Cả Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm ra cách tạo dựng lòng tin lớn hơn nữa, để toàn cầu hóa có thể tiếp tục và thế giới cùng phát triển trong kỷ nguyên mới này.
Báo New York Times mới đây đăng bài viết của nhà bình luận Thomas L. Friedman, trong đó cho rằng nhận thức bản năng của ông Trump là Mỹ phải cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc trước khi cường quốc châu Á trở nên quá mạnh để có thể thỏa hiệp là chuẩn xác. Bài viết cũng khẳng định cần có một người hành động quyết liệt như ông Trump thì mới buộc Trung Quốc phải chú ý, và giờ là lúc hai bên phải nhận thấy thời điểm hiện tại quan trọng đến mức nào.
Theo tác giả Friedman, sự mở cửa giữa Mỹ và Trung Quốc hồi những năm 1970 đã định hình các mối quan hệ thương mại khá hạn chế khi đó. Việc Washington để cho Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc thương mại trong khuôn khổ những quy định vẫn dành cho Trung Quốc những ưu đãi của một đất nước đang phát triển. Đàm phán mới sẽ định hình cách thức Mỹ – Trung quan hệ với nhau như hai nền kinh tế ngang cơ, cạnh tranh vì cùng các ngành của thế kỷ 21, ở một thời điểm mà hai thị trường đã đan xen nhau hoàn toàn.
Vì vậy, đây không phải là tranh chấp thương mại thông thường. Đây là một cuộc chiến lớn.
Để thương chiến có kết thúc tốt đẹp, Tổng thống Trump sẽ phải dừng các đòn châm chọc Trung Quốc trên Twitter (và không rao giảng chiến tranh thương mại là dễ dàng thắng nữa). Ông cần âm thầm thiết lập một thỏa thuận cân bằng tốt nhất có thể và tiếp tục mà không dấn vào cuộc chiến thuế quan lâu dài.
Còn Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải thừa nhận Trung Quốc không thể tiếp tục hưởng các ưu đãi thương mại như trong hơn 40 năm qua. Ông cũng cần kiềm chế các thông điệp kiểu “không ai được phép bảo Trung Quốc phải làm gì” và tìm kiếm một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Bởi Bắc Kinh không thể gánh nổi hậu quả nếu Mỹ và các nước khác chuyển hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Kể từ những năm 1970, mối quan hệ thương mại Trung – Mỹ khá nhất quán: Người Mỹ mua đồ chơi, áo phông, giày tennis, máy móc, pin mặt trời của Trung Quốc, còn Trung Quốc mua đậu tương, thịt bò và máy bay Boeing của Mỹ.
Khi cán cân thương mại trở nên quá lệch – do Trung Quốc tăng trưởng không chỉ nhờ chăm chỉ lao động, xây dựng các cơ sở hạ tầng thông minh và đào tạo người dân, mà còn bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, trợ giá cho các công ty nội địa, duy trì các mức thuế cao, phớt lờ các quy định của WTO và đánh cắp sở hữu trí tuệ, thì Bắc Kinh đã thuyết phục Mỹ bằng cách mua thêm nhiều máy bay Boeing, thịt bò và đậu tương. Trung Quốc thậm chí vẫn nhận mình là một nước đang phát triển nên cần được bảo hộ thêm, dù nước này đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới từ lâu.
Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại Trung – Mỹ tác động đủ lâu với các công ty Mỹ để cường quốc số 1 tạo thuận lợi cho Trung Quốc vươn lên như một siêu cường lớn tiếp theo của thế giới. Và kết hợp lại, hai nước đã giúp cho toàn cầu hóa lan tỏa và thế giới trở nên thịnh vượng hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: NY Times) |
Sau đó là một số thay đổi quá lớn để bỏ qua.
Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố kế hoạch hiện đại hóa “Made in China 2025”, cam kết những khoản trợ cấp lớn để giúp các công ty cả nhà nước lẫn tư nhân Trung Quốc đi đầu thế giới trong lĩnh vực siêu điện toán, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới, in 3-D, phần mềm nhận diện khuôn mặt, robot, xe điện, mạng 5G và vi mạch hiện đại.
Đây là sự chuyển động tự nhiên khi Trung Quốc muốn ra khỏi danh sách các nước thu nhập trung bình, và giảm bớt phụ thuộc vào phương Tây về công nghệ cao. Nhưng tất cả các ngành mới kể trên đều cạnh tranh trực tiếp với các công ty tốt nhất của Mỹ.
Kết quả là mọi thủ thuật của Trung Quốc như trợ cấp, bảo hộ, qua mặt các quy định thương mại, bắt buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ từ thập niên 1970 đã trở thành một mối đe dọa lớn. Và Mỹ và châu Âu sẽ là “những kẻ điên” nếu cứ để Trung Quốc tiếp tục đi theo đúng công thức mà họ sử dụng để thoát nghèo và cạnh tranh ở tất cả các ngành nghề tương lai.
Ông Trump đã đúng về điều đó.
Nhưng ông sai ở chỗ, thương mại không giống chiến tranh. Nó có thể là một tiền đề đôi bên cùng thắng. Alibaba, UnionPay, Baidu, Tencent, Google, Amazon, Facebook và Visa đều có thể chiến thắng cùng lúc, và thực tế đúng như vậy.
Vấn đề là Mỹ cần để Trung Quốc thắng hoặc thua một cách công bằng. Công ty nào giỏi hơn thì thắng còn nếu không phải chấp nhận thua một cách ngay thẳng, tránh tình trạng thắng vì sử dụng chiêu trò.
Ảnh: Nikkei |
James McGregor, một trong những nhà tư vấn kinh doanh am hiểu và sống lâu năm ở Trung Quốc, chỉ ra rằng trong một thập niên qua, rõ ràng Bắc Kinh thay vì “cải cách và mở cửa thì họ lại cải cách và đóng cửa”. Và thay vì giàu hơn và trở thành chủ thể có trách nhiệm hơn trong thế giới toàn cầu hóa thì một Trung Quốc đang trở nên giàu có lại quân sự hóa các đảo ở Biển Đông nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Họ sử dụng các công cụ công nghệ cao như nhận diện khuôn mặt để kiểm soát tốt hơn.
Nhà bình luận Friedman nhấn mạnh, tất cả những điều đó giờ đây là không thể bỏ qua trong các cuộc đàm phán thương mại. Cả Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm ra cách tạo dựng lòng tin lớn hơn nữa, để toàn cầu hóa có thể tiếp tục và thế giới cùng phát triển trong kỷ nguyên mới này. Nếu không, toàn cầu hóa sẽ đổ vỡ và tất cả cùng nghèo đi.