Chuyên gia Derek Grossman, nguyên là cố vấn cho Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách châu Á – Thái Bình Dương cho rằng “Việt Nam hoàn toàn có thể bị coi là đối thủ được ưa thích để quân đội Trung Quốc kiểm tra năng lực tác chiến trên thực địa”.
Theo ông Grossman, khi chỉ thị cho Quân Đội là phải rèn luyện để trở thành một đạo quân có “đẳng cấp thế giới” vào năm 2050, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ đã nghĩ đến sự kiện là cuộc chiến lớn sau cùng mà Trung Quốc đã tham gia là cuộc chiến tranh năm 1979 ở vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, mà Trung Quốc đã thua một cách đáng xấu hổ. Tuy nhiên, cuộc chiến năm 1979 lại liên quan chủ yếu đến lực lượng bộ binh, chứ không phải là một cuộc chiến mà Bắc Kinh dự trù phải đối mặt hiện nay, dù là để chống lại Đài Loan hay một đối thủ khu vực khác ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông, với tất cả hầu như chỉ liên quan tới không quân và hải quân. Do đó, kinh nghiệm chiến tranh lớn cuối cùng của Bắc Kinh gần như không thể áp dụng được. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng và đáng báo động đối với Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc. Trong tình hình đó, Quân Đội Trung Quốc đã phải nỗ lực tập luyện, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ cần phải kiểm tra hiệu quả của các năng lực mới tiếp thu, và rất có thể họ sẽ muốn chiến đấu với Việt Nam một lần nữa, như là một bài tập khởi động cho các trận chiến lớn hơn, nhưng lần này là ở Biển Đông. Theo ông Grossman, có ít nhất ba lý do khiến cho Việt Nam biến thành điểm nhắm của ý đồ nói trên của Quân Đội Trung Quốc, cụ thể:
Đầu tiên, chiến trường Việt Nam và Biển Đông thuận lợi cho lực lượng không quân và hải quân. Việt Nam và Trung Quốc có các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông chồng chéo và sự xích mích liên tục giữa hai bên đã “cung cấp” cho Quân Đội Trung Quốc một kịch bản có sẵn để tiến hành các hoạt động “chiếm giữ và phòng thủ hải đảo”, cùng với các chiến dịch có phối hợp trên biển chống lại một đối thủ khu vực. Theo Grossman, Trung Quốc và Việt Nam vào năm 1988 đã từng có một cuộc giao tranh ngắn ngủi tại Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), với hệ quả là Bắc Kinh chiếm cứ các thực thể trước đó do Việt Nam kiểm soát. Tuy nhiên, trận đánh đó khác xa với kiểu xung đột mà Quân Đội Trung Quốc cần tiến hành để kiểm tra năng lực thực hiện và duy trì các chiến dịch quân sự có phối hợp. Gần đây hơn, vào tháng 5/2014, Trung Quốc và Việt Nam đã xung đột với nhau quanh giàn khoan HD-981 mà Bắc Kinh mang vào vùng thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông. Mặc dù xung đột chỉ diễn ra giữa các lực lượng tuần duyên và tàu cá, nhưng một số lượng hạn chế tàu Hải Quân Trung Quốc cũng đã túc trực gần đó, dự phòng trường hợp leo thang. Lần đụng độ tới đây có thể rất khác.
Thứ hai, tránh được việc lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến. Theo chuyên gia Grossman, là Quân Đội Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ thích lao vào một cuộc chiến không có khả năng lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc. Do việc Quân Đội Trung Quốc vẫn chưa trở thành đạo quân đẳng cấp thế giới, nên rất hợp lý khi cho rằng Trung Quốc ngay lúc này, chưa sẵn sàng xử lý một kịch bản có Mỹ (cho dù dĩ nhiên họ sẽ chiến đấu, nếu bị bắt buộc). Điều đó có nghĩa là nếu chiến đấu với các nước có hiệp ước an ninh với Mỹ như Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan, có rất nhiều nguy cơ là Trung Quốc phải chạm trán Mỹ, điều mà Bắc Kinh không mong muốn. Trong số các quốc gia vừa kể, Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Philippines, những tranh chấp có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Tuy nhiên, trong trường hợp Nhật Bản, Washington năm 2014 đã nói rõ là việc bảo vệ quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị Trung Quốc tranh chấp ở Biển Hoa Đông, nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Tương tự như vậy, vào tháng 3/2019, Mỹ nhắc lại rằng một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang hoặc tàu thuyền nhà nước của Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ hỗ tương Mỹ-Phi. Cho dù cam kết của Mỹ dường như không nhất thiết bao hàm việc Trung Quốc xâm lược các hòn đảo đang tranh chấp ở Trường Sa, như đảo Thị Tứ, tuy nhiên, điều đó chứng tỏ Washington cũng chú ý đến việc bảo vệ Manila trong khu vực. Đáng chú ý là sự kiện Washington không có liên minh an ninh chính thức với Đài Loan, một nguy cơ cho đảo này. Điều đó tuy nhiên chỉ đúng trong một chừng mực nào đó, vì Luật Quan Hệ với Đài Loan của Mỹ buộc Washington phải bảo vệ Đài Bắc chống lại sự xâm lược của quân đội Trung Quốc, kể cả khi hai bên không có liên minh quân sự chính thức.
Không giống như các đồng minh của Mỹ trong lãnh vực an ninh, cũng như trường hợp đặc biệt của Đài Loan, Việt Nam sẽ không được Washington hỗ trợ về quân sự. Chẳng hạn, trong vụ giàn khoan HD-981 tháng 5 năm 2014, Mỹ chỉ ra tuyên bố quy trách nhiệm cho Trung Quốc và kêu gọi cả hai bên duy trì hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong những năm gần đây, với một tàu sân bay Mỹ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 3/2018 – lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Việt Nam. Dù sao thì chính sách quốc phòng “ba không” của Việt Nam nghiêm cấm các liên minh về an ninh, quân sự, khiến Hà Nội khó có thể tìm cách ngăn chặn Trung Quốc thông qua một tuyên bố chính thức với Washington. Do đó, Bắc Kinh có lẽ đã cảm thấy tương đối yên tâm, vì sự can thiệp của Mỹ ít có khả năng xảy ra trong trường hợp của Việt Nam.
Cuối cùng, “Việt Nam có thể bị đánh thắng dễ dàng”. Theo chuyên gia Mỹ, là Quân Đội Trung Quốc có lẽ sẽ thích một cuộc chiến tranh mà họ có thể chiến thắng. Mặc dù đây là một điều hiển nhiên, nhưng lý do này đặc biệt quan trọng do việc Quân Đội Trung Quốc cảm thấy bối rối sau khi bị thua trong cuộc xung đột biên giới năm 1979 chống lại Việt Nam. Cái may mắn cho Quân Đội Trung Quốc vào lúc này là họ sẽ có lợi thế quân sự áp đảo ở Biển Đông. Đối với chuyên gia Grossman, việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam trong những năm gần đây đã hướng đến việc bảo vệ lãnh thổ, và nếu cần thiết, mở một cuộc tấn công bất ngờ và ngoạn mục vào các vị trí của Quân Đội Trung Quốc để buộc Bắc Kinh xuống thang chiến tranh. Nhưng nếu Trung Quốc vượt qua được chiến lược đánh “chảy máu mũi” này, thì Việt Nam không có khả năng duy trì các hoạt động ngang tầm với Trung Quốc, do thiếu người và phương tiện. Ngoài ra, trong lĩnh vực quan trọng là học thuyết quân sự, Việt Nam chưa bao giờ thực sư chiến đấu trong các lĩnh vực không quân và hải quân. Điểm đó làm dấy lên hoài nghi lớn về khả năng Hà Nội có thể tiến hành chiến dịch hợp đồng binh chủng từ đầu. Thay vào đó, Việt Nam có thể sẽ tập trung hơn vào việc chống lại các lực lượng dân quân và cảnh sát biển Trung Quốc trong những cái gọi là “vùng xám”, vì đây là kịch bản khả thi nhất trong tương lai.
Trên thực tế, từ khi giành độc lập đến nay, Việt Nam luôn thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, Chính sách quốc phòng, quân sự, xây dựng quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân của Việt Nam chỉ nhằm mục đích duy nhất là để bảo vệ Tổ quốc. Ngoài mục đích đó, chính sách quân sự của Việt Nam không có mục đích nào khác. Đảng, Nhà nước Việt Nam tích cực đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng đa phương, đa dạng hóa các mối quan hệ, cùng hợp tác để phát triển, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là bạn, là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước truyền thống, các nước lớn trên thế giới và trong khu vực, đưa các mối quan hệ đó vào chiều sâu và thực chất.
Việt Nam đã tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống; chủ động đề xuất, định hình cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF); các hoạt động tổ chức giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị với 5 nước (Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và Myanmar), các hoạt động đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, kết nghĩa, khám, chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới, diễn tập chung khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa được diễn ra thường xuyên…
Hiện nay, trong bối cảnh cục diện thế giới có nhiều thay đổi, những tranh chấp lợi ích chính trị, kinh tế, hoạt động chạy đua vũ trang, lôi kéo quốc gia khác vào vòng xoáy của các nước lớn đã tạo ra môi trường đối ngoại phức tạp, những nhân tố tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, chiến tranh khu vực, tôn giáo, sắc tộc; các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo tiếp tục nóng lên bất thường; chủ nghĩa tư bản thân hữu ở các nước trung lập, các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Nhất là trước sự căng thẳng trong quan hệ giữa các nước lớn cùng với các hoạt động xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam, hoạt động nhận diện phòng không, đường lưỡi bò,… tạo nên căng thẳng trong khu vực và trong mối quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, người dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả để chiến đấu với kẻ thù xâm lược nhằm bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc.