“Tầm nhìn 2025” được ASEAN đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 ở Kuala Lumpur tháng 11/2015, với mục tiêuxây dựng một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, cùng chia sẻ tiến bộ xã hội và thịnh vượng trong một cộng đồng chung. Từ đó đến nay, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm hiện thực hóa “Cộng đồng ASEAN” vào năm 2025. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn và một trong số đó chính là vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay.
Mục tiêu đặt ra trong “Tầm nhìn 2025” của ASEAN bao hàm vấn đề giải quyết các tranh chấp Biển Đông
ASEAN hướng tới xây dựng một “Cộng đồng Chính trị – An ninh” vào năm 2025 “đoàn kết, dung nạp và tự cường. Theo đó, người dân sẽ được sống trong một môi trường an toàn, an ninh và hài hòa, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN. ASEAN sẽ luôn gắn kết, có khả năng thích hợp và ứng phó trong xử lý các thách thức đối với hòa bình và an ninh ở khu vực, và đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài và cùng đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu”, theo Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Về an ninh – chính trị, ASEAN hướng tới 4 mục tiêu, gồm: (1) Hoạt động theo luật lệ, hướng tới và lấy người dân làm trung tâm. (2) Duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, trong đó có Biển Đông. (3) Tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. (4) Nâng cao năng lực thể chế và sự hiện diện của ASEAN. Về kinh tế, ASEAN 2025 có 5 mục tiêu lớn, gồm: (1) Nền kinh tế thống nhất và liên kết cao. (2) Năng động, đổi mới và cạnh tranh. (3) Kết nối kinh tế và liên kết theo ngành. (4) Tự cường, dung nạp và chú trọng tới người dân. (5) Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, chủ yếu thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs/CEPs) với các đối tác.
Trong các nội dung được các nước ASEAN cam kết nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2025 có 4 nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, gồm: (1) Xây dựng cộng đồng dựa trên luật lệ, tuân thủ triệt để các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử quan hệ hòa bình giữa các quốc gia. (2) Xây dựng một khu vực giải quyết các tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực và áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, trong khi tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy các hoạt động ngoại giao phòng ngừa và các sáng kiến giải quyết xung đột. (3) Xây dựng một cộng đồng tăng cường an ninh hàng hải và hợp tác hàng hải vì hòa bình và ổn định ở trong và ngoài khu vực, thông qua các cơ chế của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt và áp dụng các nguyên tắc và công ước về hàng hải được quốc tế công nhận. (4) Một cộng đồng tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN và duy trì vai trò động lực chủ đạo trong định hình cấu trúc khu vực được xây dựng trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Những thách trong vấn đề Biển Đông đối với quá trình hiện thực hóa “Tầm nhìn 2025”
Thứ nhất, đó là vấn đề tưduy chủ quyền quốc gia vẫn chi phối hợp tác nội khối, cản trở tiến trình hội nhập của ASEAN trong xây dựng thể chế an ninh chung. Các lãnh đạo ASEAN sẽ khó lòng chấp nhận nhượng bộ một phần chủ quyền và thẩm quyền quốc gia cho một cơ chế siêu quốc gia. Đối với các nước này, hội nhập khu vực sâu hơn được hiểu là hội nhập để bảo vệ và thúc đẩy chủ quyền và an ninh thể chế thông qua hợp tác liên chính phủ. Các nước thành viên ASEAN hi vọng giành được nhiều lợi ích quốc gia nhờ tăng cường hợp tác kinh tế nhưng có thể hi sinh nguồn lợi này nếu chúng đe dọa tới chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh đó, mẫu số lợi ích chung lớn nhất mà các thành viên ASEAN có thể tìm được hiện nay là duy trì hoà bình, ổn định, đồng thời hạn chế sự can thiệp của các nước lớn vào tình hình nội trị của các nước thông qua việc xây dựng và củng cố lòng tin. Hiện nay các sáng kiến của ASEAN chỉ dừng ở mức độ đối thoại và tham vấn, không có kênh ra quyết sách chung. Bước phát triển tiếp theo là ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của tất cả các nước thành viên được cho là khó có khả năng xảy ra bởi nhiều vấn đề phức tạp về chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, nhân quyền sẽ tiếp tục là các vấn đề nhạy cảm, cản trở các nước ASEAN đạt được tiến triển thực chất. Với tình hình hiện nay, quá trình xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử thực chất ở Biển Đông sẽ rất khó khăn và phức tạp do Trung Quốc chủ yếu dùng tiến trình này để “câu giờ” đồng thời hạn chế sự can dự của các cường quốc bên ngoài đối với những vấn đề liên quan. Một số nước ASEAN phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc sẽ ngăn cản đồng thuận của ASEAN trong một số vấn đề thực chất liên quan đến phạm vi áp dụng, hiệu lực của văn kiện, danh mục các hoạt động bị cấm, các chương trình hợp tác…
Thứ hai, xuất hiện nhiều nhân tố bên ngoài làm giảm đoàn kết nội bộ trong ASEAN. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc trở thành nhân tố cơ bản chia rẽ ASEAN, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Trong tiến trình hội nhập, tính trung tâm của ASEAN đang bị suy yếu bởi một số nhân tố cấu trúc mà trong trường hợp này là sự thay đổi phân bổ quyền lực và sức mạnh trong khu vực. Tương quan lực lượng thay đổi chủ yếu từ sự trỗi dậy và can dự của Trung Quốc đã làm thay đổi bối cảnh khu vực và quốc tế, đặc biệt trong một số trường hợp sự can dự của Trung Quốc được cho là đe doạ tới sự ổn định kinh tế, chính trị của khu vực. Trung Quốc được coi là nhân tố khiến ASEAN phân cực hóa và gia tăng chia rẽ trong hợp tác kinh tế và vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, do: (1)Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, chiếm khoảng 19,4% nhập khẩu và 11,4% xuất khẩu của khối. Do Trung Quốc gần như là đối tác thương mại hàng đầu, nhiều nước thành viên không sẵn sàng đi ngược lại đòi hỏi Trung Quốc, một số nước công khai ưu tiên quan hệ với Trung Quốc hơn là củng cố tính trung tâm của ASEAN. (2) Hiệu ứng li tâm do nhân tố Trung Quốc có thể thấy rõ nhất trong tranh chấp Biển Đông, tác động lôi kéo của Trung Quốc khiến ASEAN không thể hình thành một lập trường chung trong vấn đề này. Tháng 7/2012 ở Phnôm Pênh, lần đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung tại cuộc họp thường niên do Trung Quốc lôi kéo, mua chuộc nước chủ nhà Campuchia. Nếu nước chủ tịch đưa ra quan điểm gần với Bắc Kinh, các ASEAN rất khó khăn để tìm được lập trường dung hoà. Tháng 7/2016, Campuchia đứng về phe Trung Quốc, phản đối ASEAN đề cập đến phán quyết. Tháng 10/2016, trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, Trung Quốc cam kết viện trợ kinh tế trị giá hơn 600 triệu USD và ký 31 thoả thuận hợp tác với Campuchia. Trước chiến lược “chia để trị” các nước khu vực của Trung Quốc, một số nhà ngoại giao của Singapore cáo buộc Trung Quốc can dự vào vấn đề nội bộ của ASEAN và cố gắng gây chia rẽ khu vực.