2019 là năm tròn kỷ niệm nhiều sự kiện lớn ở Trung Quốc, nhưng nhiều người Hoa đại lục không biết tới hoặc không có được thông tin chính xác về những sự kiện này khi sống trong quốc gia kiểm duyệt lớn nhất thế giới.
30 năm trước, vào ngày 4/6/1989, hàng ngàn sinh viên, trí thức ủng hộ dân chủ đã bị quân đội Trung Quốc thảm sát bằng xe tăng và súng ống tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Sự kiện gây chấn động toàn cầu và hiện diện trên trang nhất của nhiều tờ báo vào những dịp kỷ niệm hàng năm, nhưng như một nghịch lý, ngày này không mấy người đại lục biết đến vụ thảm sát này.
Trong cuốn sách “Cộng hòa Nhân dân Lãng quên” (People’s Republic of Amnesia), nhà báo Louisa Lim đã chỉ ra cách thức tẩy não của chính quyền Trung Quốc về vụ Thảm sát Thiên An Môn, một sự kiện mà ban đầu Bắc Kinh tuyên truyền là “cuộc bạo động của những phần tử phản cách mạng giết hại các binh sỹ quân đội”, sau đó giấu kín bằng cách kiểm duyệt và cấm đoán mọi cuộc thảo luận có liên quan.
Nhà báo Louisa Lim, tác giả cuốn sách “Cộng hòa Nhân dân Lãng quên” (People’s Republic of Amnesia), viết về tuyên truyền và tẩy não của chính quyền Trung Quốc đối với vụ Thảm sát Thiên An Môn (Ảnh chụp màn hình từ video)
Không chỉ cuộc Thảm sát Thiên An Môn bị “tẩy xóa” bởi bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chính quyền Trung Quốc, 40 năm cuộc chiến Trung-Việt (1979-2019), 50 năm cuộc chiến Nga-Trung (1969-2019), 60 năm cuộc xâm lược Tây Tạng (1959-2019), những tình tiết liên quan đến những cuộc chiến này cũng bị Bắc Kinh “chỉnh sửa” theo hướng có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Năm 2019 cũng tròn 20 năm kỷ niệm một sự kiện khác được tưởng nhớ hàng năm tại nhiều nơi trên thế giới nhưng ít người Trung Quốc biết đến: Đó là cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của 10.000 người Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 25/4/1999, để bày tỏ mong muốn được tập luyện môn khí công cổ truyền thuộc trường phái Phật gia – Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
Trung Quốc hành xử trái ngược với thế giới khi đàn áp Pháp Luân Công. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Những lễ kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện 25/4 diễn ra trên thế giới trong tuần qua một lần nữa nhắc nhở người Trung Quốc rằng: Hãy nhìn ra thế giới để thấy rằng thế giới nhìn nhận khác biệt như thế nào với những điều mà ĐCSTQ tuyên truyền về Pháp Luân Công hay những sự kiện khác.
Cuộc thỉnh nguyện của Chân-Thiện-Nhẫn
Là môn tu luyện đơn truyền lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi ra công chúng vào năm 1992, Pháp Luân Công nhanh chóng thu hút 70-100 triệu người tập tính đến năm 1999, vượt quá số lượng đảng viên đương thời (khoảng 65 triệu).
Hàng trăm người cùng tập Pháp Luân Công, một quang cảnh thường thấy ở Trung Quốc đại lục trước khi môn tập bị đàn áp. (Ảnh: Minghui)
Là người đứng đầu đảng cầm quyền duy nhất ở Trung Quốc, Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân có nỗi lo sợ hoang tưởng rằng những nhóm dân có nhiều người tham gia là mối đe dọa cho sự cầm quyền của cá nhân và đảng của ông, mặc dù thực tế họ không hề chống đối chính quyền, không làm chính trị.
Vì thế trước sự phổ biến ngày càng rộng rãi của Pháp Luân Công, như một phản xạ tự nhiên, ông Giang đã ra lệnh cho thuộc cấp tìm cách đàn áp môn khí công theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn này. Các học viên Pháp Luân Công bỗng trở thành “kẻ thù giai cấp”, tương tự như những lần mà ĐCSTQ đã đàn áp những thanh niên đòi dân chủ trong cuộc Thảm sát Thiên An Môn, hay với những trí thức, tiểu tư sản trong Cách mạng văn hóa, hay trước đó là các địa chủ, hoặc với những người bị quy là “cánh hữu” – có tư tưởng khác với niềm tin của nhà cầm quyền.
Ngày 17/6/1996, báo Quang Minh, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng tải một bài bình luận bôi xấu Pháp Luân Công. Sau đó Ban quản lý Báo chí và Xuất bản, Bộ Tuyên truyền Trung Quốc ra lệnh cấm xuất bản hai cuốn sách của Pháp Luân Công gồm Chuyển Pháp Luân và Pháp Luân Công.
Đầu năm 1997, Bộ Công an Trung Quốc chỉ đạo một cuộc điều tra thu thập cái gọi là bằng chứng tội phạm nhằm vu khống Pháp Luân Công. Công an đã thực hiện việc nghe lén điện thoại và theo dõi nơi ở của các học viên Pháp Luân Công là điều phối viên, đồng thời sách nhiễu và tìm tới chỗ ở của những người thường xuyên tới các điểm luyện công chung, lục soát và tịch thu tài sản cá nhân của họ.
Ngày 11/4/1999, tại chí Triển lãm Khoa học và Công nghệ Thanh niên của Học viện Giáo dục Thiên Tân đã cho đăng một bài viết của Hà Tộ Hưu, thành viên của Học viện Khoa học Trung Quốc, với tiêu đề “Tôi không ủng hộ những người trẻ luyện tập khí công”. Trong bài viết này, ông Hà bôi nhọ Pháp Luân Công bằng những thông tin sai lệch.
Từ ngày 18 đến ngày 24/4/1999, các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã đến Học viện Giáo dục Thiên Tân và các ban ngành có liên quan khác để kêu gọi rút lại báo cáo sai sự thật này. Hàng nghìn học viên đã kiên trì giải thích và thuật lại những trải nghiệm tích cực của họ trong quá trình tập luyện Pháp Luân Công với các nhà chức trách với mong muốn họ hiểu ra bài báo kia là không đúng sự thật.
Bất chấp sự hòa ái và nhẫn nại của các học viên Pháp Luân Công, nhà cầm quyền tỏ ra không muốn tiếp nhận sự thật. Vào ngày 23 và 24/4/1999, Cục cảnh sát Thiên tân đã điều động hơn 300 cảnh sát vũ trang tới đánh đập và giải tán các học viên bằng bạo lực. 45 học viên đã bị bắt, một số thì bị thương.
Sau đó, ngày 25/4/1999, hơn 10.000 học viên ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và những tỉnh khác đã đến Văn phòng Kháng cáo Nhà nước, đặt tại Trung Nam Hải – khu vực có nhiều cơ quan chính phủ ở Bắc Kinh, để thỉnh nguyện ôn hòa mong giới lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc nhìn ra sự thật và trả lại công lý cho Pháp Luân Công.
Các học viên “rất lặng lẽ và lịch sự, họ bày tỏ nguyện vọng rằng họ sẽ không bị đối xử” như vụ việc ở Thiên Tân, theo nhận định của tiến sỹ Benjamin Penny, một học giả tại Thư viện Quốc gia Australia, viết trong bài nghiên cứu Quá khứ, Hiện tại và Tương lai của Pháp Luân Công (2001).
Các học viên Pháp Luân Công xếp hàng trật tự trong cuộc thỉnh nguyện tại Bắc Kinh ngày 25/4/1999. (Ảnh: Minghui.org)
Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Chu Dung Cơ đã gặp mặt các đại diện của nhóm thỉnh nguyện. Trước lãnh đạo cao nhất của chính phủ, các học viên đã đưa ra ba đề nghị rằng: nhà nước hãy lập tức trả tự do cho các học viên bị bắt giữ, đảm bảo môi trường tu luyện ôn hòa cho các học viên, và cho phép các sách của Pháp Luân Công được xuất bản trở lại.
Khi hiểu ra sự tình, Thủ tướng Chu Dung Cơ “khẳng định chính phủ không phản đối Pháp Luân Công và hứa rằng các học viên Thiên Tân sẽ được thả tự do”, theo nhà báo Ethan Gutmann trong bài viết đăng trên National Review có tựa đề “An Occurrence on Fuyou Street” (tạm dịch: Biến cố trên phố Fuyou).
Sau khi biết tin, hơn 10,000 học viên đang tập trung tại Trung Nam Hải đã nhanh chóng giải tán.
Đàn áp bất chấp phản đối
Sự kiện 25/4 được giải quyết một cách tốt đẹp và nhẹ nhàng, và hành động ôn hòa của Thủ tướng Chu Dung Cơ được giới truyền thông nước ngoài đánh giá cao.
Tuy nhiên, Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân đã lợi dụng sự kiện ôn hòa này để lấy cớ đàn áp Pháp Luân Công. Ông Giang cáo buộc sự việc là một cuộc vây hãm Trung Nam Hải và một “sự cố chính trị nghiêm trọng nhất kể từ ngày 4 tháng 6”, ám chỉ vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Đêm ngày 25/4, ông Giang gửi thư cho từng Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị về quyết định đàn áp Pháp Luân Công.
Theo lời kể của những học viên Pháp Luân Công từng làm việc trong những cơ quan đảng và chính phủ Trung Quốc, trong cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị sau đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ cho rằng không nên làm lớn chuyện đối với một môn khí công. Ông Chu trích dẫn số liệu điều tra minh chứng Pháp Luân Công có tác dụng chữa bệnh khỏe người, tiết kiệm được nhiều chi phí y tế cho nhà nước, và ông cho rằng nên để người dân tập luyện nếu họ muốn. Tuy nhiên, ông Giang đã bác bỏ ý kiến của Thủ tướng Chu, và nói rằng “Hồ đồ! Hồ đồ! Đây là vấn đề tồn vong của đảng và nhà nước”.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân lên nắm quyền ngay sau Thảm sát Thiên An Môn 1989, ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công năm 1999, bị tòa án Tây Ban Nha kết tội diệt chủng đối với các học viên Pháp Luân Công năm 2009, sau đó cũng bị tòa án Tây Ban Nha truy nã năm 2014 vì tội ác chống lại loài người đối với nhân dân Tây Tạng (Ảnh chụp màn hình từ video của NTD)
Sau đó ông Giang ra lệnh cho La Cán, lúc đó là bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC), điều tra tìm ra các vi phạm của Pháp Luân Công.
Ngày 10/6/1999, ông Giang Trạch Dân cho thành lập “Phòng 610”, một tổ chức chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công, được ví như tổ chức Gestapo của Đức Quốc xã, và cắt cử La Cán phụ trách.
Tối ngày 19/7/1999, ông Giang bất chấp ý kiến phản đối của 6 Ủy viên Thường vụ còn lại của Bộ Chính trị, quyết định chính thức phát động cuộc đàn áp trên toàn quốc đối với Pháp Luân Công. Từ đó trở đi, chính quyền Trung Quốc tự đặt mình vào trạng thái đối ngược với phần còn lại của thế giới, nơi Pháp Luân Công được chào đón và tự do luyện tập.
Cựu quan chức Trung Quốc thừa nhận: ‘Mọi tuyên truyền đều là dối trá’
Sau lệnh đàn áp của ông Giang, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tung ra hàng loạt chương trình tuyên truyền vu khống “Pháp Luân Công là tà đạo”, nhằm biện minh cho cuộc đàn áp bất thường và khiến công chúng quay lưng lại với môn tập nổi tiếng giúp nhiều người nâng cao sức khỏe và cảnh giới tinh thần.
“Mọi tuyên truyền đều là dối trá”, ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu ngoại giao viên người Hoa tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, Australia, nói với chương trình Trung Quốc Không Kiểm Duyệt.
Ông Trần, người đào thoát khỏi chính quyền Trung Quốc vì không muốn con ông bị tẩy não như ông, cho biết: “Khi đọc tuyên truyền của ĐCSTQ, bạn nên hiểu theo nghĩa ngược lại; Đó mới là cách hiểu đúng. Vì vậy, nếu ĐCSTQ nói cái gì đó là xấu, kia là nhóm tà hay ‘Pháp Luân Công là tà’, thì có nghĩa là Pháp Luân Công thực sự tốt”.
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc xin tị nạn ở Australia năm 2005, nói rằng mọi tuyên truyền của Trung Quốc là dối trá. Ông cho biết nếu ĐCSTQ nói “Pháp Luân Công là tà” thì có nghĩa rằng “Pháp Luân Công thực sự tốt” (Ảnh chụp màn hình từ video)
Chiếc mũ ‘tà đạo’ mà chính quyền Trung Quốc quy chụp cho Pháp Luân Công “chỉ là một công cụ được chế tạo ra cho cuộc đàn áp, chứ không phải là nguyên nhân của cuộc đàn áp”, theo cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas kết luận trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.
Ông Edward McMillan-Scott, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (2004-2014), cho biết trong một cuộc họp với các đồng nghiệp vào năm 2010: “Như tôi đã nói, tôi đã gặp hàng trăm học viên Pháp Luân Công. Họ không phải giáo phái, không phải tà giáo, không thu tiền, không tẩy não… không có bất cứ đặc điểm nào của tà giáo cả. Những người này chỉ tự mình tập luyện các bài tập tinh thần”.
Pháp Luân Công không phải tà đạo, theo ông Edward McMillan-Scott, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu (2004-2014). Trong bức ảnh, ông McMillan-Scott phát biểu cạnh bà Madeline Albright, cựu Ngoại trưởng Mỹ, tại Brussels ngày 14/3/2011. (Ảnh: European Union 2011).
Ông Scott cũng chỉ ra mối tương đồng giữa cuộc đàn áp Pháp Luân Công và nạn diệt chủng người Do Thái: “Cũng như thời Thế chiến, Đức Quốc Xã gán cho người Do Thái các đặc điểm riêng để cô lập và tàn sát họ. Điều tương tự đang xảy ra với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Đó là lý do tại sao tôi gọi đây là tội diệt chủng và nó vô cùng nghiêm trọng”.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân (bên trái) tương tự như cuộc diệt chủng người Do Thái của Hitler (bên phải), theo ông Edward McMillan-Scott, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu (2004-2014). (Ảnh: DW News, Jewish Virtual Library)
Giáo sư Wendy Rogers, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giá trị và Đạo đức, Đại học Macquarie (Australia) cũng bác bỏ lời tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc về Pháp Luân Công: “Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Pháp Luân Công là một tà đạo. Không có bằng chứng nào cho thấy họ có hành động chính trị nhằm lật đổ chính quyền Trung Quốc. Không có bằng chứng nào cho thấy điều gì ngoài một mong muốn sâu sắc là được làm theo niềm tin mà không bị bỏ tù và giết hại”.
Không có điều gì cho thấy Pháp Luân Công là tà đạo hay làm chính trị, theo Giáo sư Wendy Rogers, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giá trị và Đạo đức Australia (Ảnh chụp từ Youtube)
Bà Sara Cook, Chuyên gia Nghiên cứu Cấp cao về Đông Á của Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) nhận định trong phiên điều trần trước Ủy ban hành pháp Nghị viện Mỹ về vấn đề Trung Quốc vào tháng 12 năm 2012: “Đảng Cộng sản Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc thường khẳng định rằng cần phải cấm Pháp Luân Công vì đó là một ‘tà giáo’ có một ảnh hưởng bất chính đối với xã hội. Những cáo buộc này là vô căn cứ khi được xem xét tại Trung Quốc, cũng như khi xét đến sự phổ biến của Pháp Luân Công ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Đài Loan vốn có nền dân chủ”.
