Theo mạng Manila Bulletin (24/4) cho biết, Trung Quốc chuẩn bị điều tra những hoạt động khai thác sò tai tượng bị cáo buộc là bất hợp pháp của các tàu thuyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Philippines xem xét sử dụng công cụ pháp lý kiện Trung Quốc phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Junior (16/4) cho biết Philippines đang xem xét sử dụng công cụ pháp lý để khởi kiện Trung Quốc đã khai thác trái phép sò tai tượng khổng lồ từ bãi cạn tranh chấp Scarborough. Theo ông Locsin, ngư dân Philippines đã thông báo cho chính quyền địa phương về việc tàu Trung Quốc thu hoạch lượng lớn trai tai tượng khổng lồ từ bãi cạn Scarborough. Hiện chính quyền Manila đã gửi công hàm phản đối hành động trên của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Philippines sẽ xem xét sử dụng các biện pháp pháp lý để chống lại hành động “trộm cắp” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc lại lừa Philippines
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, Jose Santiago Sta. Romana cho biết, Trung Quốc đã đề xuất phối hợp với Cục Thủy sản và tài nguyên nước Philippines (BFAR) điều tra về những hoạt động khai thác sò tai tượng bất hợp pháp của các tàu thuyền Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông Romana, từ năm 2017, Trung Quốc đã tuyên bố, việc khai thác, buôn bán sò tai tượng và sản xuất các sản phẩm từ sò tai tượng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, giữa tuyên bố và thực tiễn cần thể hiện rõ trách nhiệm và đó là lý do, hai bên đang cố gắng để thảo luận, đạt được kết quả về vấn đề này thông qua kênh ngoại giao. Ông Romana cũng đề nghị truyền thông, ngư dân hay bất cứ cơ quan chính phủ nào của Philippines tiếp tục báo cho Bộ Ngoại giao Philippines về những vụ việc tương tự xảy ra để tiếp tục làm việc với Trung Quốc.
Được biết, sò tai tượng là loại động vật thân mềm lớn nhất trên Trái đất, có thể dài tới 1m, nặng hơn 200kg và sống tới trăm tuổi. Chúng sinh sống chủ yếu ở khu vực biển ấm của Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Trước đây, trong suốt những năm 1970, sò tai tượng ở phần lớn khu vực châu Á Thái Bình Dương được khai thác để làm thức ăn. Món này ở Trung Quốc được xem như một loại cao lương mỹ vị, loại thực phẩm thần kỳ giúp đời sống tình dục thăng hoa. Thế nhưng, đó không phải nguyên nhân duy nhất khiến nó trở thành thứ được săn đuổi, tới mức bị đưa vào trạng thái “sắp nguy cấp” trong danh sách bảo tồn.
Tới những năm 1980, loại thủy sinh này lại được chuộng để làm cảnh. Những con sò tai tượng màu sắc nổi bật trở thành thứ được săn đón để đưa vào các khu trưng bày sinh vật cảnh. Được Phật giáo xếp vào danh sách 7 báu vật cùng với vàng, bạc, vỏ sò tai tượng được người Trung Quốc tìm kiếm để chạm khảm, chế tác đồ trang sức và trang trí bởi với họ, nó là biểu tượng của tiền tài, may mắn. Họ tìm tới sò tai tượng không chỉ để lấy ngọc. Ngoài những viên ngọc khổng lồ, quý hiếm, to gấp nhiều lần ngọc trai, sò tai tượng còn có thể khai thác lấy vỏ bởi lớp vỏ của nó có màu sắc đặc biệt, tinh tế tựa ngà voi.
Chỉ trong vòng 1-2 thập kỷ sau những năm 1990, nhu cầu đối với đồ thủ công từ sò tai tượng bắt đầu tăng cao bởi chính quyền Bắc Kinh lúc này đã thắt chặt việc buôn bán ngà voi. Khi những đối tượng nhà giàu mới nổi muốn có những thứ nhằm thể hiện địa vị nhưng ít bị đánh giá và ít tiềm ẩn nguy cơ gặp rắc rối với pháp luật (do ngà voi bị cấm buôn bán), họ tìm tới những món trang trí được chế tác từ vỏ sò tai tượng. Và nó trở thành đồ trưng bày thời thượng, xa hoa, giá bán tăng lên gấp nhiều lần. Theo Straits Times, một món đồ trang trí được chế tác từ vỏ sò tai tượng lớn cỡ 1m có thể lên tới hơn 16.000 USD (tương đương gần 400 triệu đồng).
Sò tai tượng chỉ có 1 cơ hội duy nhất trong đời để tìm nơi trú ngụ. Khi đã gắn bó với một địa điểm nào đó trên rạn san hô thì nó sẽ ở đó cho tới suốt phần đời còn lại. Do đó, để khai thác sò tai tượng thì phải đào toàn bộ rạn san hô lên. Trong những năm gần đây, Trung Quốc được cho là đã áp dụng các biện pháp “mạnh tay hơn” để kiểm soát ngư dân khai thác sò tai tượng. Tuy nhiên, điều đó có lẽ không thể cản ngư dân Trung Quốc ra khơi khi mà nguồn lợi có thể thu về quá lớn. Những kẻ buôn lậu vẫn có thể tìm cách tuồn sò tai tượng qua biên giới và biến thành những món đồ mà người tiêu dùng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu ưa chuộng: Vòng cổ, vòng tay, những bộ cờ vây tinh xảo hoặc những món trang trí được chạm khảm cầu kỳ.