Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiDoanh nghiệp chịu cảnh 3 chìm 7 nổi, Trung Quốc có dám...

Doanh nghiệp chịu cảnh 3 chìm 7 nổi, Trung Quốc có dám hô phong hoán vũ với chiêu độc?

Đặng Tiểu Bình từng tự hào rằng, Trung Đông có dầu mỏ thì Trung Quốc có đất hiếm nhưng hiện nay chính doanh nghiệp của Bắc Kinh cũng gặp khó khăn vì “đặc sản” này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Lợi thế của Trung Quốc

Vào tuần trước, Trưởng đoàn đàm phán thương mại kiêm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm quy mô lớn ở Giang Tây. Đất hiếm là nguyên liệu rất cần thiết cho sản xuất toàn cầu và Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong ngành công nghiệp này.

Theo The New York Times (NYT – Mỹ), việc Tổng thống Donald Trump tăng thuế, “tấn công” vào các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc rất có thể dẫn đến việc Bắc Kinh dùng vị thế lãnh đạo trên thị trường đất hiếm để phản công.

“9 năm trước, Trung Quốc đã thực hiện chính sách tương tự do mâu thuẫn về lãnh thổ với Nhật Bản, dẫn đến giá đất hiếm nhảy vọt khiến các nhà sản xuất trên thế giới bị sốc, đồng thời lộ ra khả năng kiểm soát một bộ phận quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc”, NYT viết.

Tuy nhiên theo báo Mỹ, nếu giờ đây Bắc Kinh thắt chặt sản xuất xuất khẩu đất hiếm, động thái này sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của Trung Quốc với tư cách là một trung tâm sản xuất toàn cầu. Các đối tác thương mại khác có thể thiệt hại liên đới, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời, việc này cũng sẽ khiến nhu cầu của chính Trung Quốc phụ thuộc vào mỏ khoáng sản của Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn áp lực từ Mỹ nhưng “chính sách hạn chế đất hiếm sẽ tác động đến nhiều quốc gia khác”, chuyên gia kinh tế Thượng Hải – ông Lưu Thắng Quân cho biết. “Chuỗi cung ứng toàn cầu quá phức tạp.”

Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có sử dụng “vũ khí” đất hiếm hay không. Trong phiên họp thường ngày hôm 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đề nghị giới truyền thông không nên suy diễn quá nhiều về chuyến thăm nhà máy sản xuất đất hiếm mới đây của ông Tập. Vài giờ sau, ông Hồ Tích Tiến – Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, thuộc quản lý báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo cho biết, Bắc Kinh đang xem xét chính sách này.

“Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không thực hiện chính sách này ngay lập tức”, Hồ Tích Tiến viết trên Twitter. “Nhưng họ đang nghiêm túc đánh giá tính cần thiết của chính sách này.”

Doanh nghiệp Mỹ lao đao

Thực tế, đất hiếm không hề hiếm như tên gọi của nó, tuy nhiên việc khai thác đất hiếm rất tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.

Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia sẵn sàng tham gia vào ngành công nghiệp này. Mặc dù các mỏ đất hiếm khác đang được khai thác ở Mỹ, Australia và một số nước khác nhưng Trung Quốc vẫn đi đầu trong các hoạt động sản xuất như khai thác, tinh luyện thành khoáng sản quý, bột từ tính và các sản phẩm có giá trị cao khác.

Những nguyên liệu này xuất hiện trong sản phẩm từ iPhone đến tua-bin gió, tên lửa v.vv… Chúng được sử dụng để đánh bóng ống kính máy ảnh, chế biến dầu thô thành sản phẩm xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay phản lực.

Nhu cầu về các sản phẩm chứa đất hiếm ở Mỹ là rất lớn nhưng theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc năm 2018, Mỹ chỉ chiếm 3,8% xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, thấp hơn Nhật Bản, Ấn Độ, Itallia và Tây Ban Nha.

Nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp sản xuất đã rời khỏi Mỹ.

