Trong các cuộc tiếp xúc gần đây về tình hình biển Đông, Trung Quốc thúc đẩy các cuộc gặp với Malaysia và Philippines…
Trong các cuộc tiếp xúc gần đây về tình hình biển Đông, Trung Quốc thúc đẩy các cuộc gặp với Malaysia và Philippines theo thể thức song phương. Điều này đã cho thấy ý đồ chia rẽ các nước ASEAN để đạt được tham vọng của Bắc Kinh trên biển Đông.
Chia rẽ và chinh phục ASEAN
Trung Quốc đang cố gắng tiếp cận theo mô thức 1-1 với Malaysia để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Đây là thông điệp trong bài viết mới nhất của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Một nguồn tin thông thạo về các mối quan hệ Trung Quốc – Malaysia cho biết, Bắc Kinh đã đề nghị thiết lập cơ chế tham vấn song phương để thảo luận về các tranh chấp với Malaysia, nước có nhiều tiếng nói trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông kể từ khi Thủ tướng Mahathir Mohamad lên nắm quyền vào năm ngoái.
Động thái này được đưa ra sau khi Bắc Kinh đang tham gia đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và dự kiến sẽ hoàn thành bản dự thảo hiệp ước đầu tiên vào cuối năm nay dù quan điểm của hai bên vẫn còn khoảng cách rất xa.
Để giảm bớt những bất lợi khi phải đương đầu với toàn khối ASEAN, Bắc Kinh tiếp cận 1-1 với một vài quốc gia, thay vì đối thoại với toàn bộ khối ASEAN. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết, nước này sẽ thảo luận về vùng biển tranh chấp trên cơ sở nhóm bất chấp việc Trung Quốc “yêu cầu hầu hết các nước ASEAN đàm phán song phương”.
Trước đó, Trung Quốc đã thiết lập cơ chế đàm phán cấp thứ trưởng với đối tác Philippines, trong đó cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức hai nước được tổ chức năm 2017.
Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực PCA của Liên hợp quốc đã tuyên bố Philippines giành chiến thắng pháp lý trước Trung Quốc đối với các yêu sách của Bắc Kinh về “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn). Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc để đổi lấy viện trợ và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước Đông Nam Á.
Cần tìm kiếm lợi ích chung
Nguồn tin cho hay, Malaysia đã miễn cưỡng đồng ý với cơ chế tương tự như Manila, trong bối cảnh Bắc Kinh đang dùng chiến thuật “chia rẽ và chinh phục” trong việc đối phó với các nước láng giềng nhỏ hơn. “Trung Quốc luôn thúc đẩy trao đổi riêng với từng quốc gia. Từ đó, khi các quốc gia không cùng nhau thảo luận nữa, họ sẽ chỉ xác nhận những gì Bắc Kinh đưa lên bàn đàm phán”, nguồn tin am hiểu về mối quan hệ Bắc Kinh – Kuala Lumpur cho biết.
Dù các tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới nhưng vấn đề chính ở biển Đông là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đã không được tôn trọng và vi phạm nghiêm trọng. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý đối với các đảo nhân tạo được bồi lấp bất hợp pháp quanh khu vực Quần đảo Trường Sa và Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cũng mới đưa ra một đánh giá tương tự vào tuần trước nói rằng, Kuala Lumpur đang tìm cách giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo phương thức đa phương thay vì chỉ đàm phán với Bắc Kinh. “Malaysia đang đi theo cách thức các nước trung tâm châu Á đối phó với Trung Quốc về vấn đề biển Đông”, ông Abdullah nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh BFM 89.9 và nhấn mạnh: “Malaysia luôn kiên định. Chúng tôi luôn nói với Bắc Kinh về việc sẽ thảo luận về biển Đông trên cơ sở nhóm”.
Bình luận về vấn đề này, ông Zhang Mingliang, Phó giáo sư chuyên nghiên cứu về biển Đông tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, mối căng thẳng đang leo thang với Mỹ đã gây áp lực buộc chính quyền Bắc Kinh phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng nhỏ hơn, đồng thời ngăn chặn các làn sóng chỉ trích từ các vấn đề biển Đông.
“Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir, Malaysia hiểu rất rõ tình hình cũng như biết rõ rằng giờ đây họ có nhiều đòn bẩy hơn đối với Trung Quốc và việc thảo luận song phương sẽ khiến Bắc Kinh gặp bất lợi”, ông Zhang nhận định.
Trên tất cả, các nước Đông Nam Á đều đồng tình cho rằng, cách tiếp cận khu vực (chẳng hạn như thông qua ASEAN) đã theo đuổi bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để ngăn ngừa sự cố và xây dựng niềm tin giữa các bên về vấn đề biển Đông. Nếu bộ quy tắc này được thông qua, đây sẽ là khuôn khổ quy phạm chuẩn mực cho cách ứng xử giữa các quốc gia trên vùng biển này.