Truyền thông Nhật Bản cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận Nhật Bản đang có kế hoạch mua 105 chiếc máy bay chiến đấu F-35 Lightning nhằm tăng cường năng lực quốc phòng.
Phát biểu trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nhật Bản “vừa mới thông báo ý định mua 105 chiếc máy bay tàng hình F-35 mới toanh. Tàng hình, vì thực tế là bạn không thể thấy chúng. Hợp đồng này sẽ giúp Nhật Bản sở hữu đội F-35 nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào của Mỹ”.
Nhật Bản hồi tháng 12/2011 đặt mua 42 tiêm kích F-35A từ Mỹ để thay thế các phi đội F-4EJ đã lạc hậu. 4 chiếc đầu tiên được tập đoàn Lockheed Martin chế tạo ở Mỹ và bàn giao cho Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF), 38 máy bay còn lại được lắp ráp tại nhà máy Mitsubishi. Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định ngừng dây chuyền lắp ráp trước năm 2020 để tập trung vào dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu và nâng cấp cho dòng F-35. Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 2 cũng đã thông qua kế hoạch quốc phòng mới, đề xuất mua thêm 105 tiêm kích F-35, trong đó gồm 65 chiếc F-35A và 40 máy bay F-35B. Động thái này giúp Nhật Bản trở thành nước sở hữu số tiêm kích F-35 nhiều thứ hai thế giới với tổng cộng 147 chiếc, chỉ xếp sau Mỹ. Được biết, trước Nhật Bản, đã có nhiều đồng minh của Mỹ đặt mua F-35. Chính phủ Australia gần đây dành 17 tỷ USD mua dòng máy bay này và Hàn Quốc cũng đặt mua 40 chiếc F-35A.
Thương vụ F-35 này có thể giúp Nhật Bản tái khẳng định vai trò một cường quốc về an ninh nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho quân đội Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng phạm vi hoạt động của mình trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Các nhà quan sát quân sự cho rằng thương vụ F-35 nói trên, cùng với kế hoạch hiện đại hóa các tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật, sẽ trở thành một mối đe dọa đối với kế hoạch của Trung Quốc trên Biển Đông, bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng phòng không Nhật Bản.
Trong khi đó, ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự làm việc tại Bắc Kinh, đánh giá: “Thỏa thuận này có thể giúp Nhật Bản đối phó với những mối đe dọa từ Trung Quốc…và có thể được coi là một phần quan trọng của chiến lược toàn cầu của Mỹ”; đồng thời cho rằng cân bằng quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ thay đổi khi Nhật Bản đặt mua một lượng lớn máy bay chiến đấu như vậy. Trong khi đó, ông Trương Bảo Huy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á -Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong cho rằng nếu Nhật Bản mua các máy bay F-35B, loại hoạt động từ tàu sân bay, thì sẽ làm đảo lộn tình hình Biển Đông. Ryo Hinata-Yamaguchi, một giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, nhận định: “Khi Nhật Bản cải tiến tàu đổ bộ lớp Izumo với tính năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, F-35B chắc chắn là lựa chọn duy nhất”. Tuy nhiên, thỏa thuận F-35 dự kiến sẽ “tăng cường khả năng của Nhật Bản nhằm đạt được ưu thế trên biển và trên không, điều cốt lõi nhằm bảo vệ quần đảo Nhật Bản”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng dù dòng máy bay chiến đấu J-20 thế hệ 5 của Trung Quốc giúp quân đội nước này có được vị trí đi đầu trong cuộc đua máy bay tàng hình, nhưng loại máy bay đó đã gặp nhiều trục trặc về động cơ sau khi được đưa vào biên chế năm 2017. Thỏa thuận mua F-35 của Nhật Bản sẽ gây áp lực khiến Trung Quốc phải đẩy nhanh chương trình phát triển J-20.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng thương vụ mua sắm trên của Nhật Bản sẽ kéo thao một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự tại Hong Kong, nhận định rằng thỏa thuận F-35 của Nhật Bản chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến Trung Quốc cũng hành động tương tự bằng việc phát triển và triển khai máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến của riêng mình trong khu vực để đối trọng với sự hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh. Cùng quan điểm trên, Collin Koh, một chuyên gia an ninh tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho hay phi đội F-35 sẽ giúp Nhật Bản tăng sức mạnh đáng kể trong cuộc đua máy bay chiến đấu tàng hình. Nhật Bản có thể duy trì vị thế một trong những lực lượng không quân được trang bị tốt nhất trong khu vực và trên thế giới.
Được biết, Nhật Bản là một trong những nước có lực lượng không quân mạnh nhất thế giới. Lực lượng Phòng vệ đường không Nhật Bản (JASDF) có quy mô khá khiêm tốn so với các lực lượng nói trên. Họ có trong biên chế hơn 300 máy bay chiến đấu, chất lượng các máy bay của JASDF rất cao. Nòng cốt của họ là các tiêm kích F-15J và F-2 (một biến thể sản xuất tại Nhật Bản của F-16). JASDF đã lên kế hoạch mua 42 tiêm kích tàng hình F-35. Bên cạnh đó, họ đang triển khai chương trình phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X. Họ có phi đội chỉ huy và cảnh báo sớm trên không khá hùng hậu với 4 chiếc E-767 và 13 chiếc E-2C Hawkeye. Các phi công của JASDF có chất lượng đào tạo rất tốt, họ thường xuyên tham gia tập trận không chiến Red Flag với Không quân Mỹ. Máy bay hiện đại, chất lượng đào tạo tốt là lý do đưa họ trở thành 1 trong 5 lực lượng không quân mạnh nhất thế giới.
Trong khi đó, Không quân Trung Quốc (PLAAF) là lực lượng có tốc độ phát triển chóng mặt trong thời gian gần đây. Họ có khoảng 1.321 máy bay tiêm kích và cường kích, 134 máy bay ném bom hạng nặng và tiếp dầu trên không, 20 máy bay do thám. Trong kho vũ khí của PLAAF còn có khoảng 700 trực thăng chủ yếu là vận tải. Quy mô PLAAF tương đối lớn nhưng đa phần trang thiết bị máy bay của họ thuộc thế hệ cũ. Các tiêm kích hiện đại nhất của họ là Su-30MKK của Nga, J-11 do họ sao chép từ Su-27 và tiêm kích J-10, cường kích JH-7 sản xuất trong nước. PLAAF đang tích cực hiện đại hóa lực lượng với 2 chương trình phát triển tiêm kích tàng hình J-20 và J-31. Phát triển tiêm kích trên hạm J-15 hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh. Có tin đồn cho rằng, PLAAF đang phát triển một máy bay ném bom chiến lược mới.