Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Mỹ có trừng phạt VN vì chính sách thương mại 'na...

Liệu Mỹ có trừng phạt VN vì chính sách thương mại ‘na ná’ TQ?

“Một quốc gia Cộng sản có lượng nhân công rẻ, tỷ lệ hối đoái bị kiểm soát chặt chẽ, sản xuất số lượng lớn hàng hóa rẻ để tiêu thụ tại Hoa Kỳ và vẫn khá e dè trước các nhà đầu tư nước ngoài ở những mảng công nghiệp nhạy cảm và một lịch sử có hiềm khích với Mỹ.”

Đoạn văn trên tưởng chừng như đang mô tả Trung Quốc, nhưng thật ra nó mô tả về chính người láng giềng Việt Nam.

Các bài viết mới đây của Bloomberg cho rằng chính sách thương mại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ ‘từa tựa’ với chính sách của Trung Quốc, và rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào tầm ngắm của Washington.

Nhưng có thực sự như vậy không? Và nếu vậy thì liệu chính quyền của ông Trump có trừng phạt Việt Nam như đã làm với Trung Quốc?

Chính sách thương mại của VN giống TQ đến đâu?

Bộ Tài chính Hoa Kỳ dự kiến sẽ công bố bản báo cáo tài chính, trong đó sẽ liệt kê danh sách các nước thao túng tiền tệ – một cáo buộc luôn gắn liền với Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Hoa Kỳ có ba tiêu chí để xác định xem liệu một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không: Thứ nhất là thặng dư tài khoản vãng lai hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thứ hai là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất là 20 tỷ đô la. Và cuối cùng là sự can thiệp liên tục vào thị trường tiền tệ vượt quá ít nhất 2% GDP.

Chín nước thặng dư thương mại với Hoa Kỳ vào 2018
Source: Cục Thống kê Hoa Kỳ, Bloomberg

Xét theo tiêu chí đầu tiên, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam là 3% vào cuối năm ngoái, và gần như trong khoảng đó vào 2016 và 2017, theo nguồn của Bloomberg.

Nhưng cũng theo nguồn của Bloomberg, Bộ Tài chính Hoa Kỳ dự định sẽ giảm giới hạn thặng dư tài khoản vãng lai xuống 2%. Như vậy thì Việt Nam đã không đạt tiêu chí này.

Ở tiêu chí thứ hai, theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, thặng dư thương mại Việt Nam với Hoa Kỳ đã vượt quá 20 tỷ đô la kể từ năm 2014, đạt 39,5 tỷ đô la vào 2018, mức cao nhất kể từ 1990.

Vì vậy, Việt Nam cũng không đạt tiêu chí thứ hai.

Ở tiêu chí cuối cùng, mức độ can thiệp của Việt Nam vào thị trường tiền tệ đến đâu?

Theo như bài phân tích tiêu đề “Việt Nam có phải là tân Trung Quốc?” của Brad Setser trên Council for Foreign Relations, thì mức độ can thiệp là 5.6% GDP vào 2017, và 8% GDP vào nửa đầu 2018.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tỷ giá lãi xuất bên ngoài ngân hàng BIDV hồi 2013

Như vậy, Việt Nam đều vượt quá ba tiêu chí của Hoa Kỳ, và hoàn toàn có thể bị đánh giá là một trong những nước thao túng tiền tệ.

Có đúng vậy không?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam không có lợi gì khác cho Việt Nam ngoài việc “trở nên đáng tin cậy hơn” đối với các quốc gia khác.

“Có nghĩa là trong các giao dịch quốc tế thì Việt Nam có tiền để mua, có khả năng thanh toán, yên tâm khi làm ăn với Việt Nam.”

Việt Nam trước đó đã có một thời gian bị thâm hụt cán cân thanh toán và tài khoản vãng lai, đến thời gian gần đây mới có thay đổi.

Nhờ có sự hợp tác đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, Việt Nam mới có thặng dư về tài khoản vãng lai và xuất siêu.

Theo chuyên gia, trong xuất khẩu của Việt Nam, 70% là của FDI, đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ có 30% là của Việt Nam. Nếu tách ra thì Việt Nam còn chưa được thặng dư về thương mại cũng như tài khoản vãng lai.

Điều này lý giải phần nào về tiêu chí số hai, tình trạng thặng dư thương mại trên 20 tỷ đô la với Hoa Kỳ. Hầu hết là do sản phẩm sản xuất bởi công ty nước ngoài tại Việt Nam xuất sang Hoa kỳ.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Lao động nữ Việt Nam sản xuất giày Nike ở Hồ Chí Minh từ năm 1997

Bà dẫn chứng như Samsung, sản xuất điện thoại tại Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ hàng năm, hay hãng giày dép Nike và các hãng may mặc khác của Mỹ, cũng đang đặt hàng tại Việt Nam đưa về Hoa Kỳ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vào 2018, các mặt hàng xuất khẩu chính là điện thoại các loại và linh kiện và thứ hai là hàng dệt may và thứ ba là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.

“Đấy là một thực tế nên nhìn nhận, xem ai là người thực sự có lợi. Nhiều khi nếu trừng phạt, thì Hoa Kỳ đang trừng phạt chính các nhà đầu tư của họ.”

Bà Phạm Chi Lan cũng cho biết Việt Nam rất muốn nhập hàng từ Hoa Kỳ, như máy bay Boeing, các thiết bị nặng của GE và các thiết bị xây dựng nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo.

“Nếu điều này xảy ra thì cán cân thương mại sẽ thay đổi ngay lập tức.”

Về chính sách kiểm soát tiền tệ, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng chính sách của Việt Nam khác với Trung Quốc.

Việc thao túng tiền tệ để cố tình giữ giá Đồng thấp có thể giúp cho việc xuất khẩu nhưng không có lợi cho việc nhập khẩu, bà Lan phân tích.

Trước giờ Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhập siêu cao, cho nên tỷ lệ hối đoái, chính sách tiền tệ phải được điều chỉnh một cách phù hợp.

Trong ba năm trở lại đây, Việt Nam liên tục xuất siêu, nhưng chính phủ dự kiến sẽ lại nhập siêu vào 2019, theo VnEconomy.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption TPP trở thành CPTPP khi vắng Hoa Kỳ

Mỹ có nên trừng phạt Việt Nam?

Chuyên gia Phạm Chi Lan, Hoa Kỳ không nên trừng phạt Việt Nam vì sự khác biệt với Trung Quốc quá lớn.

Trước hết quy mô nền kinh tế quá khác nhau. Trung Quốc tiến hành cải cách trước, sức mạnh nền kinh tế vượt trội hơn.

“Việt Nam còn rất nhỏ, chưa có cái gì có thể đe dọa gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Việt Nam cũng mong muốn gia tăng thiết lập quan hệ tốt với Hoa Kỳ, nhập khẩu thêm từ Hoa Kỳ.

10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam 2018
 
10 đối tác thương mại lớn nhất của VN

Tổng xuất nhập khẩu năm 2018

Source: Thống kê Hải Quan

“Chúng tôi tiếc là Hoa Kỳ không tham gia TPP (phiên bản cũ của CPTPP). Nếu Hoa Kỳ đồng ý thì có thể thấy sự thay đổi trong cán cân thương mại, sẽ tốt cho cả đôi bên.”

Bà Lan nhấn mạnh lại rằng, nhìn vào cán cân thương mại thì Việt Nam hưởng lợi nhưng thực tế người hưởng lợi chính là các nhà đầu tư và người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Và thứ hai, độ mở cửa của Việt Nam so với đầu tư nước ngoài cởi mở hơn Trung Quốc nhiều. Việt Nam tuy nhỏ hơn nhưng tham gia nhiều FDI hơn.

“Việt Nam đã ý thức được từ lâu và đã có sự sẵn sàng cho chính sách mở cửa của mình về thương mại … Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, xuất khẩu nhập khẩu cộng lại hơn 200% của GDP.”

Bà Lan dẫn chứng dù chính quyền Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi TPP, Việt Nam tiếp tục theo đuổi CPTPP. Việt Nam cũng hoàn tất đàm phán EVFTA với Liên minh châu Âu và một loạt các FDI khác.

Bà hi vọng, Hoa Kỳ, một nước lớn có tiếng nói quan trọng, không đánh giá Việt Nam như một nước “thao túng tiền tệ”.

“Tôi muốn Hoa Kỳ một cách công bằng, đánh giá phải xem xét thực tế, quy mô và mức độ ảnh hưởng tới đâu. Trừng phạt một nước nhỏ hơn mình nhiều thì không thật là hay. Và doanh nghiệp hai nước đều nhìn thấy nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.”

RELATED ARTICLES

Tin mới