NYT cho biết: “Gần 10 năm trước, Bắc Kinh bắt đầu gây áp lực lên các nhà sản xuất nam châm động cơ và điốt phát quang. Nếu các doanh nghiệp này muốn có được nguồn cung đất hiếm thông qua các kênh đáng tin cậy, họ phải chuyển nhà máy sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp khác của Mỹ như sản xuất ô tô và sản xuất hàng không vũ trụ, hiện nhập khẩu các hệ thống hoàn chỉnh từ Trung Quốc như hệ thống khởi động ô tô và cánh tà máy bay”.

Tờ này cũng cho hay, chính quyền Bắc Kinh vẫn có thể ngăn chặn việc xuất khẩu động cơ, nam châm và các thiết bị khác do Trung Quốc sản xuất sang Mỹ. Giới chuyên gia trong ngành công nghiệp cho rằng, chuyến khảo sát của ông Tập chỉ là chuyến thăm tới nhà máy sản xuất nam châm chứ không phải mỏ quặng.

“Tín hiệu [Bắc Kinh đưa ra là] đây là một chuỗi cung ứng và chúng tôi đang kiểm soát chuỗi cung ứng này”, Clint Cox, Chủ tịch của Công tư tư vấn đất hiếm Anchor House (Mỹ) nói.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, vấn đề nan giải của Bắc Kinh hiện nay là liệu họ có sẵn sàng gián đoạn xuất khẩu các thành phần quan trọng sang phương Tây, từ đó đe dọa tới vị trí hạt nhân của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không.

Theo NYT, một số quan điểm trong chính quyền Mỹ cho biết, họ hy vọng Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách này bởi đây là cách tốt nhất để thuyết phục các công ty toàn cầu dừng hoạt động vĩnh viễn tại Trung Quốc và chuyển tới Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ.

Ngoài ra, lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có những hạn chế khác. Ví dụ, các nhà máy lọc dầu của Mỹ phụ thuộc vào Lanthanum (La)- nguyên tố rẻ nhất và dễ sản xuất nhất trong số 17 nguyên tố đất hiếm làm chất xúc tác để tinh chế dầu thô. Nhưng bên cạnh Trung Quốc, La đang được khai thác lượng lớn ở Mỹ và Australia.

Dudley Kingsnorth, Giáo sư về đất hiếm tại Đại học Tây Úc, cho biết công ty dầu mỏ Mỹ đã lưu trữ chất xúc tác để sử dụng trong vài tháng. Nếu cần thiết, Mỹ vẫn có thể nhập khẩu thêm xăng và dầu diesel từ các nhà máy lọc dầu ở nơi khác dù chi phí cao hơn.

Do là chuỗi cung ứng toàn cầu nên để thực sự ngăn chặn Mỹ nhập khẩu các sản phẩm đất hiếm đồng nghĩa việc phải cắt đứt nguồn cung ở hầu hết các nơi khác trên thế giới. Trong khi đó, các nhà máy tại Hàn Quốc và Thái Lan đang sản xuất một lượng lớn La. Ba công ty Nhật gồm Hitachi, TDK và Shin-Etsu – chuyên sản xuất nam châm từ đất hiếm – dù xây dựng các nhà máy nam châm lớn ở Trung Quốc nhưng họ vẫn giữ các nhà máy ở Nhật Bản phòng trường hợp cần thiết.

Ngoài ra trong sự đảo ngược kỳ lạ và ít được chú ý: Trung Quốc thực sự đã ỷ lại ít nhiều vào các mỏ đất hiếm của Mỹ. Vì ngành công nghiệp sản xuất đang rất lớn mạnh nên Trung Quốc hiện phải nhập khẩu bán thành phẩm đất hiếm từ mỏ quặng Mountain Pass ở sa mạc California.

Mỏ này từng bị đóng cửa vào năm 2015 nhưng chủ sở hữu mới hiện nay đã chuyển nguyên liệu tồn kho và các nguyên liệu mới tới Trung Quốc để gia công. Trong những tháng gần đây, sản lượng đất hiếm khai thác từ mỏ này chiếm khoảng 1/10 sản lượng khai thác đất hiếm toàn thế giới.

Một nhóm các nhà đầu tư của Quỹ JHL Capital Group (Chicago) đã mua lại mỏ này vào tháng 7/2017 và khai thác đất hiếm chỉ là một phần kế hoạch khôi phục sản xuất nhằm giúp Mỹ có thể tự cung tự cấp trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có khả năng kéo dài.

“Đây là sự khởi đầu của nhiều thập kỷ chuyển đổi trong nền kinh tế toàn cầu”, James H. Litinsky – người sáng lập JHL nói.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất đất hiếm do Trung Quốc đang hoàn toàn nắm giữ vị trí chủ đạo trong giai đoạn quan trọng của quá trình sản xuất – chuyển đổi oxit thành kim loại cũng như chi phí sản xuất thấp.

“Chúng tôi đang rất lạc hậu”, Clint Cox nói, “Chúng tôi chưa có gì tiến triển cả”.

Doanh nghiệp Trung Quốc cũng “3 chìm 7 nổi”

Trong những năm gần đây dù ngành công nghiệp đất hiếm Trung Quốc được đánh giá có bước phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty liên quan tới đất hiếm đều thu được lợi nhuận khổng lồ.

Mới đây, theo Hiệp hội đất hiếm Trung Quốc, từ năm 2014 đến 2016, sản lượng khai thác thực tế của các mỏ đất hiếm ở Trung Quốc đã giảm từ 13.88 triệu tấn xuống còn 12.85 triệu tấn.

Đồng thời, sản lượng đất hiếm Trung Quốc giảm mạnh từ 85% năm 2014 xuống còn 62% vào năm 2018. Điều này có nghĩa là một số công ty đất hiếm của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng “sống còn” nghiêm trọng, thậm chí phá sản.

Công ty đất hiếm Trung Quốc – doanh nghiệp sản xuất vật liệu chịu lửa và đất hiếm đầu tiên của Trung Quốc lên sàn chứng khoán ở ngoài đại lục phải đối mặt với khó khăn như vậy. Công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào ngày 15/10/1999 này đang chịu tác động mạnh mẽ từ leo thang thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo báo cáo Thời báo Hoa Hạ (Trung Quốc), ngày 21/5, giá cổ phiếu Công ty đất hiếm Trung Quốc đạt mức 0,77 HKD/cổ phiếu (1 HKD khoảng 0,1274 USD), tăng 108,11% – kỷ lục cao nhất trong ba năm qua. Tuy nhiên, ngày hôm sau, giá cổ phiếu đất hiếm lại lao dốc, xuống mức 0,56 HKD, giảm 27,27%. .

Theo dữ liệu công khai, thành tích của công ty đất hiếm Trung Quốc trong những năm qua giống như tàu lượn siêu tốc. Kể từ năm 2012, công ty này chưa dứt khỏi mác “thua lỗ”.

Ngoài ra, Thời báo Hoa Hạ từng đưa tin, vào ngày 15/5, cửa khẩu Đằng Xung – giáp biên giới Myanmar đã chính thức đóng cửa cùng quy định cấm nhập khẩu và xuất khẩu tất cả các mặt hàng liên quan đến đất hiếm.

Báo cáo tài chính Trung Quốc năm 2018 chỉ ra rằng, nguồn cung đất hiếm vẫn được kiểm soát bởi các doanh nghiệp nhà nước và hầu hết các nguyên tố trong đất hiếm đều được nhập khẩu từ Đông Nam Á.

Mặc dù công ty đất hiếm Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với các công ty khai thác đất hiếm ở Australia và Chile vào lần lượt vào các năm 2017 và 2019 nhưng họ vẫn phải chờ đợi hoạt động sản xuất từ phía đối tác.

Có thể nói rằng mặc dù Trung Quốc nắm quyền chủ đạo nhất định trong lĩnh vực đất hiếm nhưng không phải tất cả các công ty liên quan đến đất hiếm đều có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Các công ty cũng khó duy trì sự ổn định trong bối cảnh quan hệ thương mại Trung-Mỹ căng như dây đàn.

RELATED ARTICLES

Tin mới