Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐiểm tin"Kẻ thù" của Mỹ bắt tay "kỳ phùng địch thủ" của Nga:...

“Kẻ thù” của Mỹ bắt tay “kỳ phùng địch thủ” của Nga: Một liên minh đáng gờm mới đã hình thành?

Hai quốc gia “không đội trời chung” với Nga, Mỹ đã bắt đầu thắt chặt mối quan hệ cộng tác trong những năm trở lại đây.

Các công nhân lắp ráp động cơ ở nhà máy của Motor Sich ở Ukraine. Ảnh: Washington Post

Mối quan hệ có lợi cho đôi bên

Chủ tịch của công ty hàng không vũ trụ hàng đầu Ukraine cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc luôn tìm cách bắt chuyện các nhân viên Ukraine.

Họ muốn biết về kế hoạch, tài liệu, thiết kế dây chuyền sản xuất và tương tác giữa các nhà xưởng.

“Người Trung Quốc sẽ hỏi chuyện trong vòng 3 tiếng đồng hồ, và tới ngày tiếp theo, một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc khác lại tới,” Vyacheslav Boguslayev, chủ tịch công ty Motor Sich – một trong những hãng sản xuất động cơ máy bay quân sự tân tiến nhất thế giới, cho hay.

“Họ sẽ hỏi những câu hỏi y hệt như ngày hôm trước, và chuyện này sẽ tiếp diễn trong cả tuần”.

Với mong muốn cải thiện quân đội, Trung Quốc đã bắt đầu nhờ cậy Ukraine nhiều hơn. Và Ukraine – quốc gia bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề trong cuộc mâu thuẫn với Nga – sẵn sàng mở cửa và chấp nhận hợp tác với Trung Quốc.

“Nếu họ cấm chúng tôi làm ăn với Trung Quốc, thì việc đầu tiên tôi sẽ làm là sa thải 10.000 nhân công,” ông Boguslayev tuyên bố.

Công ty Motor Sich đã được truyền thông Trung Quốc gọi là “Ông Vua của các loại động cơ” do nắm giữ tất cả những gì Bắc Kinh muốn: công ty này có thể cung cấp động cơ cho máy bay chiến đấu và hướng dẫn chế tạo để Trung Quốc có thể tự sản xuất.

Ngược lại, Trung Quốc có thể cung cấp cho Motor Sich những gì mà công ty này muốn: những khách hàng uy tín, thường xuyên.

Công ty Motor Sich đã mất thị trường lớn nhất – cung cấp động cơ cho máy bay trực thăng quân sự và những loại máy bay khác của Nga – sau khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine nổ ra vào năm 2014. Hiện tại, công ty Ukraine này hầu như chỉ bán sản phẩm cho Trung Quốc.

Đối tác lớn thay thế Nga

Động thái âm thầm bắt tay với Ukraine của Trung Quốc đã cho thấy Bắc Kinh đã để mắt tới sản phẩm công nghệ nhập khẩu mặc dù các quốc gia Phương Tây ít có những khoản xuất khẩu liên quan tới quân sự cho Trung Quốc.

Hoạt động này bắt đầu được đẩy mạnh trong bối cảnh Ukraine gặp khó khăn trong việc chuyển hướng kinh tế khỏi phụ thuộc vào Nga. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh cũng phải đương đầu với cuộc chiến tranh thương mại ngày càng khốc liệt với Washington trong thời gian gần đây.

“Những người địa phương rất tốt bụng, có học vấn tốt và giá nhân công rẻ,” Liu Siun, cố vấn thương mại và giao dịch tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev, nói trong cuộc phỏng vấn. Ông Liu trả lời phỏng vấn bằng tiếng Nga thành thạo: “Tôi luôn nghĩ rằng người Ukraine có rất nhiều tiềm năng trong công nghệ và khoa học.”

Nhà máy Ukraine đã có thời sản xuất xe tăng, đóng tàu chiến và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho Hồng Quân. Nơi đây từng là một trong những điểm then chốt trong chuỗi cung ứng cho bộ quốc phòng Nga.

Năm 2014, những cuộc giao tranh và mâu thuẫn với Moskva đã buộc Kiev phải tìm những thị trường khác ngoài Nga – nước láng giềng và đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Các nhà đầu tư Mỹ và Châu Âu lo lắng về việc làm ăn với một quốc gia đang giao tranh, có cơ sở hạ tầng không đạt chuẩn và nạn tham nhũng lan tràn.

Trong khi đó, Trung Quốc lại nhìn thấy những cơ hội mới. Các công ty như Motor Sich, có trụ sở tại Zaporizhia – cách tiền tuyến miền Đông Ukraine khoảng 160km – đã trở nên tuyệt vọng khi đơn đặt hàng từ Nga đã bắt đầu cạn kiệt.

“Điều chúng tôi quan tâm duy nhất bây giờ là: Mỹ có mua hàng của chúng tôi không? Không. Chấm hết. Nhưng người Trung Quốc mua hàng của chúng tôi,” ông Gennadiy Chyzhykov, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ukraine, tuyên bố.

Từ giờ tới sang năm, Trung Quốc đang trên lộ trình vượt Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Năm 2018, Ukraine đã giao dịch 9,8 tỉ USD hàng hóa với Trung Quốc – tăng 51% trong 2 năm và gấp gần 2,5 lần con số 4 tỉ USD giao dịch với Mỹ.

Trong năm ngoái, Trung Quốc đã được truyền thông Ukraine ca ngợi tích cực khi trao tặng cho Kiev nhiều món quà giá trị, trong đó bao gồm: 50 xe cứu thương, 50 xe tìm kiếm cứu nạn, và 137 triệu USD giá trị các loại thiết bị cho bệnh viện địa phương. Hồi tháng 4, chính phủ Ukraine thông báo Trung Quốc đã đầu tư 340 triệu USD để xây cây cầu mới bắc qua sông Dnieper.

Nhà phân tích Andeas Umland nhận xét về Ukraine: “Nếu có một đối tác đem tiền tới, Ukraine sẽ nhận. Kiev không có nhiều lựa chọn để cân nhắc một cách chiến lược trong nhiều năm tới.”

Vào thời điểm năm 2014, Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ kinh tế và quốc phòng với Ukraine. Bắc Kinh đã mua một tàu sân bay chưa hoàn thiện từ Ukraine và đặt hàng 4 thủy phi cơ cỡ lớn vào năm 2009. Ngược lại, các nước phương Tây hầu như không liên quan mấy tới hệ thống sản xuất quốc phòng từ thời Liên Xô của Ukraine.

“Bằng cách này hay cách khác, Ukraine sẽ phải lựa chọn. Họ không thể cộng tác mãi mãi với Trung Quốc trong khi vẫn nghiêng về phía phương Tây,” một nhà ngoại giao ở Kiev đề nghị giấu tên bình luận về mối quan hệ của Kiev.

Ngoại trưởng Ukraine đã từ chối bình luận bởi sự hợp tác Ukraine – Trung Quốc là một vấn đề nhạy cảm, xét tới việc Ukraine muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đang mở rộng quan hệ đối tác với Nga.

Mới đây, tổng thống mới đắc cử Ukraine Vladimir Zelensky đã gặp đại sứ Trung Quốc ở Kiev và nói: “Kinh nghiệm và nguồn đầu tư của Trung Quốc rất quan trọng với Ukraine”.

Tham vọng xây dựng quân đội của Trung Quốc

Trung Quốc đã tăng cường tầm ảnh hưởng khắp các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ. Tại Belarus, Trung Quốc đã đồng tài trợ dự án xây dựng nhà ở cho hơn 100.000 nhân công. Ở biển Đen, Georgia đang trở thành một trung tâm then chốt để Trung Quốc giao thương với Châu Âu.

Nhưng Ukraine lại cho Trung Quốc những nguồn lực riêng biệt để giúp Bắc Kinh xây dựng quân đội tiêu chuẩn quốc tế – các nhà phân tích phương Tây nhận xét.

Ông Boguslayev nói những động cơ mà công ty Motor Sich sản xuất cho Trung Quốc là để dùng cho các máy bay không đem theo vũ khí, ví dụ như chiếc L-15. Nhưng Reuben Johnson, một nhà phân tích công nghiệp quốc phòng ở Kiev, cho rằng mối quan hệ giữa hai bên có thể sẽ giúp Trung Quốc tự sản xuất quy mô lớn các máy bay chiến đấu.

“Trung Quốc không đủ năng lực để phát triển động cơ máy bay có thể sản xuất ở quy mô lớn và hoạt động được đủ giờ trước khi phải bảo dưỡng. Việc tận dụng chất xám và kiến thức chuyên môn từ Motor Sich sẽ giúp họ vượt qua được chướng ngại vật lớn này.”

Một công ty Trung Quốc đã cố gắng mua cổ phần để kiểm soát Motor Sich vào năm 2017. Chính quyền Ukraine đã đóng băng thỏa thuận này vì lí do an ninh quốc gia. Nhưng chủ tịch của Motor Sich cho biết công ty này đã nhận 100 triệu USD từ công ty Trung Quốc và hiện người Trung Quốc chiếm ít nhất 25% cổ phần của Motor Sich.

Phát ngôn viên Motor Sich cho biết 35% trong số 450 triệu USD doanh thu của công ty vào năm ngoái là tới từ Trung Quốc. Không có sản phẩm nào của Motor Sich được bán cho Nga. Trong khi đó, 6 năm trước, 1/3 tổng doanh thu 1,1 tỉ USD của Motor Sich là tới từ Nga.

“Chúng tôi đã kết thúc làm ăn với Nga rồi. Bây giờ là lúc làm ăn với Trung Quốc,” ông Bogyslayev nói.

Chủ tịch công ty nói ông thường xuyên nghe các quan chức Ukraine phàn nàn rằng Mỹ không hài lòng với việc Motor Sich làm ăn với Trung Quốc. Ông trả lời rằng: “Vậy Mỹ có cho chúng tôi việc làm không?”

Khi được hỏi về Motor Sich, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Mỹ không phản đối sự phát triển về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc thông qua các phương thức hợp pháp. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng những hành động mà chính phủ Trung Quốc thực hiện có nhiều khác biệt so với lẽ thông thường trên thế giới. Mỹ khuyến khích các nước đối tác cân nhắc những rủi ro an ninh quốc gia có thể xuất hiện trong quá trình giao dịch đầu tư từ nước ngoài.”

Ở thành phố Trùng Khánh, Motor Sich và một công ty Trung Quốc đã đồng ý sẽ cùng xây một nhà máy để sản xuất động cơ máy bay. Đối tác Trung Quốc đề nghị sẽ xây một thị trấn nhỏ để những kĩ sư người Ukraine “cảm thấy như được ở nhà” – ông Boguslayev kể.

“Họ nói: ‘Hãy cho chúng tôi 1.000 người. Chúng tôi sẽ xây nhà thờ, xây cả vườn trẻ cho người Ukraine’,” chủ tịch Motor Sich nhớ lại.

Theo nhận định của các chuyên gia quốc phòng Ukraine và phương Tây, Trung Quốc đang có mong muốn lớn hơn với công nghệ của Ukraine. Bắc Kinh đã tăng cường thuê kĩ sư Ukraine và đưa họ tới Trung Quốc để làm việc.

“Đây không chỉ là thuê người, mà thực tế Trung Quốc đang chiếm những chuyên gia tên lửa và máy bay của Ukraine. Ukraine đang dần mất đi một thế hệ những kĩ sư theo cách này,” Sergii Bondarchuk, cựu chủ tịch công ty xuất khẩu quốc phòng Ukraine Ukrspecexport, nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới