Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ giáng đòn danh dự, Huawei cảnh báo người Mỹ mất việc

Mỹ giáng đòn danh dự, Huawei cảnh báo người Mỹ mất việc

Giới khoa học Mỹ không cho Huawei được tham gia bình duyệt nghiên cứu khoa học là phi khoa học?

Tờ South China Morning Post thông tin, Viện kỹ nghệ điện và điện tử (IEEE) – tổ chức chuyên môn kỹ thuật lớn nhất thế giới đóng tại New York (Mỹ), vừa ra quyết định cấm các nhân viên Huawei tham gia vào quá trình bình duyệt các bài nghiên cứu khoa học, bao gồm cả vai trò biên tập cho các tạp chí khoa học.

Bình duyệt (peer review) là một trong những chuẩn mực vàng của khoa học, mà trong đó các nhà khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu của những đồng nghiệp khác trong cùng lĩnh vực nhằm đảm bảo kết quả nghiên cứu chính xác và chặt chẽ.

Trong thông báo của IEEE gửi tới khoảng 200 tạp chí khoa học rằng các nhân viên của Huawei có thể tiếp tục phục vụ trong ban biên tập nhưng không thể xử lý bất kỳ giấy tờ nào, theo Sciencemag.

Tổ chức này sẽ xem xét lại lệnh cấm trên cho đến khi Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty viễn thông Trung Quốc.

Quyết định của IEEE được rò rỉ trên mạng xã hội Trung Quốc ngày 29/5, gây ra phản ứng giận dữ từ một số nhà khoa học hàng đầu của nước này. Họ mô tả động thái của IEEE là “chống khoa học” và “vi phạm tự do học thuật”.

Giới khoa học Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội sau quyết định của IEEE.

Bà Trương Hải Hà, Giáo sư tại Viện Vi điện tử thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết bà sẽ rời IEEE vì quyết định của tổ chức này đã “đi quá xa đường lối cơ bản của khoa học và công nghệ”.

“Tôi gia nhập tổ chức này với tư cách nghiên cứu sinh bởi IEEE được đánh giá là môi trường nghiên cứu quốc tế về kỹ thuật điện tử.

Tuy nhiên, lệnh cấm đang thách thức tính chuyên nghiệp. Tôi đã quyết định rời ban biên tập của hai tạp chí IEEE cho đến khi tính toàn vẹn về chuyên môn của chúng tôi được khôi phục… Là một giáo sư, tôi không chấp nhận được chuyện này” – bà Trương viết trong một lá thư gửi tới Chủ tịch IEEE Toshio Fukuda.

Viện IEEE đặt trụ sở tại Thành phố New York, tự giới thiệu là tổ chức kỹ thuật chuyên nghiệp lớn nhất thế giới, phát triển công nghệ với mục tiêu vì nhân loại. IEEE cũng là tổ chức công bố các chuẩn Wi-Fi.

Đây là những tin tức bất lợi mới nhất đối với Huawei. Khác với những cú đánh từ các đối tác hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Google, Qualcomm, Intel… quyết định của IEEE bị cho là kiểu phân biệt đối xử, thiếu công bằng trong nghiên cứu khoa học.

Huawei cảnh báo lao động Mỹ sẽ mất việc làm

Bộ phận pháp lý của Huawei công bố về kế hoạch kiện Chính quyền ông Trump vè sắc lệnh cấm Huawei,  đồng thời cảnh báo Giám đốc pháp lý của Huawei cho biết hôm 29/5 rằng việc Mỹ đưa Huawei vào “danh sách đen” có thể khiến chính nhân công tại Mỹ phải trả giá, và hàng tỷ người dùng trên thế giới chịu ảnh hưởng.

My giang don danh du, Huawei canh bao nguoi My mat viec

Giám đốc pháp lý của Huawei – ông Song Liuping

Trong một cuộc họp báo tại Thâm Quyến, Giám đốc pháp lý của Huawei – ông Song Liuping nói: “Quyết định này đe dọa, gây tổn hại cho khách hàng của chúng tôi tại hơn 170 quốc gia, bao gồm hơn 3 tỷ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Huawei trên toàn thế giới”.

“Việc ngăn chặn các công ty Mỹ hợp tác với Huawei, họ (chính quyền của ông Trump) sẽ trực tiếp gây hại cho hơn 1.200 công ty có trụ sở tại Mỹ. Điều này tương đương với hàng chục ngàn việc làm tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng” – ông Song nói thêm.

Ông Song cáo buộc các động thái tẩy chay Huawei còn được ủng hộ tại chính trường Mỹ: “Các chính trị gia ở Mỹ đang sử dụng sức mạnh của cả một quốc gia để chống lại một công ty tư nhân… Điều này không bình thường. Hầu như chưa từng thấy trong lịch sử.”

Tin mừng với Huawei là dù nhiều đồng minh của Mỹ đã thực hiện theo các yêu cầu từ Washington, tuyên bố ngừng các hoạt động hợp tác với Tập đoàn Trung Quốc này thì vẫn có Malaysia ủng hộ.
 
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố nước này sẽ tiếp tục sử dụng “nhiều nhất có thể” các sản phẩm của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.

Phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 diễn ra ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Mahathir thừa nhận việc sử dụng các thiết bị của Huawei có thể gây ra một số quan ngại về an ninh, nhưng cho biết những quan ngại này “không cản trở” Malaysia. 

Huawei đã tiến hành những nghiên cứu sâu rộng hơn rất nhiều so với tất cả những nghiên cứu trong cùng lĩnh vực của Malaysia, do đó nước này sẽ cố gắng sử dụng công nghệ của Huawei “càng nhiều càng tốt.”

Thủ tướng Mahathir cũng cho rằng Mỹ và phương Tây cần chấp nhận rằng các quốc gia châu Á hiện nay có thể sản xuất các sản phẩm cạnh tranh và không nên “dọa nạt” các đối thủ.

Ông Mahathir ủng hộ Huawei tại hội nghị về tương lai châu Á gợi lại lời kêu gọi các nước châu Á đoàn kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đó vài ngày.

Trong bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị Đối thoại các nền văn minh châu Á (CDAC) ở thủ đô Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Người dân châu Á mong chờ một châu lục mở cửa và hội nhập. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia sẽ cùng xây dựng một cộng đồng châu Á chung tương lai cho nhân loại, trong khi vẫn giữ vững tinh thần cởi mở, thúc đẩy thương mại và tận dụng các nguồn tài chính”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, sẽ là không khôn ngoan khi tìm cách thay đổi các nền văn minh khác, cho rằng nền văn minh của mình mới là thượng đẳng. Tuyên bố được cho là ám chỉ tới nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump luôn hối thúc Trung Quốc thay đổi các hoạt động chính trị và kinh doanh mà Washington cho là không công bằng.

RELATED ARTICLES

Tin mới