Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLo ngại Đài Loan bị cô lập, Mỹ kêu gọi các quốc...

Lo ngại Đài Loan bị cô lập, Mỹ kêu gọi các quốc đảo Thái Bình Dương không bỏ rơi Đài Loan

Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy (24/5) kêu gọi các đảo quốc Thái Bình Dương nên duy trì sự công nhận ngoại giao đối với Đài Loan.

Phát biểu với các phóng viên ở Canberra trong chuyến thăm 3 ngày tới Australia, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy cho biết, Mỹ khuyến khích các quốc gia có quan hệ với Đài Loan vẫn duy trì hiện trạng; đồng thời cho rằng Trung Quốc đang âm mưu thay đổi hiện trạng (Thái Bình Dương) và đây là một ví dụ điển hình trong đó Bắc Kinh đang cố gắng làm cô lập quan hệ ngoại giao của Đài Loan trong khu vực; nhấn mạnh rằng “các quốc gia có thể tự đưa ra lựa chọn độc lập cho các đối tác của mình trong quan hệ ngoại giao chứ không nên dựa vào ảnh hưởng từ nước ngoài”. Ông Murphy cho biết, Mỹ rất muốn giúp các quốc gia bảo vệ chủ quyền và độc lập để có những lựa chọn khả thi hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, nhu cầu cơ sở hạ tầng và xây dựng quốc gia; cho rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa ở khu vực Thái Bình Dương sẽ gây bất ổn giống như như đã làm ở các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông. Theo ông Patrick Murphy, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở bất cứ nơi đâu trong khu vực vốn không hành động dựa trên các chuẩn mực quốc tế là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Mỹ hiện có rất nhiều lợi ích quốc gia trong khu vực vốn được xây dựng dựa trên nền tảng của sự tự do thương mại, tự do hàng hải và tự do trên các vùng trời. Mỹ có những đối tác chủ chốt và việc Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự ở đó thật sự là rất đáng quan ngại.

Hiện này Đài Loan chỉ có quan hệ chính thức với chỉ 17 quốc gia, hầu hết tất cả các quốc gia nhỏ, kém phát triển ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương, như Belize và Nauru. Năm quốc gia khác đã chuyển sang quan hệ với Trung Quốc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016. Các quốc gia như Quần đảo Solomon, đang cân nhắc lợi ích của quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đáng chú ý, 6 đảo quốc Thái Bình Dương công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, chiếm 1/3 trong tổng số các đồng minh ngoại giao của hòn đảo tự trị này trên thế giới. Tuy nhiên, các nước này đang gặp sức ép ngày càng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc vươn lên đứng thứ hai thế giới, Bắc Kinh đã tích cực sử dụng sức mạnh tiền tệ để mua chuộc, lôi kéo và chi phối các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Từng bước buộc các nước này chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. Trong năm 2018, Cộng Hòa Dominicana, Burkina Faso chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc, cũng có nghĩa là đồng thời cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi thỏa thuận này “sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn lao cho sự phát triển của Cộng hòa Dominicana”. Trước đó, Costa Rica năm 2007, Gambia năm 2013, Sao Tomé năm 2016 và Panama năm 2017 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để quay sang với Trung Quốc.

Mới đây nhất, Thủ tướng Quần đảo Solomon – ông Manasseh Sogavare (1/5/2019) tiết lộ rằng, quốc đảo này đang xem xét về việc có nên chấm dứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Được biết, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Quần đảo Solomon nên ông Sogavare tin rằng, Quần đảo Solomon sẽ nhận được lợi ích lớn từ việc chuyển giao ngoại giao này. Để cứu vãn tình hình, Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho rằng, “quan hệ Đài Loan – Solomon đang phát triển ổn định, bao gồm kế hoạch tổ chức Đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023 và dự án xây dựng các nhà thi đấu do Đài Loan thi công. Các kế hoạch hợp tác về nông nghiệp, y tế, học bổng, năng lượng sạch đều đang tiến hành thuận lợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực tương tác với mọi tầng lớp ở Solomon, làm sâu sắc tình bạn, tình hữu nghị hai bên”.

Những năm gần đây, không thể cạnh tranh bằng tiền bạc với Trung Quốc có thể khiến Đài Loan mất mát đồng minh vào tay Bắc Kinh, làm giảm thiểu tiếng nói của Đài Loan tại Liên hiệp quốc và gây phương hại cho cuộc tranh đấu của Đài Loan để được quốc tế công nhận là một nước tách biệt với Trung Quốc. Chính phủ Đài Loan cũng đã tố cáo Trung Quốc mua chuộc các đồng minh của Đài Loan để thay đổi sự ủng hộ như một phương cách làm áp lực đối với Tổng thống Thái Anh Văn. Được biết, Đài Loan thường viện trợ cho các đồng minh căn cứ trên việc đánh giá mỗi nước cần những gì để phát triển kinh tế và xã hội. Đài Loan có thể ấn định một thời hạn từ 2 đến 3 năm để tiến hành viện trợ, và thông thường viện trợ của Đài Loan nhằm vào các lãnh vực như học bổng, công nghệ nông nghiệp và các chương trình y tế. Trong khi đó, khác với Đài Loan, Trung Quốc không ngại chi tiền viện trợ cho các nước nghèo nằm trong tầm ngắm của mình nhằm từng bước buộc họ phải lệ thuộc vài Bắc Kinh.

Theo nhận định của Le Monde, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương đang trở thành nguồn cơn lo ngại cho nhiều nước trong vùng. Đó là những nước không có phương tiện để chạy đua, buộc phải tính toán quan hệ với Bắc Kinh. Trong khi đó, số liệu của viện nghiên cứu Australia, Lowy từ 2006 đến 2016, Trung Quốc đã tung 1,78 tỷ đô la viện trợ trong khu vực Thái Bình Dương. Những hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh đã và đang được lãnh đạo một số nước không muốn phục tùng các quy tắc phương Tây đánh giá rất cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới