Ngay sau khi Mỹ điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và tuyên bố bán vũ khí cho Đài Bắc, Trung Quốc (5 – 10/5) tiến hành tập trận bắn đạn thật ở cuối phía bắc eo biển Đài Loan để thể hiện quyết tâm ngăn chặn “các lực lượng ủng hộ độc lập” ở Đài Loan.
Trung Quốc tập trận răn đe Đài Loan và cảnh cáo Mỹ
Giới chức Trung Quốc thông báo, từ ngày 5 – 10/5, cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt cá ở khu vực cuối phía bắc eo biển Đài Loan; cho biết, đây là một phần trong “kế hoạch tập trận thường xuyên hàng năm” của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) và hoạt động tập trận này sẽ liên quan đến việc “sử dụng vũ khí thực tế”.
Giới học giả và chuyên gia phân tích quân sự quốc tế cho biết sự căng thẳng đối với các cuộc diễn tập bắn đạn thật cho thấy cuộc tập trận sáu ngày sẽ mô phỏng các điều kiện chiến đấu thực sự. Một nhà phân tích các vấn đề Đài Loan từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận ngoài khơi Chiết Giang thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh để bảo vệ vị thế của mình đối với Đài Loan; đồng thời nhận định Trung Quốc đang cố gắng xây dựng hình ảnh rằng Bắc Kinh có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Đài Loan và mục tiêu chính của Bắc Kinh là kiềm chế các lực lượng ủng hộ độc lập, đây là mối đe dọa lớn nhất đối với tiến trình thống nhất hòa bình”.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo thường niên cảnh báo rằng Trung Quốc đang chuẩn bị các phương án để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Đài Loan tiếp tục là một trong những “điểm nóng” trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải dùng vũ lực. Bắc Kinh đã tăng cường áp lực với hòn đảo kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức năm 2016 do bà không thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Trong khi đó, Mỹ công nhận chính sách “Một Trung Quốc” vào năm 1979 nhưng vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là đồng minh không chính thức mạnh nhất của Đài Loan.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục đưa ra cảnh báo “lợi ích căn bản” của Trung Quốc là đạt được “thống nhất toàn bộ” đất nước. Để ngăn chặn và kiểm soát Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị để ngăn cản Đài Loan. Trong thông điệp tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) một lần nữa lại đưa ra yêu cầu thống nhất với Đài Loan. Không những vậy, Trung Quốc liên tục tập trận, tuần tra sát eo biển Đài Loan nhằm cảnh cáo Đài Bắc sẽ phải trả giá đắt nếu tìm cách tuyên bố độc lập. Trong năm 2018, Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận bắn đạn thật và tuần tra trong khu vực eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Đại tá Shen Jinke cho biết, tăng cường các cuộc diễn tập xung quanh đảo Đài Loan là hành động thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Chuyên gia Tống Trung Bình, cựu quan chức thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc nhận định để cảnh báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung với sự tham gia của cả lục quân, hải quân và không quân. Hành động này nhằm tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thể hiện “khả năng tấn công chính xác” ngay trong các cuộc tập trận với mục tiêu “dằn mặt” ý định giành độc lập của Đài Loan. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng, thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua “lằn ranh đỏ” do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi.
Không chỉ hù dọa bằng quân sự, Trung Quốc còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Đại lục, với rất nhiều ưu đãi.
Khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan
Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã xấu hẳn đi từ sau khi bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) lên làm tổng thống Đài Loan vào đầu năm 2016. Bà Thái Anh Văn là lãnh đạo đảng Dân Tiến có chủ trương dân chủ và xúc tiến đặc tính quốc gia dân tộc Đài Loan riêng biệt với Trung Quốc. Trung Quốc cho không quân và hải quân tăng cường hoạt động gần Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử, nghi ngờ bà muốn chính thức tuyên bố độc lập với Trung Quốc. Vì vậy, giới chuyên gia, học giả và truyền thông nhận định Trung Quốc hoàn toàn có khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan. Chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh “nguy cơ Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan là có thật. Nhưng Đài Bắc rất thận trọng, ít khi tạo cớ cho Bắc Kinh có thể gây sự, nên hiện nay khả năng này ở mức thấp”.
Về địa điểm Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan: Thời báo Tự do (Liberty Times – Đài Loan) dẫn lời ông Ian Easton – chuyên gia quốc phòng về Trung Quốc của Viện Dự án 2049 tại Washington dự đoán, có 14 khu vực ở Đài Loan có thể trở thành mục tiêu tập kích của quân đội Trung Quốc, trong đó, bờ biển Lâm Khẩu – nằm phía Tây Bắc của Đài Loan, đối diện tỉnh Phúc Kiến, sẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu của quân đội Trung Quốc, Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng sẽ tấn công một số địa điểm khác như Kim Sơn, Vạn Lý, Đàm Thủy, Trung Lịch, Đài Bắc…
Tuy nhiên, cơ quan tình báo Đài Loan cho biết, họ đã phát hiện ra kế hoạch tác chiến – chiếm lĩnh cảng biển phía Bắc Đài Loan, mở đường cho đội quân phía sau lên đảo – của quân đội Trung Quốc từ 10 năm trước nên họ đã đưa Lữ đoàn 66 tới Lâm Khẩu, nhằm tăng cường khả năng phòng ngự cho khu vực cảng biển phía Bắc. Theo giới quân sự Đài Loan, quân đội Trung Quốc có khả năng sẽ đánh lạc hướng Đài Bắc bằng tuyên bố tổ chức tập trận quân sự quy mô lớn ở bờ biển Phúc Kiến, sau đó nhân cơ hội bất ngờ tấn công Đài Loan nên trong thời gian quân đội Trung Quốc vượt eo biển Đài Loan, giới quân sự đảo này sẽ có 3 giờ để ứng phó.
Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn nếu tấn công Đài Loan
Nhà nghiên cứu Denny Roy, Trung Tâm Đông-Tây (East-West Center), Honolulu, Hawaii nhận định, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan. Để tiếp cận các thành phố lớn của Đài Loan, lực lượng của quân đội Trung Quốc sẽ phải vượt biển, mà cụ thể là trên những chiến hạm lớn và di chuyển chậm. Eo biển Đài Loan với chiều rộng 160km có thể được coi là “tử huyệt” – nơi các binh lính Trung Quốc rất dễ bị tấn công bất ngờ. Hơn nữa, ngay cả khi các quân đoàn của Trung Quốc tiếp cận được đảo Đài Loan, thì con đường từ bờ biển tiến vào các thành phố cũng đầy thử thách, khi họ phải mang vác những vũ khí nặng và di chuyển trong tầm đạn của quân đội Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc chỉ có thể di chuyển được vài vạn quân lính mỗi lượt. Lực lượng này quá mỏng so với 180.000 quân nhân tại ngũ và 1,5 triệu quân nhân dự bị của Đài Loan.
Mỹ với vai trò là đồng minh thân thiết của Đài Loan sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Đài Bắc. Đối với Mỹ, xung đột Đài Loan – Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề địa chính trị, nó còn là con bài mặc cả giúp Washington kìm chân Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á. Trước đây, trong thời gian ông Trần Thủy Biển lãnh đạo Đài Loan (2000-2008), Washington từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột địa chính trị này nếu có các dấu hiệu cho thấy Đài Bắc gây sự trước với Bắc Kinh. Vì vậy, Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng quân đội tấn công Đài Loan. Nếu Mỹ can thiệp, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại để đạt được mục đích, vì: (1) Mỹ và Đài Loan có thể nắm bắt được thông tin chuẩn bị của Trung Quốc trước 60 ngày. Đây là thời gian đủ để Đài Loan di dời các cơ sở chỉ huy vào khu vực hầm núi gồ ghề nhưng kiên cố cũng như rải mìn trên biển, phân tản và ngụy trang các đơn vị quân sự; (2) Phía Tây Đài Loan có 13 bãi biển – nơi Quân giải phóng Trung Quốc có thể đổ bộ nên cần tiến hành kế hoạch chuẩn bị tác chiến ở 13 bãi biển này. (3) Đài Loan có nhiều nhà máy hóa chất ven biển – nơi đây vô hình trung sẽ trở thành cái bẫy khí độc khi quân đội Trung Quốc tấn công. (4) Nếu không quân Trung Quốc tấn công vào hệ thống phòng không và giàn pháo di động thì hiệu quả sẽ không cao.(5) Sau khi lên bờ, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với với 2,5 triệu người nằm trong lực lượng dự bị phân bố rải rác trong thành phố và các khu rừng rậm của Đài Loan.
Đáng chú ý, có nhiều chuyên gia nhận định, ngay cả khi Trung Quốc dành thắng lợi trong chiến dịch quân sự này, thì chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó bao gồm việc quản lý đảo Đài Loan, khi có rất nhiều người dân trên đảo này phản đối việc Trung Quốc thống nhất bằng vũ lực.
Trong khi đó, nguyên Phó tư lệnh quân khu Nam Kinh Trung Quốc Vương Hồng Quang phản bác lập luận của giới chuyên gia, học giả quốc tế khi cho rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng “tiêu diệt” Đài Loan. Ông Vương Hồng Quang nhận định: (1) Nếu cuộc chiến này thực sự xảy ra thì cả hai bên đều phải chuẩn bị cho cuộc chiến. Trung Quốc gần hai thập kỷ nay đều tiến hành công tác chuẩn bị chiến tranh như dựng chiến trường trong thời bình, trong đó lực lượng chính tấn công Đài Loan đã luôn “sẵn sàng chiến đấu”, trạng thái trực chiến rất cao, ngay cả Chủ nhật hay các ngày nghỉ đều không giống như các lực lượng khác. Nếu tấn công, Bắc Kinh chỉ cần 10 ngày đến nửa tháng để chuẩn bị và dựa vào quân lực và khí tài như hiện nay, quân đội Trung Quốc có thể chiến thắng các trận đánh. (2) Quân đội Đài Loan muốn né tránh hỏa lực của Bắc Kinh bằng cách sơ tán thì đây là cách có thể giảm tổn thất nhưng cũng có hạn chế. Ông Vường Hồng Quang cho rằng, dù Đài Loan có di tản tàu thuyền, căn cứ quân sự nhưng trung tâm chỉ huy Viên Sơn, Hoành Sơn ở Đài Bắc khó để né tránh khi nó đã nằm trong trọng tâm phạm vi tấn công của quân đội Trung Quốc. Do hỏa lực tập kích, tác chiến đánh chiếm đảo, đánh thọc sâu là một quá trình liên tục nên đợi đến khi quân đội Đài Loan khôi phục được sức mạnh chiến đấu thì đã quá muộn. (3) Quân đội Trung Quốc không chỉ đổ bộ lên Đài Loan từ 13 bãi biển phía Tây mà họ có thể tấn công từ các hướng còn lại. Quân đội Đài Loan chỉ có khoảng 120.000 binh sĩ, phải phân chia thành nhiều lực lượng như chống đánh chiếm đảo, trấn thủ căn cứ quan trọng… Trong khi lực lực chống đánh chiếm đảo chỉ có khoảng 40-50.000 người/km, không bằng 1 tiểu đoàn nên Đài Loan dễ thất thế khi quân đội Trung Quốc cử 1 lữ đoàn tấn công. (4) Trước kiến nghị phá hoại các nhà máy hóa chất khiến binh sĩ quân đội Trung Quốc dính bẫy khí độc, ông Vương cho rằng, đây là hành động chống lại nhân loại nên nếu Đài Bắc thực sự tiến hành thì chính người dân trên đảo sẽ phản ứng lại chứ không cần quân đội Trung Quốc đổ bộ lên đảo.
Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.
Bất chấp sự đe dọa từ Bắc Kinh, chính giới Mỹ đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện Washington sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng và bảo vệ Đài Loan.
Phát biểu sau cuộc gặp với cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc mang tính đe dọa và chuyến viếng thăm của Đô đốc Scott Swift “không chỉ cải thiện giao lưu quân sự mà còn thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”, đồng thời kêu gọi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Chính phủ của bà muốn có thêm nhiều hoạt động trao đổi quân sự hơn giữa hai bên.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2018) cho biết Quốc hội Mỹ đã thông qua hợp đồng bán vũ khí, trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp nhiều khí tài lớn cho Đài Loan bao gồm tiêm kích F-16 và vận tải cơ C-130. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng với mức ngân sách quốc phòng 716 tỷ đôla, gồm các điều khoản kêu gọi cải thiện năng lực phòng thủ cho Đài Loan nhằm đương đầu với việc phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường trao đổi quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan như mở rộng hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Ông Donald Trump cũng ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho Tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Theo đó, Đạo luật cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan của họ và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để “gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng”.
Kể từ khi Mỹ không công nhận Đài Loan và thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Chính phủ Đài Loan. Quan hệ Trung-Mỹ được củng cố bởi ba thông cáo báo chí chung (được nhất trí vào các năm 1972, 1979 và 1982), theo đó Mỹ đã “thừa nhận” nhưng không công khai chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ không chính thức với “người dân Đài Loan”, trong đó có những người trong Chính phủ Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một thực thể giống như sứ quán được thành lập thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình. Nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Mỹ sẽ bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan và duy trì khả năng quân sự để chống lại sự ép buộc của Trung Quốc.