Trung Quốc đã sẵn sàng dùng đất hiếm làm vũ khí phản công trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tuần trước, chuyến viếng thăm có vẻ như “thường lệ” của Chủ tịch Tập Cận Bình tới một công ty đất hiếm của Trung Quốc được coi như một lời đe dọa rõ ràng rằng Bắc Kinh sẵn sàng hành động, theo bài đăng trên Space Daily.
Trong khi không có lời bình luận nào của ông Tập trong chuyến viếng thăm được tiết lộ, mỗi lần ông xuất hiện đều mang một thông điệp chính trị và sự kiện lần này không phải là ngoại lệ.
“Việc này không phải là tình cờ, là ngẫu nhiên”, Lý Minh Giang, điều phối viên chương trình Trung Quốc của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore nói.
Trung Quốc sản xuất hơn 95% sản lượng đất hiếm của thế giới và Mỹ phụ thuộc Trung Quốc 80% nhu cầu về loại nguyên liệu này.Đất hiếm là 17 loại chất có tầm quan trọng đặc biệt trong sản xuất nhiều đồ điện tử, từ điện thoại thông minh cho tới tivi, máy ảnh hay bóng đèn.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc cho đến nay chưa công khai nói họ sẽ hạn chế bán đất hiếm cho Mỹ, báo chí Trung Quốc đã nói “bóng gió một cách lộ liễu” rằng việc này sẽ xảy ra.
Trong bài bình luận có tựa đề “Mỹ quốc, đừng đánh giá thấp năng lực phản công của Trung Quốc”, Nhân dân Nhật báo nói Mỹ rất phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc. “Liệu đất hiếm có trở thành vũ khí phản công của Trung Quốc để đáp trả áp lực Mỹ tạo ra (với Trung Quốc) mà không có lý do gì? Câu trả lời không có gì khó đoán”, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc viết.
“Không nghi ngờ gì, phía Mỹ muốn sử dụng sản phẩm được làm ra bằng đất hiếm Trung Quốc xuất khẩu để đối đầu và áp chế sự phát triển của Trung Quốc. Người dân Trung Quốc không bao giờ chấp nhận điều này”, tờ báo viết.
“Chúng tôi khuyên phía Mỹ đừng đánh giá thấp khả năng bảo vệ quyền phát triển và lợi ích của Trung Quốc. Đừng nói là chúng tôi đã không cảnh báo các anh trước”.
Trong bài xã luận đăng hôm qua, tờ Hoàn cầu thời báo nói một lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm “ là vũ khí uy lực nếu được sử dụng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”.
“Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chủ yếu dùng đến lệnh cấm này để phòng thủ”, tờ báo viết và nói thêm rằng dù Trung Quốc chịu thiệt hại vì lệnh cấm này nhưng Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn.
Trên Twitter, tài khoản của Hoàn cầu thời báo còn nói rằng Bắc Kinh “đang nghiêm túc xem xét” việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm qua Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đe dọa sử dụng “vũ khí đất hiếm”, theo Reuters.
Năm 2010, Bắc Kinh cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với hai tàu tuần duyên Nhật Bản gần một số đảo đang có tranh chấp giữa đôi bên.
Năm 2014, WTO phán quyết rằng Trung Quốc đã vi phạm luật thương mại toàn cầu khi hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Vụ việc do Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật đứng đơn khởi kiện, cáo buộc Trung Quốc ngăn cản xuất khẩu để tạo ra lợi thế cho các công ty công nghệ của họ trước các đối thủ nước ngoài. Trung Quốc viện dẫn lý do xâm hại môi trường từ hoạt động khai mỏ để đáp lại.
Mặc dù có thể gây ra xáo trộn, động thái ngăn chặn xuất khẩu đất hiếm có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chuyên gia nói. “Việc đó sẽ khiến người ta tăng tốc tìm các nguồn khác thay thế, Kokichiro Mio, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của viện nghiên cứu NLI (Nhật Bản), nói.
Trung Quốc không phải nước duy nhất có nguồn đất hiếm dồi dào. Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ năm ngoái ước tính rằng trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới là 120 triệu tấn trong đó Trung Quốc 44 triệu tấn, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga.Tại Việt Nam, trữ lượng đất hiếm khoảng 20 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, theo một tài liệu được dẫn trên báo chí.