Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ sử dụng doanh nghiệp quốc doanh để thực thi chính sách...

TQ sử dụng doanh nghiệp quốc doanh để thực thi chính sách ở Biển Đông

Tại Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh đưa ra chiến lược Cường quốc biển. Để thực hiện chiến lược trên, Trung Quốc đã cải tổ hệ thống quản lý hành chính biển và tăng cường năng lực cho các cơ quan, lực lượng chấp pháp biển và hải quân nhằm “bảo vệ và thúc đẩy lợi ích” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc có vai trò quan trọng nhằm từng bước thực hiện chiến lược trên.

Để thực hiện âm mưu chiến lược đã đề ra, các doanh nghiệp quốc doanh của Trung đều phải tuân thủ chỉ thị của chính phủ trung ương. Một số chủ thể sử dụng nguồn lực gây ảnh hưởng lên chính sách nhà nước, thậm chí để theo đuổi những sáng kiến riêng dưới chiêu bài xây dựng cường quốc biển để bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị. Theo đó, họ chủ động lồng ghép lợi ích kinh doanh của mình với lợi ích biển của Trung Quốc, xây dựng hình ảnh là người bảo vệ lợi ích quốc gia. Một số chủ thể khác chỉ phản ứng khi chính quyền trung ương đưa ra những chính sách khích lệ. Khi môi trường chính sách có lợi cho các doanh nghiệp này, họ trở nên rất chủ động trong việc thúc đẩy chính sách. Một số doanh nghiệp nhà nước khác chỉ đơn giản là bên thực thi chính sách, với vai trò làm công cụ chính trị thực hiện nhiệm vụ chiến lược của quốc gia. Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý là hoạt động của họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà nước, các công ty cũng lợi dụng vai trò thực thi chính sách để tối đa hóa cơ hội kinh doanh của mình.

Chính phủ Trung Quốc kiểm soát và hậu thuẫn các doanh nghiệp quốc doanh

Ở Trung Quốc, mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước và doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp nhà nước chịu sự chỉ đạo của Nhà nước. Ban Tổ chức của CCP bổ nhiệm giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc doanh, khá nhiều người trong số đó có thể giữ chức Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng, một số thậm chí còn là ủy viên dự khuyết Ủy ban Trung ương Đảng. Nhìn chung, doanh nghiệp quốc doanh tồn tại và thành công là nhờ mối liên hệ với quyền lực nhà nước, họ được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp quốc doanh được quyền tiếp cận các khoản vay ngân hàng với hỗ trợ lãi suất thấp bởi đặc quyền với nhà nước.

Do mối quan hệ đặc biệt đó, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc thường được yêu cầu phục vụ lợi ích quốc gia ở mọi cấp độ. Dù các chủ thể doanh nghiệp không tìm cách áp đặt lên chính sách quốc gia, quy mô và tầm quan trọng của họ chắc chắn có tác động lên hành vi thực tế của Trung Quốc trong tranh chấp, theo đó cũng tác động đối với an ninh khu vực. Tương tự, bằng việc tận dụng khả năng và nguồn lực của các doanh nghiệp này, nhà nước cũng có thể huy động các doanh nghiệp quốc doanh bảo vệ “lợi ích” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, vai trò là công cụ chiến lược đặc biệt trong quan hệ đối ngoại Trung Quốc không có nghĩa các doanh nghiệp quốc doanh hoàn toàn bỏ qua động lực thương mại bởi doanh nghiệp quốc doanh cũng có nhiệm vụ tối đa hóa lợi nhuận của công ty, nhiều quyết định đầu tư của họ được định hướng bởi các nguyên tắc thị trường. doanh nghiệp quốc doanh thường sử dụng lợi ích quốc gia biện minh cho việc tối đa hóa lợi ích kinh tế của riêng mình. Khi cả hai lợi ích song trùng, các doanh nghiệp quốc doanh sẽ chủ động hơn trong hợp tác với các cơ quan nhà nước và tham gia vào hoạt động đối ngoại của Trung Quốc. Đối với các chủ thể doanh nghiệp, kịch bản lý tưởng nhất là có được sự ủng hộ của nhà nước – điều đó sẽ thúc đẩy được lợi ích thương mại doanh nghiệp – trong khi thực hiện đầy đủ yêu cầu của nhà nước. Sự ủng hộ đó là những khoản vay ưu đãi và bảo đảm tín dụng đối với các thương vụ kinh doanh lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chiến lược.

Vai trò của các doanh nghiệp Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Theo như các tuyên bố chính thức của Trung Quốc, phát triển kinh tế biển trở thành một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu của Trung Quốc. Những thống kê của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho thấy, từ 2012 đến 2016, kinh tế biển Trung Quốc đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,5%; cao hơn 0,2% so với tăng trưởng kinh tế quốc gia trong cùng kỳ. Năm 2016, giá trị sản lượng liên quan đến biển đạt 7,05 nghìn tỉ Nhân dân Tệ (1,08 nghìn tỉ USD), chiếm 9,5% nền kinh tế đất nước. Theo đó, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông trở nên rất quan trọng đối với phát triển kinh tế Trung Quốc.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch:

Trước đây, các công ty du lịch tàu biển Trung Quốc thận trọng trong hoạt động kinh doanh của mình ở Biển Đông là do: (1) Dù đường bờ biển dài và nhiều chuỗi đảo, cơ sở du lịch gần những khu vực này khá hạn chế. Công nghiệp hóa ở các tỉnh duyên hải Trung Quốc đã làm suy thoái chất lượng môi trường biển, điều đó khiến cho các hoạt động như lặn biển, câu cá và lướt sóng bị ngưng trệ. Dù các vùng biển ven bờ đảo Hải Nam có môi trường tương đối thuận lợi cho tàu biển, cạnh tranh gay gắt giữa các chủ thể công nghiệp dẫn đến tình trạng phát triển quá mức đối với các vùng biển này. Vì một phần lí do trên, khách du lịch Trung Quốc bắt đầu hướng quan tâm vào Hoàng Sa, sử dụng dịch vụ của một số doanh nghiệp du lịch tư nhân có quy mô nhỏ. Những khách du lịch này là những cá nhân thường không để ý đến quy định của nhà nước. Do đó, các doanh nghiệp này đã chịu tổn thất trước điều kiện thời tiết xấu cũng như thiếu các biện pháp an toàn, tổn thất tài chính, bị các lực lượng chấp pháp các nước tranh chấp can thiệp và thậm chí là phản đối ngoại giao. Ở khía cạnh đó, ưu tiên của doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc là phát triển nguồn lực biển mới cho ngành du lịch, đáp ứng được nhu cầu thị trường. (2) Ngành du lịch tàu biển Trung Quốc ở vào tình thế khó khăn; ở thị trường cấp thấp, dư thừa khả năng đáp ứng nhưng thiếu khả năng ở thị trưởng cao cấp; ít được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ; ngành công nghiệp du lịch tàu biển Trung Quốc thiếu công nghệ cốt lõi, kỹ năng quản lý và sự hỗ trợ cần thiết của nhà nước để phát triển chuỗi công nghiệp riêng cho ngành. (3) Ngành công nghiệp du lịch tàu biển Trung Quốc cũng phải đối mặt với những rào cản về mặt thể chế vốn hạn chế ngành phát triển. Theo Quy định Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Quản lý Thu thuế Hàng hóa Xuất nhập khẩu, việc mua tàu biển nước ngoài sẽ phải chịu mức thuế cao là 27,35%, điều này chắc chắc làm tăng chi phí hoạt động cho toàn ngành tàu biển.

Tuy nhiên, chính sách thận trọng về ngành du lịch ở Biển Đông của Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi từ năm 2009 khi Quốc vụ Viện ban hành Một số Ý kiến Thúc đẩy Phát triển Đảo Quốc tế Hải Nam cho ngành Du lịch. Ngoài ra, Trung Quốc còn ban hành một loạt văn pháp pháp quy về thúc đẩy phát triển du lịch biển như Văn bản chính sách Quy định về Phân vùng Chức năng Biển Quốc gia (2011 – 2020) năm 2012 của Quốc vụ Viện là bước ngoặt cho ngành du lịch ở Biển Đông, Văn bản quy định nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề biển ở Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Giao thông Trung Quốc ban hành Hướng dẫn Quan điểm Thúc đẩy Phát triển Bền vững và Giàu mạnh ngành Công nghiệp Du lịch Tàu biển, Quốc vụ Viện cũng ban hành Thông báo Ban hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về Phát triển và Hoạch định Ngành Du lịch vào tháng 12/2016.

Nhìn chung, các văn bản chính sách này đều có mục tiêu chung: phát triển ngành công nghiệp du lịch tàu biển. Trước sự hỗ trợ chính sách rõ ràng từ chính quyền trung ương, các công ty du lịch tàu biển Trung Quốc bắt đầu mở rộng hoạt động ở Biển Đông. Các chính sách thúc đẩy tiếp theo của nhà nước bắt đầu thay đổi động lực ngành công nghiệp du lịch tàu biển và thậm chí là mối quan tâm và sự can dự của ngành này ở Biển Đông. Tận dụng hỗ trợ từ nhà nước, một số công ty Trung Quốc chọn cách liên kết để phá vỡ thế độc quyền thị trường du lịch tàu biển Trung Quốc của các công ty nước ngoài. Theo Liu Junli, Giám đốc công ty Đầu tư Đại dương CCCC, một công ty con của CCCC, các CSEO cần phải phát triển ngành du lịch tàu biển Trung Quốc và vượt qua lợi thế công nghệ của các công ty du lịch tàu biển nước ngoài. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng hợp tác chặt chẽ với chính quyền Hải Nam để đánh giá tiềm năng thương mại trong việc đóng thêm tàu du lịch biển cũng như việc mở rộng dịch vụ ngành này. Các công ty Trung Quốc và chính quyền Hải Nam cùng nhất trí rằng việc phát triển du lịch ở Biển Đông sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng các đảo, tạo doanh thu cho cả chính quyền địa phương và người dân. Bên cạnh đó, phát triển du lịch các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông cũng tạo cơ hội phát triển hệ thống cầu cảng tàu biển tại các thành phố tỉnh Hải Nam và Thành phố Tam Á.

Cuối cùng, kể từ khi chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng khai thác tài nguyên du lịch ở Biển Đông, các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu quân tâm mở rộng hoạt động dân sự tại các vùng biển tranh chấp. Trong thời gian diễn ra triển lãm Du lịch tàu biển Nam Hải Trung Quốc, Xu Lirong, Bí thư Đảng, CEO COSCO, tái khẳng định rằng, phát triển các tuyến du lịch biển ở Biển Đông là một phần sứ mệnh công ty nhằm thúc đẩy các cụm công nghiệp – xã hội, các lĩnh vực này sẽ kết hợp phát triển bất động sản, giáo dục về biển và quản lý khách sạn. Trong tương lai, công ty sẽ tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh từ Hoàng Sa cho đến Đài Loan và các đảo khác ở các quốc gia láng giềng thành một phần Tuyến du lịch Văn hóa Con đường Tơ lụa trên Biển của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp du lịch cũng tin tưởng phát triển du lịch ở Biển Đông là một trong cách hữu hiệu nhất để tăng cường yêu sách chủ quyền Trung Quốc. Theo một nhà quản lý cấp cao trong ngành này, “du lịch ở Biển Đông cần hỗ trợ chính sách và tài chính của chính phủ. Chính quyền trung ương cần cung cấp đầy đủ phương tiện và điều phối mối quan hệ giữa ngành du lịch với các ngành khác.” Ông cũng khẳng định thực hiện du lịch tàu biển là một “yêu sách mềm về chủ quyền”, khác với hoạt động đánh bắt của Trung Quốc có thể dễ bị giám sát và bắt giữ, gây ra tranh cãi ngoại giao. “Do đó, du lịch ở Biển Đông mang trọng trách lớn về an ninh quốc gia và cần nhận được hỗ trợ từ tất các cấp chính quyền”.

Để đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi cho hoạt động kinh doanh ở Biển Đông, các công ty du lịch tàu biển cũng thực hiện các chương trình giáo dục “lòng yêu nước”. Chẳng hạn, việc đăng ký Du lịch tàu Biển Nam Hải chỉ áp dụng đối với công dân Trung Quốc vì chuyến du lịch sẽ có nghi thức chào cờ và tuyên thệ yêu nước. Phát triển các kế hoạch dựa trên quan điểm xúc tiến du lịch là hỗ trợ cho yêu sách “chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông”. Tháng 6/2016, hơn 10.000 khách du lịch Trung Quốc tham gia các chương trình lịch này, chủ yếu là du lịch ở Hoàng Sa. Những tuyến du lịch như vậy trở nên phố biến đối với công chúng,

Đối với các công ty dầu khí quốc gia ở Biển Đông:

Từ lâu, công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC mong muốn mở rộng hoạt động thương mại ở Biển Đông nhằm tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng lớn ở khu vực. Năm 1992, công ty Crestone của Mỹ ký hợp đồng với CNOOC phát triển lô Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21), gần quần đảo Trường Sa. Nhưng do căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc, dự án đã bị hoãn. Năm 2005, Bắc Kinh chỉ đạo CNOOC hợp tác với 2 công ty nhà nước của Philippines và Việt Nam là Công ty Dầu khí quốc gia Philippines và PetroVietnam thực hiện khảo sát địa chấn chung ở các vùng biển tranh chấp gần Trường Sa. Tuy nhiên, năm 2008, Dự án Khảo sát Địa chấn Biển Chung Trung Quốc – Philippines – Việt Nam (JMSU) hết hiệu lực do thiếu lòng tin, quan ngại về mặt chiến lược và những cáo buộc tham nhũng ở Philippines.

Do căng thẳng triền miên và nhạy cảm chính trị ở Biển Đông, CNOOC bất đắc dĩ triển khai hoạt động thương mại ở các vùng biển tranh chấp mà không được nhà nước hỗ trợ bởi một số nguyên do. Thứ nhất, thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông nếu không có hỗ trợ về chính trị sẽ ảnh hưởng lợi ích kinh doanh của CNOOC. Tập đoàn được niêm yết công khai từ năm 2001 nên CNOOC phải đáp ứng kỳ vọng và bảo vệ lợi ích cho các cổ đông. Thứ hai, CNOOC thiếu khả năng về công nghệ khi hoạt động ở các vùng biển sâu ở Biển Đông. Theo truyền thống, CNOOC chỉ thực hiện hoạt động khoan dầu ven biển. Để đa dạng hóa danh mục kinh doanh, CNOOC đã mở rộng hoạt động trên bờ và hạ nguồn, thực hiện các dự án rủi ro cao ở Biển Đông vốn không phải là ưu tiên của CNOOC. Thứ ba, CNOOC thận trọng khi đặt chân hoạt động kinh doanh ở Biển Đông bởi trữ lượng năng lượng tại khu vực chưa thực sự rõ ràng.

Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đã đặt nghi vấn về logic kinh doanh của CNOOC. Các học giả Trung Quốc chỉ trích CNOOC vì không phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Đông, trong khi Việt Nam và các quốc gia khác đều thu lợi từ hoạt động khai thác nguồn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông. Đối mặt với áp lực ngày một tăng từ công chúng, năm 2008, CNOOC tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 32 tỉ USD phát triển tài nguyên năng lượng ở Biển Đông.

Dù CNOOC phải đối mặt với áp lực trong nước khi bắt đầu hoạt động ở Biển Đông, lý do kinh tế là lời giải thích hợp lý hơn về việc tại sao công ty này lại bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến khu vực này, cụ thể. (1) Tăng trưởng nhanh về kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ qua thúc đẩy nhu cầu nguồn tài nguyên dầu, khí vốn đang phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Nhu cầu lớn về nguồn tài nguyên đã thúc đẩy các công ty dầu khí quốc gia liên doanh với bên ngoài hoặc khai thác các khu vực đang được phát triển ở Trung Quốc. Năm 2009, nhập khẩu dầu khí Trung Quốc đáp ứng 51,3% nhu cầu trong nước. Đây là lần đầu tiên lượng nhập khẩu dầu Trung Quốc chiếm hơn 50% lượng dầu tiêu thụ. Dầu thô nhập khẩu Trung Quốc chủ yếu từ Trung Đông và Đông Phi và phải đi qua eo biển hẹp Malacca nằm giữa Indonesia và Malaysia. Nhiều nhà phân tích an ninh Trung Quốc coi eo biển này là tuyến đường dễ bị tổn thương về mặt chiến lược, đặc biệt trong trường hợp xảy ra xung đột Trung – Mỹ. Với gần 3/4 lượng dầu nhập khẩu Trung Quốc đi qua eo biển này, cái gọi là “Thế Lưỡng nan Malacca” ngay từ đầu đã ảnh hưởng đến toan tính an ninh năng lượng của Trung Quốc. (2) Khi hoạt động kinh doanh chủ yếu ở các khu vực xa bờ, CNOOC sẽ phải đối diện với cạnh tranh từ 2 công ty dầu khí quốc gia khác là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Công ty Hóa dầu Trung Quốc (công ty mẹ của Sinopec). Đúng như tên gọi, hoạt động của CNOOC tập trung ở các mỏ dầu xa bờ như Liêu Đông, Bột Hải và Bắc Hải. Ban đầu CNOOC còn lưỡng lự mở rộng hoạt động ở Biển Đông, công ty này chỉ thay đổi quan điểm khi năm 2004, CNPC được chính phủ chấp thuận khai thác các lô ở Biển Đông và sau đó Sinopec cũng được chính phủ cấp phép khai thác tại khu vực này (trong cùng năm). Ngoài cạnh tranh trong nước, CNOOC còn phải đối diện với khó khăn ở Hoa Đông, khu vực Nhật Bản và Trung Quốc đều tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lo lắng về vấn đề cạnh tranh và hy vọng mở rộng thị trưởng, dưới danh nghĩa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, các giám đốc điều hành đã vận động hành lang để chính phủ hỗ trợ. Trong khi đó, CNOOC quyết định hợp tác với các đối tác khác phát triển công nghệ khoan nước sâu. Năm 2006, CNOOC đã cử cán bộ tới Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đóng tàu Ngoại Cao Kiều (Waigaoqiao) Thượng Hải, là công ty con của CSSC, để nghiên cứu khả năng phát triển giàn khoan nước sâu. Năm 2006, sau những cuộc thảo luận và tham vấn với CSSC, Bộ Đất đai và Tài nguyên, Học viện Khoa học Trung Quốc đầu tư gần 1 tỉ USD xây dựng giàn khoan HYSY-981. Phát triển dàn khoan HYSY-981 được các cơ quan chính phủ ủng hộ, như Ủy ban Cải cách Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự án sớm thu hút được chú ý của giới lãnh đạo cấp cao. Nguyên CEO CNOOC Fu Yucheng viết một bản báo cáo về HYSY-981 gửi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi ông đến thăm Thanh Đảo năm 2009. Năm 2010, CNOOC tuyên bố sẽ đầu tư 200 tỉ Tệ (30,75 tỉ USD) trong 20 năm tiếp theo để phát triển thêm mỏ dầu “Đại Khánh” ở Trung Quốc (Daqing, đây là mỏ dầu lớn nhất của Trung Quốc). Ngoài ra, đáp ứng đề nghị của CNOOC, chính quyền Hải Nam cam kết cung cấp tàu chấp pháp hỗ trợ công ty bảo vệ các dự án xa bờ.

Mọi nỗ lực tìm kiếm hỗ trợ của nhà nước đã được đền đáp. Năm 2011, Quốc vụ Viện ban hành Quyết định Điều chỉnh Quy định Khai thác Tài nguyên Dầu khí Xa bờ trong Hợp tác với Doanh nghiệp nước ngoài. Tháng 7/2012, Quốc vụ Viện ban hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 về Phát triển các ngành Công nghiệp mới Chiến lược Quốc gia, trong đó nhà nước hết sức coi trọng phát triển năng lực về công nghệ khai thác tài nguyên nước sâu đến năm 2015.

Đối với các Công ty Xây dựng cơ sở hạ tầng:

Từ 2013, Trung Quốc thực hiện chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và cải tạo đất trên quy mô rất lớn tại 7 thực thể chiếm đóng ở Trường Sa. Những thực thể nhân tạo này cho phép Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, do đó dấy lên mối quan ngại an ninh từ các quốc gia láng giềng và các quốc gia khác trong và ngoài khu vực. Trong quá trình xây dựng các đảo nhân tạo, CCCC đóng vai trò đầu tàu thực hiện chính sách này.

Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo CCCC thực hiện nhiệm vụ chiến lược này bởi một số lý do. Thứ nhất, CCCC có thế mạnh về công nghệ và năng lực thi công cũng như khả năng tiếp cận tốt hơn về nguồn vốn ngân hàng và chi phí tài chính thấp so với đối thủ cạnh tranh. Thứ hai, công ty có uy tính lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng biển như xây dựng kênh biển sâu và các dự án khai hoang, cải tạo. Thứ ba, thông qua mua bán và sáp nhập, CCCC có thể củng cố hoạt động kinh doanh, hưởng lợi lớn thị trường cơ sở hạ tầng nhờ giảm chi phí chuỗi cung và tiếp nhận năng lực công nghệ từ các CSOE khác. Thứ tư, để thúc đẩy cạnh tranh trong khai thác tài nguyên biển, CCCC khéo léo tăng cường quan hệ hợp tác với các công ty khác và chính quyền địa phương. Một trong đó là công ty Cá voi Xanh (Tian Jing). Đây là một công ty nạo vét thuộc sở hữu CCCC, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa. Tàu nạo vét của Cá Voi Xanh do một công ty con của Tập đoạn Thương mại Trung Quốc (một CSEO khác) có tên Công nghiệp Thương mại Trung Quốc (Shenzheng) đóng. Năm 2017, CCCC cùng với những CSEO khác như CSSC triển khai đóng tàu Thiên Côn (Tiankun). Đây là tàu nạo vết lớn nhất, hiện đại nhất châu Á. Do hạn chế về dữ liệu chính thức, rất khó xác nhận lợi nhuận tài chính mà CCCC và các công ty khác thu được từ hoạt động xây dựng đảo nhân tạo. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Tài chính Quốc tế (phụ bản tờ Nhân dân Nhật báo), chi phí ước tính hoạt động cải tạo và xây dựng trang thiết bị chỉ riêng trên Đá Chữ Thập đã là 73,6 tỉ Tệ (11,4 tỉ USD).

Ở một số khía cạnh, CCCC đã thu được lợi ích từ hoạt động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đầu tiên, CCCC có thể lợi dụng khát vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia biển hùng mạnh. Để thể hiện quyết tâm trở thành chủ thể quan trọng trong quá trình phát triển biển của Trung Quốc, năm 2015, CCCC sáp nhập ba doanh nghiệp nạo vét quan trọng thành một công ty có tên Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nạo vét CCCC, theo đó, hoạt động sáp nhập này thực sự tăng cường được năng lực nạo vét và đóng góp cho lợi ích an ninh biển của Trung Quốc. Thứ hai, CCCC nhấn mạnh cam kết thực hiện chiến lược phát triển biển ở Biển Đông của Trung Quốc và chính sách quốc gia về thúc đẩy hợp tác dân sự – quân sự thông qua phát triển Thành phố Tam Sa. Để hoàn thành mục tiêu này, CCCC hợp tác với chính quyền tỉnh Hải Nam. Theo Giám đốc Hội đồng Quản trị CCCC, ông Liu Qitao, Hải Nam đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược trong việc tăng cường hợp tác dân sự – quân sự. Do đó, CCCC sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình phát triển kinh tế Hải Nam và đóng vai trò chính phát triển tài nguyên ở Biển Đông. Ông tiếp tục khẳng định, CCCC sẽ “khắc cốt ghi tâm” về trách nhiệm phải có thành công theo đúng như kỳ vọng của nhà nước và xã hội. Về mặt lịch sử, CCCC thu vén được lợi ích từ mở rộng kinh doanh ở Hải Nam, phát triển từ một nhà thầu đơn thuần thành một tập đoàn đa ngành trong nhiều lĩnh vực: bất động sản, cơ sở hạ tầng, phát triển tài nguyên và nhiều lĩnh vực khác. Ở mặt ngược lại, chính quyền Hải Nam cũng tỏ rõ sự ủng hộ đối với CCCC, cam kết cung cấp “nguồn lực tốt nhất, môi trường kinh doanh và môi trường sống tốt nhất” cho công ty mà chính quyền xem là một nhà đầu tư quan trọng. Thứ ba, ngoài hoạt động cải tạo đất ở Trường Sa, CCCC còn chủ động phát triển các hoạt động kinh doanh khác. Được lập năm 2016, mục tiêu của Quỹ Đầu tư Đại dương CCCC là thúc đẩy phát triển 4 lĩnh vực kinh doanh chủ chốt: du lịch tàu biển; bất động sản, khai thác tài nguyên và các hoạt động liên quan ở Biển Đông; xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với nhà đầu tư CCCC, Quỹ Đầu tư Đại dương CCCC đánh giá việc khai thác tài nguyên và hoạt động kinh doanh ở Biển Đông, quyết định hợp tác hơn nữa với chính quyền Thành phố Tam Sa. Chẳng hạn, Vào tháng 12/2012, CCCC và Tam Sa ký Thỏa thuận Khung về Hợp tác Chiến lược để thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng và Phát triển (Tam Sa) CCCC và năm 2016, thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Du lịch Biển Giấc mơ Tam Sa Nam Hải. Theo Chủ tịch Thành phố Tam Sa, Xiao Jie, phát triển các dự án xây dựng quan trọng trên Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa và cầu cảng cố định neo đậu cho tàu đánh cá ở Tam Sa đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế biển dọc Con đường Tơ lụa trên Biển.

Theo CCCC, mục tiêu thành lập Công ty Xây dựng và Phát triển (Tam Sa) CCCC là những lợi ích dài hạn của công ty trong tương lai. Điều đó có thể giúp thúc đẩy lợi ích kinh doanh khác nhau của CCCC như xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng biển xa, đánh bắt, phát triển du lịch biển xa và dịch vụ hậu cần cho các hoạt động trên các đảo và đá. CCCC lên mục tiêu đầu tư trên 100 tỉ Tệ (15,4 tỉ USD) trong 5 năm kế tiếp để mở rộng hoạt động kinh doanh cho các hoạt động này. Kế hoạch đầu tư tham vọng của CCCC xuất phát từ một thực tế là công ty đã âm thầm thu đươc lợi ích từ hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông thông qua thực thi nhiệm vụ quốc gia và lịch sử hợp tác lâu dài với Hải Nam, hợp tác kỹ thuật với các công ty khác và hoạt động kinh doanh đa dạng của mình ở Biển Đông trong quá khứ.

Nhìn chung, từ 2012, các chủ thể doanh nghiệp của Trung Quốc đóng vai trò ngày một quan trọng trong thực hiện chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Song, các chủ thể này không hoàn toàn đóng vai trò chính sách độc lập cũng như không mang tính quyết định trong việc định hình chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Với mục tiêu chính trị bao trùm là củng cố yêu sách lãnh thổ và quyền tài phán trên biển, Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp quốc doanh ở Biển Đông. Khi lợi ích kinh doanh còn song trùng với lợi ích quốc gia nhà nước, các doanh nghiệp quốc doanh sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó chúng ta có thể còn được chứng kiến các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò nổi bật trong tranh chấp Biển Đông ở tương lai. Khi lợi ích thương mại và sự hiện diện về mặt kinh tế của Trung Quốc trong lĩnh vực biển phát triển, có lẽ Bắc Kinh sẽ có động cơ thúc đẩy để sử dụng các công cụ chính trị, chấp pháp và quân sự với một tâm thế quyết đoán hơn để bảo vệ lợi ích biển và kinh tế đang phát triển của mình, do đó càng làm phức tạp thêm tranh chấp Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới