Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang đóng tàu tuần tra trái phép quần đảo Hoàng Sa...

TQ đang đóng tàu tuần tra trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Công mới đây đưa tin cho biết, Trung Quốc thông báo đã chi 23,5 triệu USD đóng một tàu tuần tra mới cho lực lượng Hải Cảnh, nhằm tăng cường tuần tra trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Âm mưu mới của Trung Quốc

Theo thông tin trên, “Cục Thực thi Luật hàng hải Tam Sa” đặt tại đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền quả Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp, đã “ủy quyền” cho Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương ở Vũ Hán chịu trách nhiệm đóng mới tàu Hải Cảnh trên. Con tàu được đóng mới dài 102 m, có thể chở theo 50 thủy thủ. Tốc độ hải trình của tàu tuần duyên này vào khoảng 33,4 km, tối đa là 42,6 km/h, phạm vi hoạt động của con tàu khoảng 11.000 km. 

Cái gọi là “thành phố Tam Sa” được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines. Chính quyền của cái được gọi là “Tam Sa” hồi năm 2016 lớn tiếng công bố kế hoạch 5 năm nhằm mục tiêu mở rộng đội tàu thực thi pháp luật trên biển từ 1 đến 20 chiếc. Con tàu được đóng mới là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng sự hiện diện phi quân sự trong cái mà các chuyên gia nhận định là chiến lược để củng cố sự bành trường phi pháp ở các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. 

Giới phân tích nhận định tàu hải cảnh mới là một phần trong nỗ lực mở rộng hiện diện phi quân sự hòng tăng cường kiểm soát các vùng tranh chấp trên Biển Đông của chính quyền Bắc Kinh. Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động của Hải quân Mỹ, cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã làm cho các hoạt động thực thi tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông trở nên phức tạp. Đô đốc Richardson tuyên bố các tàu hải quân, tàu bảo vệ bờ biển, thậm chí cả tàu đánh cá sẽ bị Hải quân Mỹ đối xử giống nhau trong bất kỳ cuộc chạm trán nào. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh trong khu vực đã làm suy yếu sự ổn định của Biển Đông.

Nếu Trung Quốc triển khai tàu Hải Cảnh ở quần đảo Hoàng Sa không chỉ xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà còn vi phạm luật pháp quốc tế.

Nếu Trung Quốc triển khai tàu Hải Cảnh mới ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sẽ đi ngược lại các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực.

Đồng thời, hành động trên của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 37 khoản 1, Luật Biển Việt Nam 2012, quy định “các hành vi đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam là những hành vi bị nghiêm cấm”. Không những vậy, nó còn vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Là một thành viên tham gia ký kết Hiến chương Liên hợp quốc và là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp (vào năm 1988 và năm 1995, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tiến hành xây dựng, cải tạo và triển khai tên vũ khí tại một số thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể:

Vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác.

Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc.

Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của Liên hợp quốc”.

Vi phạm Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.

Ngoài ra, nếu triển khai tàu Hải Cảnh ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng là vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.

Kế hoạch của Trung Quốc cũng sẽ vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương mà Trung Quốc đã ký kết. Việc Trung Quốc tàu Hải Cảnh ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sẽ vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể:

Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 4 (Việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa hoàn toàn đồng nghĩa với việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để răn đe, cảnh cáo các nước liên quan khi tìm cách giải quyết tranh chấp), Điều 5 (Hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực). Không những vậy, nó cũng đi ngược lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành vi đơn phương nào của phía Trung Quốc đều không chỉ xâm phạm đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam như đã nói ở trên mà còn gây ra căng thẳng, nguy cơ bất ổn và xung đột và ngăn cản việc thực thi các quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Nhìn chung, nếu Trung Quốc triển khai tàu Hải Cảnh ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sẽ không chỉ là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, Vi phạm các nguyên tắc trong tập quán quốc tế, mà còn đi ngược lại các thỏa thuận song phương, đa phương và cam kết của chính Trung Quốc như DOC, Thỏa thuận song phương Trung Quốc – Việt Nam… Những hành động trên của Trung Quốc không chỉ phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở châu Á-Thái Bình Dương, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, gây ảnh hưởng xấu đến chính hình tượng nước lớn có trách nhiệm mà Trung Quốc đang tự xây dựng, gây mất lòng tin chính trị giữa Trung Quốc với các nước và tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng quốc tế khi chỉ muốn dựa vào sức mạnh (quân sự, kinh tế) để áp đặt, xâm chiếm chủ quyền của nước khác.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới