Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNguy cơ TQ gia tăng sức ép quân sự và biện pháp...

Nguy cơ TQ gia tăng sức ép quân sự và biện pháp đáp trả của Đài Loan

Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo tiết lộ Trung Quốc đang có âm mưu sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan (17/5) đã cho công bố một đoạn video nhằm “quảng cáo” sức mạnh các lực lượng vũ trang ngay trước thời điểm diễn ra cuộc tập trận thường niên Han Kuang.

Đài Loan tung video “quảng cáo” sức mạnh quân sự nhằm đáp trả Trung Quốc.

Theo đó, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan đã cho công bố một đoạn video nhằm “quảng cáo” sức mạnh các lực lượng vũ trang ngay trước thời điểm diễn ra cuộc tập trận thường niên Han Kuang. Cuộc tập trên sẽ diễn ra từ ngày 27 – 31/5. Khu vực chủ yếu diễn ra tập trận là ở vùng biển và không phận phía Đông hòn đảo. Nội dung tập trận là mô phỏng khả năng Đài Loan bị Trung Quốc tấn công xâm lược. Dự kiến, Không quân Đài Loan cũng sẽ diễn tập khả năng hạ cánh và cất cánh trong tình huống khẩn cấp ở Changhua. Ngoài ra, các cuộc tập trận bắn đạn thật được lên kế hoạch diễn ra hạt Pingtung. Bên cạnh đó, cuộc tập trận lần này còn nhằm đảm bảo khả năng phối hợp hành động chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang Đài Loan và chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ từ eo biển Đài Loan.

Được biết, việc Đài Loan công bố video trên diễn ra ngay sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một Báo cáo cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho những tình huống bất ngờ ở eo biển Đài Loan nhằm răn đe và nếu cần thiết sẽ ép hòn đảo này phải từ bỏ những động thái đòi độc lập. Theo báo cáo, Quân đội Trung Quốc (PLA) nhiều khả năng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản hợp nhất Đài Loan vào đại lục bằng vũ lực, đồng thời ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba. Theo đó, với sự chuẩn bị công khai trên danh nghĩa huấn luyện thường kỳ, Trung Quốc có thể phát động tấn công vào các đảo Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông và một số đảo gần hơn, được phòng thủ tốt hơn như Mã Tổ hay Kim Môn. Theo các chuyên gia DIA, quân đội Trung Quốc gần đây đã thành lập hai bộ tư lệnh mới gồm Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF), tập trung vào các hoạt động không gian, chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh tâm lý cùng Lực lượng Hỗ trợ hậu cần liên quân (JLSF) với mục đích chính là chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu quân sự lượn quanh đảo trong các cuộc diễn tập vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao. Đáng chú ý, ngay từ đầu năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ không chấp nhận từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu phương án sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào quá trình thống nhất hòa bình cũng như các hoạt động thúc đẩy độc lập của Đài, nhấn mạnh hòn đảo cuối cùng sẽ thống nhất với đại lục. Theo ông Tập Cận Bình, “Tổ quốc nhất định sẽ thống nhất và tất yếu phải thống nhất”, đồng thời cho rằng “đây cũng là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới”. Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan kêu gọi thống nhất và chấm dứt đối đầu quân sự, ông Tập mô tả sự thống thất dưới cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” sẽ “đảm bảo lợi ích và sự thịnh vượng của đồng bào Đài Loan”. Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang leo thang căng thẳng trước những tuyên bố đối chọi nhau của chính quyền hai bên thì việc tiêu đề bài viết nhấn mạnh cụm từ “luôn sẵn sàng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan” như một sự thị uy nhằm vào chính quyền Đài Bắc, cũng như một cách để phô trương sức mạnh quân sự của PLA. Đối với PLA, tuyên bố “không từ bỏ vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan” của Chủ tịch Tập Cận Bình và khóa huấn luyện thực chiến trong một năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng; cùng với đó thời điểm từ cuối năm ngoái, đầu năm nay PLA liên tục xoay quanh hợp đồng mua bán vũ khí và ngân sách quân sự cho năm tài khóa mới.

Trái ngược với Trung Quốc, Đài Loan luôn coi mình là một quốc gia có chủ quyền với đồng tiền, hệ thống chính trị, tư pháp riêng, song chưa bao giờ tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Trước sự đe dọa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kiên quyết tuyên bố, Đài Loan chưa bao giờ chấp nhận “Nhận thức chung năm 1992”, thực chất cái gọi là “Nhận thức chung năm 1992” chính là “một nước Trung Quốc”, “một quốc gia hai chế độ”. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh thêm “Tôi phải nhấn mạnh rằng Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận ‘một quốc gia hai chế độ’ và đại đa số người Đài Loan đều kiên quyết phản đối một quốc gia hai chế độ. Đây cũng chính là ‘Nhận thức chung Đài Loan’”.

Trong khi đó, dù công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, Mỹ trên thực tế vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thường xuyên cung cấp những vũ khí, khí tài cần thiết để Đài Bắc có thể đảm bảo khả năng phòng thủ. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD từ năm 2010.

Tuy nhiên, giới chuyên gia, học giả quốc tế cho rằng Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cách tấn công Đài Loan. Nhà nghiên cứu Denny Roy, Trung Tâm Đông-Tây (East-West Center), Honolulu, Hawaii nhận định, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan. Để tiếp cận các thành phố lớn của Đài Loan, lực lượng của quân đội Trung Quốc sẽ phải vượt biển, mà cụ thể là trên những chiến hạm lớn và di chuyển chậm. Eo biển Đài Loan với chiều rộng 160km có thể được coi là “tử huyệt” – nơi các binh lính Trung Quốc rất dễ bị tấn công bất ngờ. Hơn nữa, ngay cả khi các quân đoàn của Trung Quốc tiếp cận được đảo Đài Loan, thì con đường từ bờ biển tiến vào các thành phố cũng đầy thử thách, khi họ phải mang vác những vũ khí nặng và di chuyển trong tầm đạn của quân đội Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc chỉ có thể di chuyển được vài vạn quân lính mỗi lượt. Lực lượng này quá mỏng so với 180.000 quân nhân tại ngũ và 1,5 triệu quân nhân dự bị của Đài Loan. Không những vậy, Mỹ với vai trò là đồng minh thân thiết của Đài Loan sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Đài Bắc. Đối với Mỹ, xung đột Đài Loan – Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề địa chính trị, nó còn là con bài mặc cả giúp Washington kìm chân Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á. Trước đây, trong thời gian ông Trần Thủy Biển lãnh đạo Đài Loan (2000-2008), Washington từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột địa chính trị này nếu có các dấu hiệu cho thấy Đài Bắc gây sự trước với Bắc Kinh. Vì vậy, Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng quân đội tấn công Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới