Hôm 9/5, nhà máy đóng tàu Huangpu Wenchong ở Quảng Châu của Trung Quốc đã hạ thủy chiếc tàu hộ vệ Type 056 thứ 60 của nước này. Với số lượng tàu đóng mới như hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia có tốc độ đóng tàu chiến nhanh nhất thế giới.
Tàu hộ vệ Type 056 vừa được TQ hạ thuỷ. Nguồn: Sina
Quốc gia đóng tàu chiến nhanh nhất hành tinh
Với sự kiện hạ thủy chiếc Type 056 thứ 60 hôm 9/5/2019, Trung Quốc tiếp tục củng cố ngôi vị quốc gia đóng tàu chiến nhanh nhất hành tinh. Có thể nói, tới thời điểm này không ai có thể nghi ngờ việc Trung Quốc là quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu quân sự nhanh nhất hành tinh. Họ vượt xa những quốc gia có nền công ngiệp quân sự tiên tiến như Nga, trong khi với Mỹ từ lâu nước này không còn đóng tàu chiến nhỏ nên hơi khó so sánh.
Chiếc Type 056 đầu tiên đi vào phục vụ tháng 2/2013 và kể từ đó thế giới đi hết sự ngạc nhiên này tới sự ngỡ ngàng khác về tốc độ hạ thủy, trang bị lớp tàu này. Hầu như mỗi năm nước này biên chế tới gần 10 chiếc loại này, nhanh và nhiều tới mức các mạng thống kê quân sự Trung Quốc từ bỏ việc theo dõi tốc độ biên chế con tàu chỉ sau hơn một năm xuất hiện. Ước tính, theo các nguồn tin không chính thức, Hải quân Trung Quốc đã nhận 49 chiếc Type 056, số còn lại 11 chiếc gồm cả chiếc vừa hạ thủy đang hoàn tất việc thử nghiệm. Các nhà máy đóng tàu đã tham gia vào quá trình sản xuất Type 056 gồm: Huangpu Wenchong (Quảng Châu); Hudong-zhonghua (Thượng Hải); Liaonan (Đại Liên) và Wuchung (Vũ Hán).
Giới nghiên cứu quân sự cho rằng tàu hộ vệ tên lửa Type 056 được Trung Quốc phát triển nhằm thay thế cho lớp tàu hộ vệ Type 053H Giang Hồ trong các nhiệm vụ tuần tra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, chống ngầm, chống hạm, bảo vệ ngư trường. Lớp tàu có lượng giãn nước vừa phải 1.500 tấn, dài 90m, rộng 11,14 m, mớn nước 4 m. Được trang bị hai động cơ diesel cho tốc độ tối đa 25 hải lý/h.
Tàu được thiết kế với công nghệ mới gồm việc ứng dụng vật liệu chống phản xạ sóng radar và kết cấu góc cạnh nhằm tăng khả năng tàng hình trên mặt biển. Tuy kích cỡ nhỏ nhưng người ta vẫn có thể nhét tạm một sân đỗ máy bay ở đuôi tàu, nhưng không có hangar. oàn bộ hệ thống radar và vũ khí trên tàu đều do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở học hỏi, cải tiến các công nghệ của Mỹ và phương Tây. Con tàu được trang bị 4 tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 có tầm bắn 180km. Hỏa lực phòng không chủ lực gồm một bệ phóng FL-3000 N với 8 đạn và hai bệ pháo tự động 30 mm.
Mục đích của TQ khi đóng hàng loạt tàu chiến
Thứ nhất, phục vụ việc theo đuổi trở thành cường quốc biển như giới Lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra, theo đó lực lượng hải quân nước này sẽ được hiện đại hoá nhanh chóng bắt kịp hoặc vượt trình độ phát triển của các nước như Mỹ, Nga. Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ trang bị cho hải quân những loại tàu chiến tối tân, bao gồm nhiều loại hình như tàu sân bay, tàu đổ bộ, tàu tuần tra, tàu hộ vệ tân công, tàu không người lái, tàu ngầm hạt nhân.
Thứ hai, nhằm tăng cường lực lượng đồn trú tại Biển Đông, xung quanh các đảo nhân tạo mà nước này mới bồi đắp hoặc những vùng biển tranh chấp với các nước. Việc biên chế và đồn trú nhiều tàu chiến mới, hiện đại cho phép Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, chiếm ưu thế để bảo vệ các vùng biển này.
Thứ ba, nhằm đối phó với việc các nước như Mỹ, Nhật Bản và đồng minh tăng cường tuần tra hàng hải, diễn tập quân sự ở Biển Đông, thách thức cácyêu sách chủ quyền và hiện diện của Trung Quốc. Thực tế, nhờ được tranh bị các loại tàu chiến hiện đại, thời gian qua hải quân Trung Quốc thường xuyên bám đuổi, ngăn cản tàu thuyền các nước xuất hiện ở khu vực mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
Thứ năm, việc đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo các tàu chiến giúp Trung Quốc tự chủ trong nâng cao năng lực quốc phòng, không phải nhập khẩu và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước, chủ yếu là Nga. Đây là một trong những mục tiêu hiện đại hoá quốc phòng hiện nay của Trung Quốc theo tinh thần Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.