Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên án tham vọng độc chiếm Biển...

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên án tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Nhật Bản, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (31/5) lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo vùng biển này đang có nguy cơ gia tăng căng thẳng.

Trong chuyến thăm, Nhật Bản và Philippines nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hướng tới xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, tự do và dựa trên luật lệ. Phát biểu họp báo chung sau cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Chính phủ Philippines và phiến quân Hồi giáo trên đảo Mindanao. Thủ tướng Abe nhấn mạnh Nhật Bản và Philippines đều là những quốc gia có biển, cùng chia sẻ những giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược, do đó hai nước sẽ tăng cường phối hợp trong việc giải quyết những thách thức quan trọng, trong đó có việc thành lập một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, tự do và dựa trên luật lệ. Ngoài ra, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Abe và Tổng thống Duterte cũng nhất trí hợp tác để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên bằng cách thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc con tin Nhật Bản trong những năm 1970-1980 của thế kỷ trước. Ông Abe hoan nghênh chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mang tên “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” (Build, Build, Build) của Chính phủ Philippines, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường viện trợ cho Manila.

Về phần mình, Tổng thống Duterte bày tỏ đánh giá cao sự trợ giúp của Nhật Bản đối với phát triển của Philippines, nhấn mạnh đó là “tiêu chuẩn vàng đối với hợp tác phát triển của Philippines với các nước đối tác”.

Tổng thống Duterte cũng đã thảo luận với giới lãnh đạo Nhật Bản về các quan ngại chiến lược mà đôi bên cùng quan tâm, bao gồm vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm, hai bên cũng đã ký 26 thỏa thuận, bao gồm các thỏa thuận đầu tư và thương mại trị giá 6 tỷ USD. Các cam kết đầu tư, đến từ những công ty, tập đoàn lớn của Nhật như Sumitomo Electric Industries Ltd, Mitsubishi hay chuỗi cửa hàng bán lẻ Lawson Inc, được cho là sẽ tạo ra gần 83.000 việc làm trên khắp Philippines. Theo giới truyền thông Nhật Bản, các thỏa thuận thương mại này ra đời trong không khí đôi bên đang cố gắng làm sâu sắc hơn các cuộc đối thoại chiến lược, trong đó có các thương vụ mua bán vũ khí thiết bị do Nhật Bản chế tạo nhằm giúp củng cố vị trí của Philippines trên Biển Đông.

Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị quốc tế Nikkei lần thứ 25 với sự tham dự của các nhân vật chính trị, doanh nhân và học giả hàng đầu châu Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ thái độ thất vọng hiếm thấy đối với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán cho ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông Duterte tuyên bố: “Tôi yêu Trung Quốc… nhưng chúng tôi buộc phải hỏi liệu một quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ đại dương thì có đúng không?”; ông Duterte cũng cảnh báo: “Tôi buồn và hoang mang-không giận vì tôi không thể làm bất cứ điều gì. Tôi chỉ hy vọng Trung Quốc cho ra bộ quy tắc này (COC) sớm. Nếu để càng lâu, nguy cơ vùng biển này (Biển Đông) trở thành điểm nổ càng lớn”.

Được biết, Nhật Bản là quốc gia quần đảo thuộc khu vực Đông Bắc Á nằm sát Biển Đông và cũng nằm trong châu Á – Thái Bình Dương nên Nhật Bản có lợi ích gắn chặt với khu vực này trên nhiều mặt như kinh tế, thương mại, sự thịnh vượng, ổn định về chính trị, an ninh  và sự tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp quốc tế. Không những vậy, Biển Đông là tuyến đường biển vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất đối với Nhật Bản. Khoảng 42% hàng hóa của Nhật Bản đi qua Biển Đông. Các hàng hóa của Nhật đi qua Biển Đông chủ yếu là nguyên liệu, đặc biệt các loại nhiêu liệu hóa thạch (fosil fuel) mà Nhật nhập khẩu để đảm bảo ổn định năng lượng. Nếu tuyến hàng hải ở Biển Đông bị cản trở, các tàu thuyền của Nhật Bản sẽ phải chuyển lộ trình sang eo biển Lombok và Đông Philippines khiến Nhật Bản mất thêm khoảng 600 triệu đô la mỗi năm cho chi phí vận tải. Theo nghiên cứu khác của một nhóm chuyên gia Nhật Bản, nếu như có xung đột xảy ra tại Biển Đông khiến tất cả các tuyến hàng hải đi qua đây bị đình trệ, Nhật Bản sẽ phải bỏ ra thêm 50% chi phí vận tải để đi các tuyến đường thay thế khác.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản tích cực giúp một số nước ASEAN bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực phòng thủ trên biển.Một mặt, Nhật Bản hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á – Đối thoại Shangri La năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố cần phải chi viện trên thực tế để Việt Nam, Philippines, Malaysia tăng cường năng lực quân sự trên biển. Nhằm nâng cao khả năng phòng thủ biển của các nước ASEAN, Nhật Bản đã kết hợp các khoản hỗ trợ như viện trợ phát triển chính thức (ODA), đào tạo nâng cao khả năng do Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tổ chức, hợp tác về trang bị phòng thủ, để trợ giúp các nước này. Mặt khác, Nhật Bản thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này. Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2015, tàu chiến của Nhật Bản và Philippines nhiều lần tiến hành diễn tập chung tại vùng biển của Philippines. Tháng 8 năm 2015, Nhật Bản, Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập cứu trợ nhân đạo tại vịnh Subic.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng tích cực hỗ trợ vũ khí và trang bị cho Philippines. Từ năm 2011 dưới thời cầm quyền của Tổng thống Philippines Aquino,Nhật Bản và Philippines đã có các thoả thuận về hợp tác an ninh bảo vệ đường biển, trong đó có đường biển tại Biển Đông. Theo đó, hai bên tăng cường hợp tác về hải quân và cảnh sát biển. Năm 2013, trong chuyến thăm Philippines của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Kishida đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Philippines và cam kết hỗ trợ Philippines trong việc đối phó với các tranh chấp ngày càng tăng lên với Trung Quốc ở Biển Đông xoay quanh sự kiện Trung Quốc chiếm bãi Scarborough năm 2012. Tháng 7/2013, trong chuyến thăm cấp cao Philippines, Thủ tướng Nhật Abe đã cam kết hỗ trợ Philippines 10 tàu tuần tra thông qua hình thức hỗ trợ ODA nhằm củng cố năng lực cho lực lượng cảnh sát biển của Philíppin. Theo nguồn tin công khai, Philippines đã nhận được chiếc tàu tuần tra đầu tiên trong 10 chiếc tàu này vào tháng 8/2016. Tháng 3/2016, tại Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã ký hiệp định chuyển giao trang thiết bị quốc phòng với Philippines. Theo đó, Nhật Bản sẽ chuyển giao cho Philippines 05 máy bay tuần tra TC-90 đã hết hạn sử dụng ở Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực tuần tra trên biển cho Philíppin. Tại thời điểm này, các máy bay tuần tra trên biển của Philippines chỉ có bán kính hoạt động là 300km. Các máy bay tuần tra mới chuyển giao này của Nhật Bản cho Philippines sẽ có tầm hoạt động sẽ bao trùm toàn bộ quần đảo Trường Sa và có khả năng giám sát các hoạt động bằng hình ảnh. Trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Duterte vào tháng 9/2016, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đồng ý hỗ trợ thêm cho Philippines hai tàu tuần tra cỡ lớn dài 90m, bên cạnh 10 tàu tuần tra cỡ nhỏ cam kết trước đó. Ngoài ra, Nhật triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo cho cán bộ chấp pháp/quốc phòng của Philíppin. Cuối năm 2014, Nhật Bản và Mỹ cũng đã tổ chức tập trận ba bên với hải quân Philippines với sự tham gia của tàu tên lửa dẫn đường Ticonderoga của Mỹ và tàu khu trục JS Sazanami của Nhật Bản, thực hiện các hoạt động bắn đạn thật và trao đổi thông tin liên lạc. Tháng 3/2016, tàu ngầm Oyashiyo cùng với các tàu khu trục Ariake và Setogiri đã thăm cảng Subic của Philippines lần đầu tiên sau 15 năm. Tháng 5/2015, sau khi thực hiện các nhiệm vụ ở Vịnh Aden, hai tàu khu trục của Nhật Bản đã tham gia tập trận hải quân cùng Phillippines ở Biển Đông. Tháng 6/2016, Nhật Bản cùng Mỹ cũng tham gia tập trận ba bên với Philippines ở khu vực quần đảo Palawan nhằm nâng cao khả năng tương tác và phối hợp hành động của hải quân ba nước. Ngày 13/7/2016, ngay sau khi Toà Trọng tài ra phán quyết về tranh chấp trên biển giữa Philippines và Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức tập trận của cảnh sát biển hai nước ở gần Vịnh Manila. Tháng 6/2017, tàu Echigo Nhật Bản cũng tham gia tập trận chống cướp biển với Philippines bằng các tàu do Nhật Bản hỗ trợ cho Philippines tại Davao.

RELATED ARTICLES

Tin mới