Theo Reuters, Hải quân Mỹ ngày 9.5 tuyên bố, 4 quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Philippines đã tiến hành diễn tập hải quân từ ngày 2 đến 8.5 tại vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Lực lượng tham gia bao gồm 1 tàu khu trục tên lửa của Mỹ, một tàu sân bay đổ bộ của Nhật, 2 tàu của Ấn Độ và 1 tàu của Philippines.
Trang tin Đa Chiều cho rằng, tuy trước đây Mỹ đã từng nhiều lần tiến hành các cuộc tập trận tương tự trên Biển Đông, nhưng cuộc diễn tập chung lần này diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa gia tăng mức thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nên động thái này được xem là sự thách thức mới đối với Bắc Kinh.
Theo Đa Chiều, trong phát biểu với báo giới, ông Andrew J.Klug, hạm trưởng tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo USS William P. Lawrence, nói: “Việc tiến hành tiếp xúc một cách chuyên nghiệp với các đồng minh, đối tác hợp tác và bạn bè trong khu vực này là cơ hội phát triển, củng cố các mối quan hệ trên cơ sở đã có”.
Ông cho biết, nội dung diễn tập bao gồm tuần tra chung, triển khai biên đội và phối hợp thông tin, di chuyển nhân viên và giao lưu. Ông Andrew J.Klug nói, hoạt động diễn tập chung trên biển như thế này giúp cho việc tăng cường hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ngoài khu trục hạm của Mỹ, Nhật đã cử tàu đổ bộ trực thăng JS Izumo, DDH-183, Ấn Độ cử tàu khu trục tên lửa INS Kolkata và tàu tiếp tế hậu cần INS Shakti, Philippines cử tàu tuần tra Andres Bonifacio PS17.
Đa Chiều dẫn nguồn tin của hãng Reuters cho biết, trước khi kết thúc cuộc diễn tập kéo dài một tuần này, hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ hôm 6.5 đã đi vào khu vực biển cận kề các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối.
Reuters hôm 6.5 cho biết, ông Clay Doss, người phát ngôn của Hạm đội Bảy, Hải quân Mỹ cho hãng này biết, 2 tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo Preble và Chung Hoon đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Ga Ven và Gạc Ma mà Trung Quốc đang chiếm giữ phi pháp.
Trang mạng chính thức của quân đội Trung Quốc hôm 6.5 cũng đã đăng ý kiến của Lý Hoa Mẫn, người phát ngôn Chiến khu miền Nam thuộc quân đội Trung Quốc xác nhận việc 2 tàu khu trục Mỹ đã đi vào vùng biển gần các đảo nhân tạo mà họ đang chiếm giữ phi pháp, đồng thời cho biết đơn vị này đã tổ chức lực lượng hải quân và không quân cảnh cáo, xua đuổi các tàu liên quan.
Cùng ngày 6.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại cuộc họp báo định kỳ cũng đã xác nhận việc 2 tàu khu trục Mỹ vào gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cảnh Sảng gọi hành động của các tàu chiến Mỹ là “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự tốt đẹp trên vùng biển này”, rằng “Trung Quốc kịch liệt bất bình và kiên quyết phản đối”…
Hãng Kyodo của Nhật hôm 9.9 cũng đưa tin: Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật cùng các hạm tàu của hải quân Mỹ, Ấn Độ và Philippines đã thực hiện cuộc huấn luyện trên Biển Đông tại “khu vực Trung Quốc xúc tiến quân sự hóa” từ ngày 2 đến 8.5. Đây là lần đầu tiên hải quân 4 nước triển khai huấn luyện chung trên vùng biển này. Tuy nhiên, Kyodo cho biết tham gia cuộc huấn luyện có 2 tàu Nhật gồm chiếc tàu vộ vệ đã hoán cải thành tàu sân bay chở trực thăng JS Izumo DDH-183 và tàu khu trục Murasame DD 101.
Thiếu tướng Hải quân Nhật Mokawa nói: “Cơ hội hợp tác hàng hải với Hải quân Mỹ và các đối tác trong khu vực lần này là một trải nghiệm rất tốt, Ngoài việc xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, đây cũng là cách tăng cường hòa bình và ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giữa các tàu của hải quân 4 nước đã triển khai các kỹ năng tác chiến cao siêu và tinh thần chuyên nghiệp cao”.