Trong căn cứ này có cả một tòa nhà mô phỏng trụ sở chính quyền Đài Loan để phục vụ việc tập luyện đánh chiếm.
Binh lính Trung Quốc chuẩn bị xe tăng tại căn cứ Chu Nhật Hòa
Một bài đăng trên SCMP và được đăng lại trên trang web của quân đội Trung Quốc cho biết, trong gần 60 năm, Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở căn cứ huấn luyện lớn nhất, trung tâm huấn luyên chiến thuật phối hợp Chu Nhật Hòa.
Đây là một cơ sở huấn luyện cực lớn nằm sâu trong khu tự trị Nội Mông. Là căn cứ huấn luyện lớn nhất và hiện đại nhất, Chu Nhật Hòa tạo ra điều kiện thực tế cho các hoạt động huấn luyện tác chiến cho lính Trung Quốc.
Căn cứ này có diện tích 1.066km2, tức là ngang với tỉnh Nam Định hay Hậu Giang hoặc Hong Kong. Nó có hệ thống bệnh viện riêng, đi kèm là các cơ sở hậu cần quân đội.
Tại căn cứ Chu Nhật Hòa, binh lính được tập trận trên các loại địa hình đồng cỏ, đồi và sa mạc.
Các video truyền hình trung ương Trung Quốc cho thấy binh lính tập trận gần một tòa nhà giống hệt dinh thự trụ sở của người đứng đầu chính quyền ở Đài Loan, cho thấy Đài Bắc là một mục tiêu cho các cuộc huấn luyện tác chiến đô thị của quân đội Trung Quốc.
Năm 2014, căn cứ Chu Nhật Hòa là nơi diễn ra cuộc tập trận phối hợp chống khủng bố kéo dài 6 ngày, với các lực lượng đến từ Nga, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan và chủ nhà Trung Quốc.
Trong quân đội phương Tây, khi tập trận, quân ta là “quân xanh” và quân đỏ là kẻ địch. Nhưng tại Chu Nhật Hòa, quân đội Trung Quốc đóng vai trò quân đỏ.
Đơn vị “quân xanh” tức đóng vai kẻ địch, lữ đoàn bộ binh cơ giới số 195, chính thức được thành lập tại Chu Nhật Hòa vào năm 2014.
Đơn vị này có hệ thống chỉ huy và chiến thuật tương tự các lực lượng của NATO. Đại tá Hạ Minh Long, chỉ huy đầu tiên của đơn vị này, nói công việc của họ là nghiên cứu kẻ địch và hành động như kẻ địch”.
Khi tập đánh trận, binh lính được gắn các thiết bị nhận tín hiệu laser khắp cơ thể và sẽ báo tín hiệu khi anh ta “bị đối phương bắn trúng”.
Ngoài các địa hình khác nhau tạo điện cho binh lính luyện tập, căn cứ Chu Nhật Hòa còn tạo ra các cuộc tấn công hạt nhân, hóa học và sinh học (tất nhiên là giả), tác chiến đô thị.
Chiến thuật mà quân đỏ và quân xanh sử dụng cũng có thể được biến hóa, sáng tạo. Trong một cuộc đánh trận giả năm 2014, một số lính quân xanh đóng giả làm quan chức chính quyền địa phương tới tặng quân đỏ cải bắp và khoai tây.
Sau khi được mời vào tòa nhà chỉ huy của quân đỏ, binh lính quân xanh đã “bắt cóc” vị chỉ huy của quân đỏ.
Trong các cuộc chiến trận giả, đôi bên có thể sử dụng các loại vũ khí như xe tăng, xe bọc thép và pháo. Họ cũng có thiết bị cho tác chiến điện tử và do thám đường không.
Để bắt chước quân Mỹ cho thật giống, quân xanh được trang bị các vũ khí nâng cấp và pháo, trong đó có các xe tăng tiên tiến ZTZ-96A, pháo tự hành Type-07 và hệ thống cảnh báo sớm.
Vậy quân đỏ hay quân xanh thường thắng? Trong cuộc diễn tập năm 2014, các đơn vị quân đỏ chỉ thắng 1 trong 7 trận chiến và năm 2015 thì thua toàn tập trước quân xanh.
Báo chí Trung Quốc nói lực lượng quân đỏ phải đối mặt với khó khăn lớn hơn bởi họ phải “xâm chiếm” vùng đất trước đó quân xanh chiếm đóng, trong khi đối phương có vũ khí hiện đại hơn. Trong ba năm qua, có ít nhất 2 người lính thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ ở Chu Nhật Hòa.