Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐảng cầm quyền giành chiến thắng trong bầu cử Quốc hội, Australia...

Đảng cầm quyền giành chiến thắng trong bầu cử Quốc hội, Australia sẽ tiếp tục chú trọng chính sách đối với ASEAN và Biển Đông

Liên minh Đảng Tự do và Quốc gia do Thủ tướng Scott Morrison đứng đầu đã chiến thắng bất ngờ tại cuộc bầu cử Quốc hội hôm 18/5 vừa qua. Với thắng lợi này, Thủ tướng Scott Morrison sẽ tiếp tục thực hiện đường lối lãnh đạo đất nước hiện nay, trong đó ASEAN và Biển Đông được xem là hai khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scott Morrison chiến thắng bất ngờ sau những kết quả thăm dò bất lợi trước đó

Hơn 15 triệu cử tri Australia đã tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vào hôm 18/5để chọn ra toàn bộ 151 ghế tạiHạ viện và 40 trong tổng số 76 ghế ở Thượng viện. Kết quả sơ bộ do Uỷ ban Bầu cử nước này công bố với 75% số phiếu được kiểm, Liên minh Đảng Tự do và Quốc gia do Thủ tướng Scott Morrison đứng đầu đã chiến thắng, giành được 74 ghế ở hạ viện, trong khi Đảng Lao động giành được 66 ghế, các đảng khác giữ 6 ghế và còn lại 5 ghế chưa xác định. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với kết quả thăm dò ý kiến dư luận được tiến hành trước đó. Theo quy định, đảng hoặc liên minh nào giành được 39 ghế trở lên sẽ hình thành phe đa số tại Thượng viện, tạo thuận lợi cho việc thay đổi hoặc ban hành các chính sách mới.

Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Tự do Bill Shorten cũng lên tiếng thừa nhận thất bại và cho biết ông đã gọi điện chúc mừng Thủ tướng Scott Morrison. Ông Shorten đã tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Lao động sau thất bại này. Tại Thượng viện, Liên minh Đảng Tự do và Quốc gia được dự đoán có thể giành được 33 ghế, Đảng Lao động 26 ghế và Đảng Xanh 9 ghế. Đây là chiến thắng bất ngờ cho liên minh cầm quyền do các cuộc khảo sát trước đó đều chỉ ra họ sẽ thất bại trước Đảng Lao động đối lập. Sau chiến thắng này, Thủ tướng Morrison sẽ tập hợp một chính phủ mới do nhiều nhân vật cốt cán chuẩn bị về hưu.

Chính phủ đương nhiệm của Australia sẽ tiếp tục chính sách hướng đến ASEAN và Biển Đông

Những lợi ích của Australia ở Đông Nam Á và Biển Đông là rõ ràng: Thứ nhất, sự tồn vong của những không gian tài nguyên chung không thể tranh cãi của toàn cầu trên biển, trên không, trong không gian và không gian mạng. Là một đất nước nhỏ, khá biệt lập về địa lý và phụ thuộc chủ yếu vào thương mại, Australia hẳn sẽ chịu ảnh hưởng hơn hầu hết các quốc gia khác từ cuộc cạnh tranh dai dẳng về quyền kiểm soát các không gian tài nguyên chung của toàn cầu và khu vực. Những không gian lợi ích chung trên biển từ thời kỳ người châu Âu tới định cư đến nay đều nằm trong quyền kiểm soát của châu Âu và các đồng minh thân cận nhất; nhưng hiện trạng này có thể chấm dứt khi các nước châu Á tiến hành công cuộc xây dựng những hệ thống vũ khí trên biển với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Lợi ích thứ hai của Australia là nền kinh tế quốc tế hướng tới các nguyên tắc phát triển và thương mại tự do, đây là hệ quả tất yếu từ cấu trúc và tính chất phụ thuộc thương mại của nền kinh tế Australia. Thứ ba và có lẽ cũng là quan trọng nhất, Australia sẽ được hưởng lợi nếu một trật tự quốc tế bình đẳng, hoạt động dựa trên lý trí và luật pháp phát huy được uy thế, sức ảnh hưởng và được phát triển liên tục. Thứ tư, lợi ích của Australia sẽ được đảm bảo nếu khu vực quần đảo trải dài từ Bắc Thái Lan cho đến Bắc Australia được duy trì trong một trật tự chiến lược hòa bình, bởi nếu có bất cứ thế lực nào tấn công vũ trang vào Australia thì đây chính là con đường tiếp cận khả dĩ nhất.

Vì vậy, Australia đã nhiều lần lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Biển Đông cách Canberra hơn 6.000 km song những hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này đang khiến giới chức ngoại giao và quốc phòng Australia không khỏi lo ngại ở hai khía cạnh “tự do hàng hải” và “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết Chính phủ Australia sẽ xem bất kỳ việc sử dụng chiến thuật hù dọa nào tại Biển Đông là “gây bất ổn và nguy hiểm tiềm tàng”. Ông tuyên bố “Australia đã thường xuyên lên tiếng bày tỏ sự lo ngại việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên không thực hiện những hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng tại khu vực này”.         Trong Sách trắng Ngoại giao của Australia 2017, lần đầu tiên trong 13 năm Australia đã bày tỏ sự quan ngại của nước này về các hoạt động “chưa từng có tiền lệ” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Australia coi đây là một “vấn đề lớn của trật tự khu vực”. Sách trắng cho biết Australia “đặc biệt quan ngại về tốc độ và quy mô chưa từng có tiền lệ” của các hoạt động bồi đắp, xây dựng mà Trung Quốc tiến hành tại vùng biển tranh chấp. “Australia phản đối việc sử dụng các thực thể tranh chấp và các cấu trúc nhân tạo trên Biển Đông để phục vụ cho các mục đích quân sự. Chúng tôi ủng hộ việc giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Sách trắng Ngoại giao Australia nêu rõ.

Trước đó, trong Sách Trắng Quốc phòng 2016, Australia đã công bố kế hoạch 20 năm tăng cường sức mạnh hải quân với việc trang bị thêm nhiều tàu ngầm, tàu chiến như một sự tích tụ quân sự mà Canberra nói là cần thiết để duy trì hòa bình trong khu vực. Tài liệu này đề cập “mối quan tâm đặc biệt đến tốc độ chưa từng có và quy mô của các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông”. Trong khi tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Australia “phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông vì mục đích quân sự”; đồng thời khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không được luật pháp quốc tế công nhận ở vùng biển này. Sau khi công bố Sách Trắng, Bộ Quốc phòng Australia sẽ công bố Kế hoạch tiềm lực quốc phòng 10 năm và Tuyên bố chính sách công nghiệp quốc phòng đề cập ưu tiên chủ chốt của Chính phủ trong lĩnh vực này cũng như khung thời gian thực hiện.

Hồi tháng 6 vừa qua, Australia cho biết đang đầu tư 7 tỉ USD để mua 6 chiếc MQ-4C Triton, loại máy bay điều khiển từ xa của nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Mỹ Northrop Grumman thông qua một chương trình hợp tác với Hải quân Mỹ. Theo Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Australia Christopher Pyne, những chiếc Triton hiện đại sẽ giúp Australia tiếp tục giám sát được khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, khu vực được xác định là trọng tâm hoạt động của máy bay không người lái Triton. Các thông tin thu thập được chia sẻ cho các đồng minh của Australia như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand. Theo Bộ trưởng Christopher Pyne “Australia nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải và hàng không của mình trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, như Australia vẫn luôn tiến hành”. Giới lãnh đạo Australia nhiều lần tuyên bố Chính phủ Australia sẽ tiếp tục bảo lưu quyền thực hiện tự do hàng hải và tự do bay qua phù hợp với luật pháp quốc tế, song Úc muốn có một bộ quy tắc ứng xử cho khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới