Từ 27 – 29/5/2019, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thăm chính thức Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa
Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, hai bên trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, tình hình mỗi nước và quan hệ quốc phòng song phương, trong đó tập trung đánh giá kết quả triển khai Nghị định thư về hợp tác quốc phòng song phương năm 2003, Tuyên Bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 của Bộ Quốc phòng hai nước đã ký năm 2017.
Năm 2019 được bai bên thống nhất xác định là năm bản lề mang tính đột phá trong quan hệ hai quân đội, hướng tới chào mừng 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020. Trong đó, hai bên thống nhất thời gian tới tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị; hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học lịch sử, phim tài liệu; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quân y; hợp tác giữa các quân chủng Hải quân, Phòng không – Không quân, lực lượng bảo vệ biên giới, công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đặc biệt quan tâm tới Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới và quan hệ giữa các quân khu, Biên phòng, Hải quân, Không quân Việt Nam với Chiến khu Miền Nam Trung Quốc…
Liên quan vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước nhất trí cần kiên trì giải quyết vướng mắc bằng biện pháp hòa bình, tạo sự tin cậy vững chắc; quyết tâm cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình trên Biển Đông; khẳng định môi trường hòa bình trên Biển Đông mà hai bên cùng nhau xây dựng không chỉ dành riêng cho Trung Quốc hay Việt Nam, mà còn cho các đối tác có thiện chí hợp tác với hai nước để cùng nhau phát triển.
Trong những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa tiếp tục là một trong những tồn tại trong quan hệ Trung – Việt. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngang nhiên tiến hành cải tạo trái phép nhiều đảo đá, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.
Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn xác định phải giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; giữ gìn quan hệ hòa bình, không để xảy ra xung đột và bảo đảm cho phát triển kinh tế biển. Về lập trường, Việt Nam khẳng định có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời được hưởng các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, thềm lục địa theo đúng UNCLOS 1982. Lập trường của Việt Nam cũng kiên định giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC 2002).
Để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, Tuyên bố DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng vì trong lúc lập trường của các nước còn khác xa nhau thì UNCLOS 1982 sẽ là cơ sở pháp lý, là chuẩn mực để các bên đối chiếu, điều chỉnh lại yêu sách của mình cho phù hợp và giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển.