Nguy cơ đối mặt với một “cơn sóng thần” khiến các công ty nhỏ và các gia đình bình thường ở Mỹ lao đao.
Vào mỗi dịp hè, các thương nhân pháo hoa Mỹ sẽ bước vào thời kỳ bận rộn nhất trong năm, tuy nhiên gần đây họ dường như lo lắng nhiều hơn.
Hiện tượng này của ngành công nghiệp pháo hoa Mỹ bắt đầu từ tháng 7/2018 khi Washington khởi động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh bằng cách áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Đáng chú ý, trong danh sách 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có thể bị đánh thuế tiếp, pháo hoa cũng được gọi tên.
Tuần trước, Hiệp hội pháo hoa Mỹ đã gửi thư lên Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, yêu cầu mở phiên điều trần công khai vào ngày 17/6, nhằm xác nhận có nên loại bỏ rủi ro cho ngành này trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ hay không.
Theo chuyên gia Trung Quốc Trương Thiệu Trung, hiện nay việc cung cấp pháo hoa trong lễ kỷ niệm quốc khánh Mỹ 4/7 tạm thời chưa bị ảnh hưởng nhưng nỗi lo tăng giá pháo hoa của các doanh nhân Mỹ đang căng như dây đàn và nếu pháo hoa bị áp thuế 25% thì sang lễ quốc khánh năm sau, đây sẽ là mặt hàng hiếm của Mỹ.
Ngành công nghiệp pháo hoa của Mỹ hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Gần 95% trong số 113 triệu kg pháo hoa được nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngành công nghiệp pháo hoa ở Mỹ về cơ bản được duy trì bởi một số công ty nhỏ bởi vào những năm 1970 và 1980, các vụ hỏa hoạn do pháo hoa gây ra tăng cao nên ngành công nghiệp này bị siết chặt quản lý ở Mỹ.
Điều đó buộc Mỹ thay đổi chính sách từ tự cung tự cấp sang nhập khẩu pháo hoa. Từ năm 2000, 15 bang ở Mỹ đã nới lỏng luật pháo hoa dẫn đến hệ thống quản lý cũng được buông lỏng, điều này tạo điều kiện pháo hoa Trung Quốc với giá thành rẻ chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Một công ty pháo hoa Mỹ mỗi lần thường nhập khoảng 10 container, nếu thuế tăng có nghĩa họ sẽ mất thêm 70.000 USD, tổng chi phí, họ sẽ mất khoảng 100.000 đến 250.000 USD.
Đối với những công ty nhỏ, họ không đủ khả năng để chi trả các chi phí này bởi nhóm khách hàng chủ yếu của họ là các hộ gia đình và các đoàn thể, nếu giá tăng thì nhiều người sẽ bỏ thói quen đốt pháo hoa.
Theo chuyên gia Trung Quốc, đây là một đòn “trí mạng” đối với ngành pháo hoa Mỹ.
Trên thực tế, một cuộc khủng hoảng như vậy không chỉ là một hiện tượng trong ngành pháo hoa, nó đang nhanh chóng lan sang các công ty nhỏ và vô số các hộ gia đình kinh doanh các lĩnh vực khác nhau như giày dép, đồ chơi v.v…
“Có thể nói, miễn là người tiêu dùng thường sử dụng nó, họ sẽ bị ảnh hưởng. Các công ty lớn sẽ không thể rút lui khi đối mặt với cơn bão, chứ đừng nói đến tác động của một “cơn sóng thần” quy mô lớn đối với hàng loạt công ty nhỏ và gia đình bình thường ở Mỹ”, Trương Thiệu Trung nhận định.