Trái với những gì cộng đồng quốc tế đánh giá, giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế đang tìm cách bôi lem chính sách Biển Đông của Việt Nam, cố tình xuyên tạc rằng việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là sách lược ứng phó có định hướng đặc biệt trong chiến lược biển quốc gia của Việt Nam.
“Động cơ” của Việt Nam thúc đẩy sách lược quốc tế hóa vấn đề Biển Đông
Giới học giả Trung Quốc cố tình xuyên tạc, bội nhọ chính sách biển đảo của Việt Nam và sự thật lịch sử cũng như quy định luật pháp quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực Biển Đông. Họ cho rằng chính sách Biển Đông của Việt Nam vừa bao gồm đòi hỏi đối với chủ quyền hải đảo, quyền lợi biển, vừa bao gồm sử dụng nguồn lực Biển Đông để thực hiện phát triển bền vững đất nước. Họ nhận định rằng Việt Nam cho rằng quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược phi pháp trước đây, hiện hai nước vẫn còn tồn tại tranh chấp ở quần đảo này; đồng thời Việt Nam cho rằng chủ quyền của 29 đảo san hô ở quần đảo Trường Sa mà họ kiểm soát thuộc về Việt Nam, không có tranh chấp với nước khác. Từ nhiều năm trước, sách lược cơ bản của Chính phủ Việt Nam ứng phó với tranh chấp Biển Đông là bảo vệ lợi ích vốn có, hạ giọng khi giải quyết tranh chấp, ngăn chặn ở mức tối đa việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông. Sách lược này bắt đầu thay đổi sau khi Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, ý đồ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông dần hình thành.
Xem xét tổng quan chiến lược quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Việt Nam, động cơ của sách lược này về đại thể chia làm hai cấp độ: Bảo vệ an ninh quốc gia và ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống. Về an ninh quốc gia, Việt Nam mong muốn liên kết với các nước lớn bên ngoài khu vực và thông qua các tổ chức quốc tế mang tính khu vực để gây sức ép với Trung Quốc, hình thành hợp lực về đối nội và đối ngoại để duy trì nguyên trạng khu vực Biển Đông. Còn những lĩnh vực an ninh phi truyền thống như đánh bắt quá mức, phòng chống thiên tai, cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường, buôn bán người…, do sức mạnh tổng hợp của đất nước có hạn, Việt Nam có khuynh hướng tăng cường sự tham gia của cộng đồng quốc tế, thông qua nhiều hình thức hợp tác đa phương để ứng phó với thách thức.
Đồng thời, chiến lược Biển Đông của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở xem xét toàn diện quan hệ với Trung Quốc. Chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc luôn theo chủ trương vừa hợp tác vừa đấu tranh, sách lược quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thể hiện đầy đủ chủ trương đó. Việt Nam một mặt sử dụng sự can dự của thế lực quốc tế, phá bỏ ý tưởng mà Trung Quốc đưa ra là đàm phán riêng rẽ với từng nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Mặt khác, Việt Nam lại có thể tránh được đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, đồng thời hình thành “kiềm chế mềm” mang tính thực chất đối với việc duy trì quyền lực của Trung Quốc. Trong quá trình quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, Việt Nam không những không từ bỏ đàm phán với Trung Quốc, ngược lại, lợi dụng nguồn gốc lịch sử của quan hệ hai đảng, hai quân đội để tích cực tiếp xúc với Trung Quốc. Ngoài ra, trong chiến lược ngoại giao của mình, Việt Nam còn từng tuyên bố nguyên tắc “ba không”, đó là không liên minh, không cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự và không liên hết với nước khác gây chiến với nước thứ ba. Chính sách này giúp Việt Nam triển khai hợp tác quốc phòng với nước khác vừa phù hợp với tình hình ở Việt Nam, vừa không gây thiệt hại đến nguyên tắc ngoại giao quốc gia.
Hiện tại, Việt Nam đang khai thác các tài nguyên ở Biển Đông, đặc biệt là dầu mỏ, đã triển khai hợp tác khai thác dầu mỏ quy mô lớn với các công ty dầu khí Exxo Mobil của Mỹ, ONGC của Ấn Độ, Gazprom của Nga và một công ty dầu khí của Nhật Bản. Thông qua hợp tác với các công ty xuyên quốc gia, Việt Nam không những có thể giành được nhiều lợi ích kinh tế ở Biển Đông mà còn có thể tác động đến thái độ của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đứng sau họ trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam “lợi dụng” sự hiện diện của các công ty xuyên quốc gia ở Biển Đông để cung cấp “chỗ dựa” mang tính hợp pháp để các nước lớn bên ngoài khu vực can dự vào vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, để củng cố và đảm bảo lợi ích biển hiện có, không bị ảnh hưởng tiêu cực từ hành động duy trì quyền lợi của Trung Quốc, Việt Nam còn “lợi dụng” các tổ chức quốc tế, tuyên truyền, “phóng đại” về các mối đe dọa mà họ phải chịu ở Biển Đông nhằm nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Những năm gần đây, từ hội nghị cấp cao ASEAN đến Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), rồi đến Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), cho đến Liên hợp quốc, đều được Việt Nam coi là mặt trận quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Chiến lược quốc tế hóa vấn đề Biển Đông mà Việt Nam thúc đẩy có quan hệ chặt chẽ với chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương mà Mỹ bắt đầu thực hiện từ năm 2009. Chính phủ Mỹ tiếp tục tuyên bố họ có lợi ích quan trọng ở khu vực Biển Đông, trong đó có tự do hàng hải và ổn định khu vực Biển Đông. Chính sách Biển Đông của Mỹ phù hợp tự nhiên với tính toán của Việt Nam giữ nguyên trạng Biển Đông. Thông qua tăng cường hợp tác với các nước lớn bên ngoài khu vực như Mỹ, Việt Nam không những có thể tránh đơn phương đối đầu với Trung Quốc, giảm bớt gánh nặng ngân sách và kinh tế của Việt Nam, mà còn có thể thu được lợi ích thiết thực như sự ủng hộ về đạo lý và hỗ trợ về vật chất. Đồng thời, triển khai hợp tác quốc phòng với các nước bên ngoài khu vực còn giúp nâng cao ảnh hưởng quân sự của Việt Nam ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mở rộng quyền phát ngôn chính trị của họ.
Phân tích của giới chuyên gia Trung Quốc về “lý luận của chiến lược quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”
Giới chuyên gia Trung Quốc trích dẫn ý kiến phiến diện của một số chuyên gia, học giả quốc tế, từ đó xuyên tạc, lồng ghép vào ý chủ quan của mình để bôi nhọ, xuyên tạc chính sách biển đảo của Việt Nam, cụ thể:
Giải thích lý luận của chủ nghĩa hiện thực: Quan hệ phi đối xứng giữa Trung Quốc và Việt Nam: Xem xét từ góc độ địa chính trị và an ninh, hai nước có quan hệ phi đối xứng về mặt kinh tế và quân sự, mối quan hệ này tất yếu khiến Việt Nam phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài để ứng phó với vấn đề Biển Đông. Chuyên gia Brantly Womack thuộc Đại học Virginia (Mỹ) nêu rõ, trong lịch sử, do sức mạnh của Việt Nam quá chênh lệch so với Trung Quốc, Việt Nam luôn có khuynh hướng bất an, vì vậy, Hà Nội nhiều lần thực hiện hành động mạo hiểm trong quan hệ với Trung Quốc để giành quyền chủ động.
Giải thích lý luận về chủ nghĩa kiến tạo: Về địa vị quốc gia của Việt Nam, xem xét từ lịch sử, chiến lược ngoại giao của họ đối với Trung Quốc luônt hể hiện địa vị của một quốc gia đặc biệt, kế thừa truyền thống vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Việt Nam một mặt chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc, mặt khác lại chống “Trung Quốc hóa”, duy trì ý chí mãnh liệt giữ gìn tính chất độc lập về văn hóa và chính trị của riêng mình. Về ngoại giao tổng thể của Việt Nam đối với Trung Quốc hiện nay, trong giải pháp thực tế xử lý vấn đề Biển Đông, địa vị quốc gia kép đó đều thể hiện đầy đủ.
Do chịu ảnh hưởng kép đối với nhận thức về Trung Quốc, một mặt, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc năm 2008, đến năm 2009 lại nâng cấp thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Năm 2010, hai nước đã xây dựng cơ chế hội nghị đối thoại quốc phòng, đi sâu giao lưu và hợp tác giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên, mặt khác, Việt Nam liên tục có lịch sử liên minh với các nước như Pháp, Mỹ, Liên Xô…, ý thức theo đuổi đa phương hóa ngoại giao đã sớm ăn sâu trong lịch sử đất nước họ. Do đó, Việt Nam phản đối chủ trương giải quyết song phương vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, cũng phù hợp với khái niệm nhất quán của Việt Nam trong chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc.
Khi Việt Nam đàm phán riêng rẽ với Trung Quốc vào năm 2011, họ nêu rõ việc đàm phán vấn đề chủ quyền các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không nên giới hạn giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà phải do tất cả các bên tranh chấp cùng tham gia. Đồng thời, trong các hội nghị quốc tế, Việt Nam cũng công khai tuyên bố phải có sự tham gia của tất cả các bên có liên quan khi thảo luận hợp tác an ninh phi truyền thống ở Biển Đông. Có thể thấy, Việt Nam kiên trì quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, thái độ và lập trường của họ đã thể hiện rõ trước cộng đồng quốc tế, cố gắng để nhiều quốc gia tham gia đàm phán, trong đó có vấn đề chủ quyền của các đảo san hô, chứ không phải giải quyết bằng phương thức song phương mà Trung Quốc vẫn giữ vững. Chính sách ngoại giao vừa hợp tác vừa đối đầu với Trung Quốc do hạn chế về địa vị quốc gia của Việt Nam sẽ tác động đến chính sách Biển Đông của Việt Nam trong tương lai, thúc đẩy họ lợi dụng quốc tế hóa để bảo vệ lợi ích của mình.
Thực tế khác xa so với những gì chuyên gia Trung Quốc đánh giá
Tranh chấp trên Biển Đông không chỉ là vấn đề của khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Á – Thái Bình Dương, việc tranh chấp trên Biển Đông đã đưa vấn đề vượt ra ngoài phạm vi khu vực, thu hút sự quan tâm của các cộng đồng quốc tế có liên quan đến những tranh chấp này. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước lớn có lợi ích quốc gia ở Biển Đông (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga…) đang ngày càng tăng cường hiện diện trong khu vực để ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như trên thế giới. Nhìn một cách tổng quan, tranh chấp Biển Đông đã tác động đến phân cực châu Á và thúc đẩy một cấu trúc cân bằng quyền lực mới ở châu Á – Thái Bình Dương; gia tăng căng thẳng trong khu vực Tây Thái Bình Dương; cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra các biện pháp ngăn chặn, phản đối hành vi phi pháp ở Biển Đông.
Không những vậy, Biển Đông còn là một trung tâm tranh chấp của thế giới về mức độ phức tạp, số lượng các bên tranh chấp và sự quan tâm lợi ích của các cường quốc. Biển Đông là khu vực đặc thù, chứa đựng tất cả các yếu tố liên quan như quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo (Indonesia và Philippines), quốc gia không có biển hay bất lợi về mặt địa lý (Lào), các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, vùng đánh cá, phân định biển, vấn đề biển nửa kín, eo biển quốc tế, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật, các đàn cá di cư xa và đàn cá xuyên biên giới, khai thác chung, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chống cướp biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn…
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các tranh chấp trên biển ở Biển Đông không những chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước có liên quan, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, đến hòa bình, ổn định và sự hợp tác phát triển của khu vực và thế giới. Vì vậy, các nước đặc biệt quan tâm, thúc đẩy, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Các hoạt động không tính đến lợi ích của nước khác tất sẽ đưa đến sự chú ý của dư luận và các động thái nhằm tìm kiếm sự cân bằng có lợi cho hòa bình và phát triển trong khu vực. Ngoài ra, một khi trong khu vực xảy ra căng thẳng, xung đột khiến các tuyến đường hàng hải bị cắt đứt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước nhập khẩu dầu lớn, đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, đánh mạnh vào buôn bán thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ.
Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã trở thành mối quan tâm chung của cả cộng đồng quốc tế. Từ những nước xa xôi, hẻo lãnh, chậm phát triển ở châu Phi cho đến những cường quốc hàng đầu thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Nga…) đều đặc biệt quan tâm diễn biến tình hình khu vực Biển Đông, cụ thể:
Bộ Ngoại giao Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở khu vực làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp và leo thang tranh chấp, gây tổn hại đến tự do thông thương và ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đưa ra các tuyên bố lên án Trung Quốc, đồng thời triển khai nhiều hoạt đồng tuần tra, giám sát trong khu vực Biển Đông. Quốc hội Mỹ thông qua nhiều đạo luật chỉ trích, lên án, thậm chí đe dọa có các biện pháp trừng phát Trung Quốc vì những hành vi phi pháp, khiêu khích ở Biển Đông. Cùng với những hoạt động trên thực địa và tuyên bố ngoại giao, Mỹ cũng tăng cường quan hệ với các nước đồng minh thân thiết trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Philippines để tìm cách kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.
Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động như xây dựng và quân sự hóa các đảo trên biển ở quy mô lớn của Trung Quốc; ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài; phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên biển… nhằm thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương, từng bước ngăn chặn các hành động đơn phương không tuân theo luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Không những vậy, Nhật Bản cũng hỗ trợ trang thiết bị như tàu tuần tra, máy bay tuần tra và hỗ trợ đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho cán bộ chấp pháp biển cho một số nước ASEAN đã góp phần nâng cao năng lực chấp pháp biển của một số nước, hỗ trợ các nước đối phó với âm mưu, hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và qua đó gia tăng áp lực quân sự đối với Trung Quốc.
Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò lớn hơn khi công bố có lợi ích ở Biển Đông, phản đối các hành động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc phòng và an ninh biển với các nước trong khu vực.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2017, Tuyên bố chung khẳng định các thành viên G7 cam kết “duy trì trật tự dựa trên pháp luật trong lĩnh vực hàng hải dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế”, kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như phương tiện pháp lý, bao gồm toà trọng tài. Nhóm cũng nhất trí hối thúc tất cả các bên phi quân sự hoá trên “các thực thể tranh chấp”, phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018, Thông cáo chung một lần nữa bày tỏ sự phản đối đối với các hành động đơn phương có thể gây leo thang căng thẳng và gây tổn hại đến ổn định khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng hối thúc tất cả các bên thực hiện việc phi quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp ở khu vực.
Tại các diễn đàn đa phương trong khu vực cũng như trên thế giới, vấn đề Biển Đông luôn là một trong những chủ đề nóng, được chính giới, chuyên gia, học giả và truyền thông đặc biệt quan tâm như Shangri-La, ARF, EAS, G7…
Thời gian tới, để đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… – những nước có lợi ích và an ninh quốc gia ở Biển Đông sẽ gia tăng mức độ can dự ở Biển Đông bằng nhiều hình thức khác nhau; phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp và ngăn chặn Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông; chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực. Các nước sẽ thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông bằng cách kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đang quốc tế. Đồng thời, các nước tiếp tục lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.