Tuyến đường vận tải hàng hải mới của Nga có nhiều lợi thế song ít có khả năng cạnh tranh với những tuyến đường hàng hải hiện tại.
Tuyến đường biển Bắc là được coi là một ưu thế tuyệt vời của nước Nga.
Tuyến đường này trải dài từ eo biển Bering đến Na Uy, được coi là một đối thủ tiềm năng lâu dài của kênh đào Suez cho tuyến thương mại Á-Âu, kể từ khi băng Bắc Cực bắt đầu tan chảy.
Chẳng hạn, một con tàu đi từ Hàn Quốc đến Đức sẽ mất khoảng 34 ngày qua Kênh đào Suez nhưng chỉ 23 ngày qua tuyến đường biển Bắc.
Hải trình trên tuyến đường biển Bắc trong vận tải thương mại Bắc Cực giữa 3 khu vực gồm châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu, vốn có lượng hàng xuất khẩu chiếm gần 90% thương mại thế giới.
Do đó, sở hữu tuyến hải trình này cho phép Nga có những lợi thế đặc biệt khiến những đối thủ chính trị, kinh tế của Moscow không thể làm lơ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã có bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng Bắc Cực, cảnh báo hoạt động gia tăng của Nga tại khu vực này phục vụ tuyến đường biển Bắc sẽ tạo điều kiện để Moscow mở rộng các phạm vi hoạt động của họ ở Bắc Cực, từ đó có ưu thế quân sự nhất định trong khu vực.
Tuy nhiên, Washington chắc chắn không quá e ngại việc Nga phát triển tuyến đường biển Bắc bởi khả năng hoạt động của nó vẫn còn rất hạn chế.
Theo nhiều chuyên gia Nga nhìn nhận khách quan, dẫu lượng băng tan đang nhiều lên, mùa khai thác vận tải chỉ kéo dài từ ba đến bốn tháng mỗi năm vào mùa hè. Điều kiện băng không thể đoán trước, không an toàn cho việc vận tải nhiều hơn trong năm.
Tàu chở khí hóa lỏng kết hợp phá băng Christophe de Margerie. Ảnh: Sovcomflot |
Cùng với phí bảo hiểm cao, đội tìm kiếm, cứu nạn hạn chế, phải thuê các tàu chuyên dụng tốn kém, các cơ sở hạ tầng hỗ trợ vẫn chỉ đang nằm trên… dự án, tuyến đường biển Bắc đến nay vẫn chưa cho thấy tiềm năng thương mại lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dẫu băng có tan nhanh hơn, tuyến đường biển Bắc khó có thể trở thành tuyến vận tải khả thi về mặt kinh tế cho vận tải hàng hải thế giới trước năm 2040.
Bên cạnh đó, do tuyến đường hàng hải dài, nằm hoàn toàn ở vùng lãnh thổ Nga, dân cư thưa thớt, cùng với rất ít bến cảng trên đường đi, tuyến đường này cũng không phù hợp cho khai thác thương mại – hoạt động mà các tàu vận tải hàng hóa thường giao hàng cho nhiều khách hàng trên đường đi.
Tuyến đường do đó chỉ phù hợp với các mặt hàng chở dầu hay khí đốt hóa lỏng nhằm phục vụ các thị trường đơn lẻ, không có điểm dừng giữa đường.
Dẫu Nga tuyên bố đã có tàu thương mại chở khí đốt đi trên tuyến hàng hải này mà không cần tàu phá băng, nhưng số lượng tàu hạn chế là một trong những điểm yếu của tuyến hàng hải này.
Trong quá trình con tàu Christophe de Margerie, thuộc công ty vận tải biển Sovcomflot của Nga đang thực hiện một hải trình, các khách hàng đến sau phải chờ đợi nó kết thúc hải trình rồi quay về mới có thể tiếp tục nhận đơn hàng mới.
Nếu không sử dụng tàu Christophe de Margerie mà phải dùng tàu chuyên dụng khác thì vẫn cần phải có tàu phá băng hộ tống.
Tuyến đường biển Bắc dẫu sao vẫn là một dự án sơ khai, chưa thể thực sự mang tới giá trị thương mại cho đến nay.
Tàu Venta Maersk đã hoàn thành hải trình trên tuyến đường biển Bắc khoảng 37 ngày. |
Ngày 22/8/2018, tàu chở container đầu tiên trên thế giới tên Venta Maersk đã đi theo tuyến đường biển Bắc từ Cảng Busan ở thành phố Busan, Hàn Quốc mang theo 660 container lạnh dự kiến đi qua cảng Bremerhaven của Đức rồi sau đó cập cảng St. Petersburg của Nga vào cuối tháng 9.
Theo đúng lịch trình con tàu đã đến St. Petersburg vào ngày 29/9/2018 nhưng quả thực không đạt được mục tiêu rút ngắn được tối đa hai tuần so với việc sử dụng tuyến đường biển đi qua kênh đào Suez (Ai Cập) như dự liệu trước đó.
Đây chỉ là chuyến thử nghiệm 1 chiều và 1 lần của tàu Venta Maersk nhằm tiến hành thử nghiệm và đo đạc hệ thống tàu chứ không mang mục đích thương mại.
Do đó để nỗi lo của Ngoại trưởng Mỹ trở thành sự thực, Nga có lẽ phải cố gắng thêm nhiều hơn nữa để củng cố năng lực cho tuyến đường biển Bắc