Bất động sản ở Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu tương tự như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ trước, điều đã làm cho nền kinh tế Nhật rơi vào khủng hoảng, kéo theo hệ lụy “nhiều thập niên suy thoái”, một chuyên gia hệ thống tài chính Nhật nhận định, theo SCMP.
Sự tương đồng về bối cảnh hiện tại của Trung Quốc và Nhật Bản cách đây hai thập kỷ là dễ thấy, đều xuất phát từ chính sách tiền tệ lỏng lẻo tạo điều kiện nảy sinh bong bóng nhà đất, Naoyuki Yoshino, trưởng khoa và Giám đốc điều hành của Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết.
Theo chuyên gia Nhật, Bắc Kinh có thể sẽ nhấn chìm nền kinh tế Trung Quốc bằng các chính sách tín dụng được sử dụng để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008, làm tăng trưởng nhanh chóng các khoản vay thế chấp, vay và đầu tư bất động sản trong hơn mười năm qua.
Tương tự như Trung Quốc hiện tại, chính sách tiền tệ nới lỏng của chính phủ Nhật Bản trong những năm 80 đã tạo ra một bong bóng kinh tế, sau đó bị vỡ và khiến nền kinh tế thứ hai thế giới ở thời điểm đó rơi vào suy thoái kéo dài gần 25 năm. Hậu quả là các ngân hàng Nhật Bản vẫn phải tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0 thập chí âm cho đến ngày nay nhằm kích thích lạm phát.
“Tôi cảm thấy rất lo lắng rằng nếu giá đất tiếp tục tăng và nếu dân số bắt đầu suy giảm kéo theo nhu cầu trên các phương diện giảm, thì Trung Quốc sẽ gặp tình trạng tương tự như Nhật Bản”, ông Yoshino nói.
Đã có một số dấu hiệu rõ ràng về bong bóng nhà ở tại Trung Quốc, theo ông Yoshino, trước hết là sự biến động mạnh về giá bất động sản trong những năm gần đây.
Giá trung bình của một ngôi nhà ở Bắc Kinh đã tăng vọt trong những năm qua, từ khoảng 4.000 nhân dân tệ (578 đô la Mỹ) mỗi mét vuông vào đầu những năm 2000, hiện tại con số này là 60.000 nhân dân tệ (8.677 đô la Mỹ) mỗi mét vuông, tăng gấp khoảng 15 lần, theo dữ liệu của Creprice.cn.
Một người đàn ông Trung Quốc đang quan sát các chỉ số chứng khoán. (Ảnh: Reuters)
Giá nhà đất tăng cũng đã nâng tỷ lệ giữa giá nhà và mức thu nhập của người dân ở Trung Quốc lên cao, từ mức 5,6 vào năm 1996 lên mức 7,6 năm 2013, cao hơn nhiều so với mức 3.0 của Nhật Bản vào lúc cao điểm năm 1988. Tỷ lệ giữa giá nhà và mức thu nhập của người dân phản ánh khả năng chi trả cho việc mua nhà ở của họ.
Theo một báo cáo vào tháng 10/2018 của tờ Thời báo Hoàn cầu, giá nhà ở mức hợp lý là chỉ nên gấp từ 3 đến 6 lần mức thu nhập của một hộ gia đình trung bình. Điều đó có nghĩa là một gia đình có thu nhập trung bình có thể mua một ngôi nhà bằng thu nhập của họ trong 3 tới 6 năm. Tỷ lệ giá nhà trên thu nhập ở Trung Quốc là trên 50 ở các thành phố hạng nhất và 30 đến 40 ở các thành phố hạng ba và bốn. Trung Quốc xếp các thành phố vào 4 hạng dựa trên một số yếu tố bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dân số, theo đó, Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến được coi là thành phố hạng nhất.
Một dấu hiệu đáng lo ngại khác, theo Yoshino, là ngành tài chính Trung Quốc đã cho vay nhiều hơn đối với lĩnh vực bất động sản so với các ngân hàng Nhật Bản trong thời kỳ bong bóng bất động sản của họ. Thêm nữa, tỷ lệ cho vay đầu tư vào bất động sản ở Trung Quốc so với GDP của nước này luôn cao hơn Nhật Bản khoảng ba lần.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 7/2018, các lo ngại trở nên lớn hơn vì bong bóng bất động sản và mức nợ kỷ lục của lĩnh vực này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc dễ dàng bị đẩy gần hơn tới bờ vực sụp đổ.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giải quyết các khoản nợ xấu trong nhiều năm qua, giá nhà đất và các khoản vay để đầu tư vào thị trường bất động sản vẫn tiếp tục tăng, thổi giá nhà lên vượt quá mức mà đại đa số người dân của nước này có thể chi trả, cũng như khiến nhiều nhà phát triển bất động sản chìm sâu vào nợ.
Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, các khoản nợ của các công ty Trung Quốc ở mức 155% GDP trong quý II / 2018, cao hơn nhiều so với mức nợ doanh nghiệp của Nhật Bản, 100% GDP và 74% đối với doanh nghiệp Mỹ.
Theo SCMP, các khoản nợ của doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều trong đó là các khoản vay tín dụng với sự bảo đảm ngầm từ chính quyền trung ương và địa phương, khiên rủi ro vỡ nợ tăng cao.
Với xu hướng đi xuống của nền kinh tế cùng với các tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Larry Hu, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Macquarie Capital dự đoán rằng, thâm hụt ngân sách của Trung Quốc sẽ tăng cao trong năm nay, ở mức 6,6% GDP, từ mức 4,7% vào năm ngoái. Điều này càng làm cho nguy cơ rơi vào khủng hoảng của nền kinh tế Trung Quốc trở nên gần hơn.