Tại Đối thoại Shangri-La (SLD) diễn ra ở Singapore hôm 1/6, một hội nghị an ninh hàng đầu châu Á, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nhận định: “Có lẽ mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích quan trọng của các quốc gia trong khu vực xuất phát từ những nhân tố đang tìm cách phá hoại, thay vì giữ gìn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Tuy không chỉ rõ “nhân tố phá hoại” là Trung Quốc nhưng hàng trăm quan chức quân sự, chuyên gia dự Đối thoại thì biết rất rõ điều ông Shanahan ám chỉ. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn cam kết: Washington sẵn sàng hỗ trợ các đối tác tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương chống lại những nỗ lực thống trị của bất kỳ quốc gia nào.
Ông Shanahan lên án những hành vi của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, như móc san hô ở đáy biển, bồi đắp đảo nhân tạo, triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến đến khu vực tranh chấp, đánh cắp công nghệ quân sự và dân sự. Những hành động đó đã biến các thực thể nhân tạo trong khu vực chung của thế giới trở thành “trạm thu phí”. Theo đó, chủ quyền quốc gia của một số quốc gia có nguy cơ bị đe dọa.
Điều mà ông Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu ra đã phản ánh chiến lược quốc phòng quốc gia mới của Mỹ. Chiến lược mới xác định: cạnh tranh với Trung Quốc và Nga là ưu tiên hàng đầu của Washington. Chiến lược mới vạch rõ, Mỹ cam kết theo đuổi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do; sẵn sàng đầu tư hàng tỉ USD để bảo đảm sự ổn định của khu vực này. Mỹ sẽ tích cực hỗ trợ các đối tác tại khu vực chống lại âm mưu bành trướng trên Biển Đông và rộng hơn là mưu toan bá chủ thế giới của Trung Quốc.
Sở dĩ Mỹ phải xây dựng chiến lược mới là vì, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đã và đang bắt kịp nhanh chóng Quân đội Mỹ. Kho vũ khí cũ kỹ của Liên Xô (trước đây) nay đã được quân đội Trung Quốc thay thế bằng các chiến đấu cơ và chiến hạm tiên tiến. Các tên lửa chống hạm và các đội tàu ngầm của Trung Quốc đủ sức ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông. Bắc Kinh cũng củng cố các hòn đảo nhỏ và rạn san hô trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông bằng tên lửa, radar và phi đạo.
Đến hiện tại, điểm nóng quân sự đối với Hoa Kỳ không còn là Đài Loan nữa. Báo cáo mới đây của Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc nêu rõ thái độ quan ngại của giới hoạch định chính sách Hoa Kỳ trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển quanh Trung Quốc. Phi cơ và chiến hạm Mỹ thường xuyên sử dụng các quyền hợp pháp để vượt qua Biển Đông. Đáng lo ngại là các phản ứng của Trung Quốc trước các hành động của Mỹ có thể leo thang một cách khó lường.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu tại SLD, ông Shanahan nói trực diện đến Trung Quốc. Ông tuyên bố, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và hoan nghênh sự cạnh tranh với điều kiện Bắc Kinh phải chấm dứt những hành động làm xói mòn chủ quyền của các nước khác. Ông cho biết: Chúng tôi sẽ không phớt lờ hành vi của Trung Quốc.Washington và Bắc Kinh hiện có một loạt vấn đề niềm tin cần được giải quyết, gay cấn nhất là những tranh cãi gây chú ý quanh cái tên Huawei.
Niềm tin Mỹ-Trung có thể được cải thiện nếu như hai bên hợp tác về những vấn đề có thể tìm được tiếng nói chung, chẳng hạn việc thực thi trừng phạt Triều Tiên.
Trước khi khai mạc Đối thoại Shangri-La,ông Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp20 phút. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Joe Buccino tiết lộ, hai bên đã thảo luận về cách thức “xây dựng các mối quan hệ quân sự nhằm giúp giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai giữa hai nước”. Còn ông Wu Qian, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chỉ trích Mỹ có một loạt phát biểu và hành động rất xấu về vấn đề Đài Loan. Chỉ có một điểm tích cực là, hai bên nhận thấy sự cần thiết phải phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện thông tin liên lạc giữa Trung Quốc và Mỹ.
Xem ra các cuộc đối thoại Mỹ-Trung dù ở cấp nào cũng dừng theo cách “vừa đấm vừa xoa”. Hổ lớn đang gầm ghè nhau. Và Trung Quốc thường ém mình rất giỏi, “lặng lẽ chờ thời”. Chẳng thể đòi hỏi gì hơn những tiếng nói cứng rắn, sòng phẳng tại một hội nghị an ninh nhưng vẫn phải tuân thủ phép tắc ngoại giao quốc tế.