Một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông của Trung Quốc chính là mạng lưới truyền thông, báo chí mà nước này đã liên tục đầu tư, phát triển trong những năm qua.
Tân hoa xã: Chủ thể chính trong mạng lưới truyền thông trái phép của TQ ở Biển Đông
Tân hoa xã (tiếng Anh là Xinhua News Agency hay gọi gọn là Xinhua), là hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc và là trung tâm thu thập thông tin lớn nhất, cơ quan ngôn luận lớn nhất của Trung Quốc.
Quá trình phát triển mạng lưới truyền thông tại các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông được đánh dấu bằng sự kiện ngày 25/8/2012, Trung Quốc loan báo đã chính thức thành lập văn phòng của Tân hoa xã, Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), nơi đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc đãng ngang nhiên tuyên bố lập ra trước đó không lâu. Những hình ảnh được báo chí Trung Quốc đăng tải là Nhóm quan chức đứng đầu cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng trưởng đại diện Tân hoa xã tại Phú Lâm, Hoàng Sa đã kéo biển khai trương văn phòng đại diện của hãng tin này. Động thái đánh dấu sự tăng cường hoạt động truyền thông về các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, núp danh cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Ngay sau khi dựng lên cái gọi là “văn phòng đại diện”, Tân hoa xã, chính quyền tỉnh Hải Nam đã cho xuất bản và giới chức ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã xuất bản “Nhật báo Tam Sa” và triển khai kênh truyền hình chuyên biệt “Vệ thị Nam Hải”.Phòng Văn hóa Thể thao tỉnh Hải Nam rêu rao rằng mục đích cho ra đời kênh truyền hình và tờ báo này nhằm quảng bá hình ảnh cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, làm công cụ tuyên truyền đường lối của Bắc Kinh.
Phổ cập mạng lưới sách báo, số hóa thư viện, ra các ấn phẩm về yêu sách chủ quyền Biển Đông
Nhà Xuất bản Nhân dân Trung Quốc xuất bản và lưu hành quyển sách giới thiệu về “thành phố Tam Sa” vào tháng 6/2013, trong đó tuyên truyền về “lịch sử thành phố, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vai trò của thành phố” này trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc phòng của Trung Quốc. Quyển sách cũng in kèm 5 bản đồ chi tiết minh họa Tam Sa và các quần đảo nằm dưới sự quản lý của “thành phố” này. Tháng 7/2017, Trung Quốc thông báo khai trương rạp chiếu phim hiện đại tại “thành phố Tam Sa” có tên gọi “Ân Long Tam Sa”, trong đó đã trình chiếu bộ phim “Sự bất tử của Giao Ngọc Lã” cho hơn 200 cư dân và binh sỹ ngay trong ngày đầu mở cửa. Rạp chiếu phim này chiếu ít nhất một lần mỗi ngày để dân cư đang sinh sống trên đảo “có thể thưởng thức cùng lúc với khán giả trên cả nước”.
Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng cho biết thêm Trung Quốc có kế hoạch chiếu phim miễn phí tại các đảo khác trong quần đảo này với các máy chiếu di động. Ngoài phim ảnh truyền hình, Trung Quốc cũng lồng ghép trình chiếu các nội dung về chính sách biển đảo và các yêu sách chủ quyền của mình. Sau đó một năm, vào tháng 7/2018, Trung Quốc tiếp tục cho khai trương “Thư viện số Trung Quốc chi nhánh Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong đó áp dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như Big Data, Cloud… để lưu trữ khoảng 200.000 bản tài liệu số hóa âm thanh và hình ảnh. Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa, thành lập văn phòng Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Hải Nam trên đảo Phú Lâm.
Mạng internet không dây (wifi) và di động 3G, 4G đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới truyền thông của TQ ở Biển Đông
Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt trái phép các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ tháng 10/2015. Theo báo chí Trung Quốc thì Ngư dân và nhân viên Trung Quốc đồn trú trên các đảo này có thể truy cập internet tốc độ cao. Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây và đảo Bắc và tiếp đó sẽ triển khai lắp đặt tại các đảo đá khác như đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa. Tháng 9/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành phủ sóng 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn.
Để phục vụ triển khai các loại hình truyền thông này, Trung Quốc đã vận hành trái phép mạng lưới điện thông minh cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm. Các bản tin của Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo ngang nhiên đưa tin rằng mạng lưới này sẽ cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các hòn đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Theo Tân hoa xã, mạng lưới điện phi pháp này sẽ giúp tăng khả năng cung cấp điện trên đảo thêm 8 lần, đồng thời có thể kết nối với mạng lưới điện chính trên đảo Hải Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu về quân sự và dân sự. Báo Trung Quốc thậm chí còn đưa tin mạng lưới điện trên đảo Phú Lâm có thể được phát triển thành trung tâm kiểm soát nhằm quản lý các mạng lưới điện khác trên các đảo lân cận để phục vụ việc triển khai các hạ tầng cơ sở, trong đó có mạng truyền thông của nước này ở Biển Đông.
Mục đích của mạng lưới truyền thông của TQ ở Biển Đông không có gì nằm ngoài việc phục vụ các yêu sách chủ quyền của nước này
Mặc dù Trung Quốc cho biết việc xây dựng hệ thống truyền thông của nước này ở Biển Đông là nhằm phục vụ người dân khôn chỉ của Trung Quốc mà cho cả khu vực, phục vụ phổ biến các thông tin như thời tiết, luật pháp, văn hóa, liên lạc… Song thực tế, giới quan sát chỉ ra rằng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là nhằm: i) Thứ nhất, tuyên truyền về các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Trung Quốc muốn giành thế chủ động, đi đầu,đóng vai trò là “thông tin nguồn” trong thông tin tuyên truyền về Biển Đông. ii) Thứ hai, làm căn cứ để củng cố các cơ sở về chủ quyền của Trung Quốc ở các đảo có và không có người ở. Đây sẽ là những căn cứ để Trung Quốc bao biện rằng nước này có chủ quyền với những thực thể chiếm đóng trái phép. iii) Thứ ba, tuyên truyền, vận động người dân trong nước ra định cư và tham gia vào quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền của nước này. Đây là một trong những thành quả mà chính phủ Trung Quốc ca ngợi đã đạt được trong những năm qua ở Biển Đông. iv) Thứ tư, che đậy cho những hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh nước có trách nhiệm ở khu vực. v) Cuối cùng, đây sẽ là công cụ để Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác, lôi keo các nước trong các sáng kiến do nước này dẫn dắt ở khu vực.