‘Thế giới cần có Pháp Luân Đại pháp’
“Những lợi ích về thể chất và tinh thần của Pháp Luân Đại Pháp khiến môn này phổ biến tới 114 quốc gia với hơn 100 triệu người theo tập”, trích bản Tuyên bố của thành phố North Bay, Canada nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.
“Thế giới cần có Pháp Luân Đại Pháp”, ông Consiglio Di Nino, cựu Nghị sỹ Canada (1990-2012), khẳng định. Chia sẻ với các học viên Pháp Luân Công tại Canada nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm cuộc thỉnh nguyện 25/4, ông Nino nói: “Tôi hoan nghênh các bạn vì tiếp tục đứng lên”. Vị cựu dân biểu nói về sự kiện 25/4/1999: “Tôi rất tôn trọng các bạn, khi thấy một cuộc thỉnh nguyện về quyền tự do, theo một cách thức phi bạo lực như vậy”.
Ông Consiglio Di Nino, cựu thượng nghị sĩ Canada (1990-2012). (Ảnh: Facebook)
Nhiều nhân vật có uy tín trong chính trường Canada cũng có cùng quan điểm với ông Nino. Ông Peter Kent, Nghị sỹ Canada, cựu Bộ trưởng Môi trường, nói: “Tôi cảm thấy vinh dự khi đứng cùng các bạn tại đây, và tôi hi vọng rằng những người đại diện của Chính phủ Trung Quốc, những người mà chúng tôi biết có lẽ đang theo dõi những gì đang diễn ra ở đây hôm nay, hãy gửi lại những thông điệp này đến với chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng hãy tôn trọng quyền tự do, quyền con người và nguyên tắc thượng tôn luật pháp”.
Ông Peter Kent, Nghị sỹ Canada, cựu Bộ trưởng Môi trường, phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm sự kiện thỉnh nguyện ôn hòa 25/4 của các học viên Pháp Luân Công, được tổ chức tại bên cạnh tòa nhà Nghị viện Canada ở thủ đô Ottawa ngày 20/4/2019 (Ảnh chụp màn hình từ video của NTD)
Còn ông Wladslaw Lizon, cũng là một cựu Nghị sỹ Canada, nói: “Điều quan trọng nhất là, đối với các anh chị em tập Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, chúng ta cần để họ biết rằng họ không hề đơn độc. Với Chân-Thiện-Nhẫn, chúng ta sẽ cùng tiến về phía trước. Và tôi hi vọng rằng sẽ rất sớm thôi, sớm thôi, chúng ta sẽ hội ngộ, gặp mặt nhau để cùng ăn mừng cho thành công của chúng ta”.
Các học viên Pháp Luân Công trên thế giới cũng lên tiếng về những lợi ích của môn tập và kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt đàn áp các học viên ở đại lục.
Trong cuộc diễu hành kỷ niệm ngày 25/4 được tổ chức tại thành phố New York, Hoa Kỳ, Babak Baniasadi, một đầu bếp và là học viên Pháp Luân Công, nói với đài truyền hình NTD: “Sự kiện này là để chia sẻ và giúp mọi người biết về Pháp Luân Đại Pháp, về vẻ đẹp và những điều tuyệt vời của môn tập. Có nhiều hiểu lầm về môn tập trong cộng đồng người Hoa vì chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều tuyên truyền vu khống. Chúng tôi ở đây là để làm rõ những hiểu lầm đó và cho mọi người biết rằng chúng tôi là người tốt”.
Babak Baniasadi, một đầu bếp và là học viên Pháp Luân Công, nói với đài truyền hình NTD trong sự kiện kỷ niệm 20 năm cuộc thỉnh nguyện 25/4, được tổ chức ở thành phố New York, Mỹ, ngày 20/4/2019 (Ảnh chụp màn hình từ NTD)
Nhà văn Andrea Hayley-Sankaran, một học viên Pháp Luân Công, cho biết: “Khi tôi thực hiện những bài công pháp, tôi biết rằng môn này khá đặc biệt và thâm sâu. Có một bài yêu cầu bạn phải giữ yên cánh tay của mình lên như thế này này trong vòng 7 phút, và sau đó tôi cảm thấy tràn trề năng lượng và rất tuyệt vời”.
Nhà văn Andrea Hayley-Sankaran chia sẻ cảm nhận của cô khi luyện Pháp Luân Công (Ảnh chụp màn hình từ NTD)
“Tôi cảm thấy thu hút bởi ba chữ giản dị, Chân-Thiện- Nhẫn”, Mathias Magnason, một nhà làm phim tập Pháp Luân Công nói với NTD. “Tôi cảm thấy rằng đó là một điều vô cùng tốt đẹp.”
Nhà làm phim Mathias Magnason nói với NTD về trải nghiệm của anh khi luyện Pháp Luân Công (Ảnh chụp màn hình từ NTD)
Olli Torma, nhân viên tư vấn IT, nói rằng anh đã “trải qua một sự thay đổi rất lớn kể từ khi bắt đầu tập luyện” Pháp Luân Công.
Một người mẫu chuyên nghiệp, cô Pooja Mor nói với NTD: “Tôi luôn tìm kiếm sự an nhiên, một thứ gì đó có thể khiến tôi trầm tĩnh trước sóng gió cuộc đời. Môn tập đã mang lại nhiều sự bình an và thiện lương cho cuộc sống của tôi.”
Người mẫu Pooja Mor, học viên Pháp Luân Công, tại công viên Trung tâm thành phố New York, Mỹ ngày 19/4/2016 (Ảnh: Samira Bouaou/ Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Hãy hướng thiện
“Gieo gió ắt gặp bão”, những kẻ hành ác sẽ phải chịu quả báo đó là quy luật đã được tổng kết trong những lời răn, những bài học đạo đức từ xa xưa.
Kẻ cầm đầu nhóm tà ác bức hại Pháp Luân Công là Giang Trạch Dân và cánh tay phải của ông ta La Cán vào năm 2009 đã bị một tòa án ở Tây Ban Nha kết tội đối với các học viên Pháp Luân Công. Các thành viên cao cấp khác của ĐCSTQ theo Giang đàn áp Pháp Luân Công như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai đều đã phải trả giá, Chu và Bạc tù trung thân vì tham nhũng, Lệnh bị cách chức, đi tù vì tham nhũng, Từ bị điều tra về tội tham nhũng và đã từ trần vì ung thư.
ĐCSTQ dưới thời Tập Cận Bình đã cho thấy những chuyển biến về mặt nhận thức khi có quyết định giải tán phòng 610 và điều tra nhiều quan chức theo Giang đàn áp Pháp Luân Công. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những tuyên truyền rầm rộ suốt nhiều năm của ĐCSTQ, nhiều người Trung Quốc đại lục thật sự tin vào tuyên truyền của chính phủ, họ sợ hãi hoặc ghét bỏ Pháp Luân Công, môn khí công bắt nguồn từ Trung Hoa hiện có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Cùng với những tuyên truyền lừa dối khác, ĐSCTQ đang biến người dân đại lục thành một cộng đồng “lập dị” giữa cộng động quốc tế vì thế giới quan của họ là những hình ảnh méo mó mà Bắc Kinh vẽ ra, khắc vào trong não họ từ khi còn là một đứa trẻ. Sẽ là vô cùng nguy hiểm nếu một cộng đồng lớn lên trong dối lừa, thù hận và hoang tưởng, sự nguy hiểm không chỉ đến với cộng đồng này mà nó còn đe dọa những cộng đồng khác của thế giới.
Vẫn là chưa quá muộn để bóc đi những lừa mị phủ lên những sự kiện mà bấy lâu nay người dân Trung Quốc không có cơ hội được biết đến sự thật. Dù không hay biết, sự thật luôn quý giá đối với những người bị lừa dối suốt hàng thập niên về lịch sử của chính họ.