hành sản xuất băng cháy trên quy mô lớn. Nếu không khai thác đúng cách, vật liệu này sẽ làm tràn ngập khí quyển Trái Đất với khí nhà kính và làm gia tăng biển đổi khí hậu.
Cùng quan điểm trên, Giáo sư An Khắc, thuộc khoa Địa lý và Quản lý nguồn tài nguyên, Đại học Hong Kong, một thách thức khác trong việc chiết xuất, đó là loại khí mêtan cũng có thể gây hiệu ứng nhà kính. Dẫu sao, loại nhiên liệu này vẫn là “tiềm năng lớn” nếu vượt qua được mọi cản trở về tài chính và công nghệ.
Tuy nhiên giống như những loại nhiên liệu khác, băng cháy gây ra mối lo ngại đáng kể về môi trường. Các chuyên gia lo lắng về việc đốt cháy nhiên liệu mới sẽ sản sinh ra methane, một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần so với carbon. Không những vậy, hoạt động khai thác băng cháy của Trung Quốc sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường Biển Đông. Nhiều khí methane sẽ đột ngột thoát ra khỏi băng cháy vào đại dương, có thể thêm một lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển. Băng cháy giải phóng nhiều nước và nhiều methane do nó không ổn định, sẽ đưa nhiều nước vào lớp trầm tích dưới lòng đại dương. Quá nhiều nước có thể gây biến đổi địa chất. Một số nhà môi trường học còn sợ nó có thể gây sóng thần. Ngoài ra, băng cháy sẽ là một trong những tham vọng khiến Trung Quốc bành trướng lực lượng quân sự và dân sự, lấy cớ nghiên cứu khoa học để tiến hành hoạt động thăm dò trên Biển Đông. Phạm vi Trung Quốc khảo sát, thăm dò và khai thác băng cháy có thể sẽ vi phạm chủ quyền của các nước trong khu vực. Nhất là trong bối cảnh nước này đã tiến hành bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông.