Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVề khả năng TQ và ASEAN hợp tác bảo vệ môi trường...

Về khả năng TQ và ASEAN hợp tác bảo vệ môi trường biển

Trong bối cảnh môi trường biển trên Biển Đông đang ngày càng bị hủy hoại nhanh chóng, yếu tố ngày càng trở nên cấp thiết hơn đối với các quốc gia có liên quan chính là việc phân định rạch ròi giữa địa chính trị, các đòi hỏi chủ quyền với nhu cầu hợp tác hàng hải dân sự quan trọng về những vấn đề an ninh phi truyền thống, trước hết là bảo vệ môi trường biển. Sự cấp thiết của việc tăng cường bảo tồn biển trên Biển Đông như vậy là không thể bị cường điệu, thổi phồng được.

Trong những năm gần đây, bất chấp những nỗ lực chung của ASEAN và Trung Quốc để làm giảm các căng thẳng, môi trường biển trong các vùng nước tranh chấp tiếp tục là một vấn đề khó giải quyết, hoàn toàn không có một hiệp định khung bao quát về vấn đề này. Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc đã ghi nhận sự tàn phá không thể hồi phục hệ sinh thái các rạn san hô do khai thác trái phép san hô, đánh bắt cá quá mức, hoạt động cải tạo đất và đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông. Tuy vậy, bảo vệ môi trường biển vẫn tiếp tục là một khía cạnh bị bỏ qua nhiều nhất trong các xung đột trên biển của khu vực. Bảo vệ môi trường biển có thể trở thành khởi đầu của các cuộc đối thoại có tính xây dựng về hợp tác giữa các nước có tuyên bố chủ quyền với ASEAN là người dẫn dắt chính.

Môi trường sinh thái Biển Đông quan trọng đối với ASEAN và Trung Quốc

Biển Đông là một trong những khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng nhất thế giới, chiếm tới 76% các chủng loại san hô thế giới và 37% các loại cá sinh sống trong các rạn san hô. Theo Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), mỗi thập kỷ sẽ có 30% cỏ mọc dưới đấy biển, 16% cây đước và 16% các rạn san hô sống mất đi do việc khai thác tận diệt thiếu bền vững của hơn 270 triệu người sinh sống dọc theo các bờ biển.

Các nhà khoa học biển ước tính rằng các hoạt động của con người đã phá hủy 16.200 ha các rạn san hô, chiếm gần 10% tổng số các rạn san hô trên Biển Đông. Nhà khoa học biển của Philippines, giáo sư Edgado Gomez ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm. Tác động tiêu cực xuyên biên giới của việc làm suy giảm hệ thống sinh thái biển trên Biển Đông như vậy rõ ràng không nên được coi nhẹ.

Chắc chắn, khi mà một quốc gia của khu vực tiến hành triển khai các bảo vệ môi trường biển trên Biển Đông có thể gặp nhiều khó khăn do các cuộc xung đột, thì một chiến lược hợp tác khu vực nhằm định hình hướng đi cho các hoạt động là rất cần thiết. Đầu tiên, nên dựa trên nhận thức đạt được trong Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002: “Trong khi chờ đợi một giải pháp bền vững và toàn diện đối với các xung đột, các bên liên quan có thể khai thác hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác. Những hoạt động này có thể bao gồm: Bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển…”. Tiếp đó, Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN 2025 khuyến khích các nước thành viên tiến hành “thúc đẩy hợp tác đối với việc bảo vệ, khôi phục và khai thác bền vững môi trường biển và bờ biển, ứng phó và giải quyết nguy cơ ô nhiễm và các mối đe dọa tới hệ thống sinh thái biển và môi trường ven biển…”.

ASEAN và Trung Quốc nên hợp tác bảo vệ môi trường biển

ASEAN cùng với Trung Quốc có thể xem xét, cân nhắc thành lập các khu vực bảo vệ bờ biển và mạng lưới các khu vực bảo vệ bờ biển thông qua việc lên sơ đồ chung của tất cả các nguồn lợi tự nhiên, các loài sinh vật và hoạt động của con người trên Biển Đông. Một khu vực bảo vệ bờ biển có liên quan đến việc quản lý bảo vệ các rạn san hô, các rừng đước và các loại cỏ mọc dưới biển, bao gồm các động vật hoang dã biển. khu vực bảo vệ bờ biển không phải là một khái niệm mới trong ASEAN. Nói riêng, từ những năm 1990, các nước Đông Nam Á đã chỉ rõ các khu vực khu vực bảo vệ bờ biển dọc theo các đường bờ biển của họ, nhưng không một nước nào mở rộng các khu vực bảo vệ bờ biển này đến các vùng biển trên Biển Đông.

ASEAN đã ký Tuyên bố ASEAN về các Công viên Kỳ quan và Bảo tồn vào năm 1984, và nhất trí thiết kế 11 khu vực bảo vệ được ghi nhận là các Công viên Kỳ quan ASEAN vốn bao gồm các rạn san hô và các khu vực bảo vệ bờ biển. Các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc có thể củng cố việc bảo vệ hệ thống sinh thái biển hiện tại thông qua các khu vực bảo vệ bờ biển, nhưng cần phải mở rộng ra ngoài các khu vực ven biển và nội thủy tiến tới các vùng biển trong Biển Đông. Nhưng các nước tham gia nên có nhận thức chung rằng việc thành lập các khu vực bảo vệ bờ biển trên Biển Đông là không liên quan đến việc có định kiến về đòi hỏi chủ quyền của một nước nào đó.

Có khá nhiều các vùng nước của ASEAN được sử dụng với mục đích chuyên biệt mà có thể được dùng làm cơ sở, nền tảng cho việc đề xuất các hiệp định khung hợp tác khu vực bảo vệ bờ biển. Với hy vọng có thể nâng cao sự bảo vệ bờ biển trong khu vực, Nhóm làm việc của ASEAN về môi trường biển và bờ biển đã đề xuất việc kết hợp tất cả các nỗ lực bảo vệ môi trường khu vực trên cả hệ sinh thái đất liền và trên biển, với giả thuyết là hai hệ sinh thái này có sự kết nối với nhau. Nhóm làm việc có thể là diễn đàn phù hợp để lôi kéo hơn nữa sự tham gia của Trung Quốc và các Đối tác đối thoại khác để góp phần chia sẻ nguồn lực và kiến thức chuyên gia trong quản lý hệ sinh thái biển trên Biển Đông.

Cũng nên có sự hợp tác ở mức độ cao hơn nữa giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan thực thi hàng hải trong khu vực, với việc tập trung hơn nữa vào vấn đề ngăn ngừa các hoạt động của con người phá hủy môi trường biển khu vực Biển Đông.

Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Diễn đàn bảo vệ bờ biển ASEAN (ACGF) hiện nay hoạt động như là nền tảng cho các cuộc đối thoại giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển ASEAN và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải, tuy vậy, một hiệp định khung đối với hợp tác khu vực bảo vệ bờ biển giữa họ vẫn chưa có. Nếu các cơ quan hàng hải của Trung Quốc được mời tham gia vào ACGF, thì đây có thể trở thành một diễn đàn mà Trung Quốc có thể tham gia một cách xây dựng với ASEAN nhằm thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn nữa về các bảo vệ môi trường biển và quản lý đánh bắt cá bền vững.

ASEAN và Trung Quốc cũng có thể xem xét thành lập một mạng lưới khu vực các nhà khoa học biển và chia sẻ các dữ liệu khoa học. Đã có những cố gắng để làm việc này thông qua dự án Bảo vệ Môi trường Biển Đông của Liên hợp quốc: “Đảo ngược việc hủy hoại môi trường trong Biển Đông và Vịnh Thái Lan” được triển khai từ năm 2002 và kết thúc năm 2008. Dự án này đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là việc tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các nhà khoa học của các nước tham gia, nhưng những căng thẳng địa chính trị gia tăng đã ngăn cản động lực hợp tác khoa học được chuyển hóa thành các chính sách khu vực rõ ràng về bảo vệ môi trường biển trên Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc có nên thành lập khu vực bảo tồn sinh vật biển

Khu bảo tồn biển, nói chung, có hai nhiệm vụ chính: (1) Bảo vệ hệ sinh thái biển bằng cách gìn giữ môi trường sống then chốt và chất lượng nguồn nước, bảo vệ cho quá trình hỗ trợ đời sống của biển và bảo vệ các khu vực biển khỏi tác động của con người. (2) Duy trì nghề cá và tái sinh các nguồn dự trữ đã bị tổn hại. Việc đánh bắt cá tại các khu vực bên ngoài các khu bảo tồn biển cũng có thể hưởng lợi do các loài từ khu bảo tồn biển di chuyển ra ngoài; tuy nhiên, giả thuyết này chưa được nghiên cứu kỹ. Bên cạnh đó, khu bảo tồn biển có thể có nhiều vai trò quan trọng khác, như đóng góp, tăng cường du lịch và vui chơi giải trí, là các khu vực tham quan cho giáo dục và nghiên cứu khoa học, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần và thẩm mỹ quan trọng. Công viên hòa bình biển có thể được phát triển như một cơ chế để giải quyết tranh chấp biên giới, bảo đảm hoặc duy trì hòa bình trong và sau xung đột vũ trang, thúc đẩy mối quan hệ ổn định và hợp tác giữa các nước láng giềng.

Mạng lưới các khu bảo tồn có thể mang lại nhiều lợi ích, đảm bảo cho việc bảo vệ tất cả các loại đa dạng sinh học, duy trì cơ cấu tự nhiên của các loài, bảo vệ loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng trong một môi trường sống bị phân tán, và bảo vệ các quá trình sinh thái cần thiết cho hệ sinh thái hoạt động và các quá trình ở phạm vi rộng. Từ góc độ quản lý, mạng lưới giúp kết nối xã hội và kinh tế giữa các khu vực bảo tồn, kết nối các cơ quan ban ngành và các bên có lợi ích liên quan khác nhau, tạo điều kiện chia sẻ thông tin thuận lợi và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Mạng lưới cũng cho phép một sự linh hoạt hơn trong định vị và định dạng các khu bảo tồn để tối đa hóa tác động tích cực và tránh các tác động kinh tế xã hội tiêu cực. Ở cấp độ khu vực, mạng lưới giúp cho việc bảo vệ hệ sinh thái với các loài đôi khi không thể được bảo vệ một cách đầy đủ ở một nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia láng giềng trong việc giải quyết các vấn đề chung.

Việc thực hiện mạng lưới bảo tồn biển quan trọng hơn vì những đặc điểm riêng của hệ sinh thái biển. So với môi trường trên mặt đất, trong môi trường biển sinh vật dễ phân tán và di cư hơn ở các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của chúng. Các thay đổi trong hệ sinh thái biển xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn hơn do lệ thuộc vào môi trường xung quanh và phản ứng với các lực tác động như thủy triều hoặc luồng hải lưu. Hệ sinh thái biển và các loài được kết nối chặt chẽ hơn bằng nhiều cách, như sóng, gió, dòng nước ngọt, hoặc các dòng thủy triều. Ranh giới trong môi trường biển là rất mơ hồ, kể cả về giới hạn bên ngoài của hệ sinh thái cũng như giới hạn có thể xác định được của các cộng đồng sinh thái và cơ cấu các loài. Hơn nữa, các loài sinh vật biển lưu động như cá, động vật biển có vú và rùa có thể di chuyển trong môi trường ba chiều và ở các khoảng cách lớn hơn nhiều so với các loài vật phổ biến trên mặt đất.

Trên quan điểm pháp lý, việc thành lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển song phương, đa phương hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước hợp tác để bảo vệ môi trường biển và các nguồn sinh vật sống xuyên biên giới, cụ thể: (1) UNCLOS yêu cầu các nước có chung biên giới biển, hoặc những nước chia sẻ các nguồn dự trữ hải sản hoặc quần thể các loài, hợp tác với nhau để bảo vệ môi trường biển và các quần thể. Điều 123 yêu cầu các có đường biên giới trong khu vực biển kín hoặc nửa kín phải nỗ lực phối hợp, dù trực tiếp hay thông qua các tổ chức khu vực thích hợp trong việc quản lý, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Điều 63 yêu cầu các quốc gia ven biển có liên quan hợp tác với nhau trong việc bảo tồn và phát triển các đàn thủy hải sản xuất hiện trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của họ, cũng như khu vực bên ngoài và tiếp giáp với vùng đặc quyền kinh tế. Điều 66 liên quan đến việc khai thác, bảo tồn và quản lý các đàn cá biển ngược sông để sinh sản yêu cầu các nước có nguồn dự trữ hải sản và các nước khác khai thác đánh bắt chúng “cùng thu xếp” thực hiện. (2) Công ước về loài di cư và động vật hoang dã ký vào năm 1979, cũng yêu cầu các quốc gia có liên quan bảo vệ các loài di cư, môi trường sống và tuyến đường di cư của chúng. (3) Bộ luật ứng xử đánh bắt cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu các quốc gia có liên quan hợp tác để bảo đảm trữ lượng nguồn cá xuyên quốc gia, xuyên biên giới, nguồn cá có độ di cư cao và nguồn cá tại vùng biển cả.

Việc thành lập mạng lưới các khu bảo tồn biển, đặc biệt là ở cấp khu vực, đã được đề cập trong một số văn kiện quốc tế và khu vực có liên quan đến việc bảo vệ môi trường biển, cụ thể: (1) Công ước về Đa dạng sinh học được ký tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển tại Rio De Jainero vào năm 1992 với mục đích đảm bảo đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các yếu tố của đa dạng sinh học cũng như chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên mang tính di truyền. Điều 8 của Công ước yêu cầu các nước thực hiện một loạt nhiệm vụ để bảo đảm bảo tồn đúng nơi đúng chỗ. Các nhiệm vụ trong đó bao gồm thiết lập một hệ thống các khu bảo tồn, triển khai hướng dẫn lựa chọn, thành lập và quản lý các khu bảo tồn, điều chỉnh hoặc quản lý những tài nguyên sinh học quan trọng cần cho bảo tồn đa dạng sinh học bất kể trong hay ngoài khu vực bảo tồn, thúc đẩy sinh thái phát triển bền vững trong khu vực tiếp giáp với khu bảo tồn. (2) Nghị quyết về Đại dương và Luật Biển năm 2010, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định các nước cần tiếp tục và tăng cường các nỗ lực để phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các phương pháp và công cụ đa dạng để bảo tồn và quản lý các hệ sinh thái biển dễ bị tổn thương, bao gồm cả việc có thể thành lập khu bảo tồn biển và phát triển mạng lưới các khu bảo tồn biển tiêu biểu vào năm 2012.

Vì vậy, với quy mô và mức độ tàn phá môi trường sinh thái ở Biển Đông như Trung Quốc đã, đang làm khiến hệ sinh thái trong khu vực ít có khả năng hồi phục một cách nhanh chóng. Do đó, để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc nên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần chấm dứt ngay các hành động trái phép trên Biển Đông, kiểm soát và ngăn chặn ngư dân Trung Quốc khai thác, đánh bắt cá trái phép trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới