Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChủ trương, chính sách nổi bật của Indonesia trong nhiệm kỳ thứ...

Chủ trương, chính sách nổi bật của Indonesia trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Jokowi

Trong nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Joko Widodo có kế hoạch sử dụng 5 năm tới để thực hiện các cải cách kinh tế nhằm đưa Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của Indonesia trên biển.

Với số phiếu 55,5%, chiến thắng của đương kim Tổng thống Joko Widodo đã vượt xa so đối thủ của ông cựu tướng quân đội Prabowo Subianto, người có liên minh với các nhóm Hồi giáo cứng rắn, liên tục gây ra mối lo ngại ở quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới. Trong nhiệm kỳ thứ hai, vấn đề kinh tế và biển đảo sẽ được coi là một trong những điểm nhấn của ông Joko Widodo.

Những khó khăn, thách thức tồn tại trong nhiệm kỳ đầu

Từ năm 2014 đến nay, Indonesia đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 7% mà ông Jokowi đề ra, một phần bởi ông thận trọng với những biện pháp được cho là có thể đưa Indonesia trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với vốn đầu tư nước ngoài.

Trong 5 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Jokowi đã triển khai một số cải cách thân thiện với thị trường như hạn chế trợ cấp giá xăng dầu, nhờ đó giúp định hạng tín nhiệm quốc gia của Indonesia được nâng lần đầu tiên sau 2 thập kỷ. Cùng với đó, ông phê chuẩn loạt dự án hạ tầng với tổng trị giá hơn 300 tỷ USD, nhờ đó dẫn tới khai trương tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Indonesia sau 34 năm quy hoạch.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Jokowi cũng có nhiều sự trì hoãn về cải cách trợ cấp, đồng thời không ít lần khiến giới đầu tư lo ngại bằng cách theo đuổi chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên. Chính phủ của ông đã giành quyền kiểm soát tài sản từ những công ty Freeport-McMoRan Inc., Chevron Corp. và Total SA, nói rằng mục đích của việc này là nhằm đưa Indonesia từ một nước xuất khẩu tài nguyên thô thành một quốc gia cung cấp hàng hóa đã qua chế biến.

Không những vậy, đồng nội tệ của Indonesia đã giảm giá mạnh trong năm 2018, trong một đợt biến động của các thị trường mới nổi, rớt xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ. Những điểm yếu này là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi Indonesia, cộng thêm nhập khẩu xăng dầu ở mức cao, góp phần khiến thâm hụt cán cân vãng lai của nước này lên tới gần 3% GDP.

Giới quan sát nhận định, nhiệm kỳ tới của ông Widodo sẽ là một chặng đường gập ghềnh. Các lực lượng kinh tế sẽ buộc ông ấy phải để ý tới cải cách, nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn ông ấy sẽ đẩy nhanh cải cách, vì ông ấy đã chứng tỏ thích sự thận trọng hơn. Một nguyên nhân quan trọng khiến Indonesia chưa thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mà ông Jokowi đề ra là bởi nước này không thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Tình trạng này là kết quả của các quy định ngặt nghèo về lao động của Indoneia khiến những ngành có hàm lượng lao động cao “khó sống”, đồng thời khiến các công ty khó thu hút lao động nước ngoài trình độ cao. Đây là một phần trong thách thức lớn đối với Indonesia, đòi hỏi phải có sự cải cách về luật lao động, cải thiện môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng.

Cải cách kinh tế

Phát biểu tại một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Joko Widodo cho biết ông có kế hoạch sử dụng 5 năm tới để thực hiện các cải cách kinh tế nhằm đưa Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2045. Ông cho biết, “chiến lược của tôi là quản lý đất nước này như một quốc gia, không phải là một doanh nghiệp. Một số tác động của các chương trình y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng sẽ được cảm nhận sau này khi tôi không còn là Tổng thống. Nhưng chúng ta không thể tính đến kết quả ngắn hạn khi nói về lợi ích dài hạn của quốc gia”. Tổng thống Joko Widodo cũng có kế hoạch cắt giảm bộ máy quan liêu trong nước, để tăng đầu tư nước ngoài và tiếp tục dự án cơ sở hạ tầng trị giá 400 tỷ USD. Cuộc cải tổ nội các, để loại bỏ ba Bộ trưởng phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, dự kiến ​​sẽ diễn ra sau khi tháng chay Ramadan kết thúc vào tháng Sáu tới đây.

Tuy nhiên, ông Joko Widodo sẽ tránh những cải cách phức tạp không cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ dồi dào của Indonesia. Danh sách hàng đầu của chương trình nghị sự là dỡ bỏ các rào cản pháp lý đối với thương mại và đầu tư, giảm sự cứng nhắc trong quy định lao động và tài trợ và cung cấp chi tiêu công sản xuất cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Ngoài ra, để duy trì khả năng phục kinh tế, Tổng thống Indonesia Jokowi cũng cần giải quyết một loạt vấn đề vốn ảnh hưởng đến kinh tế nước này trong nhiều năm qua, cụ thể: Đầu tiên là sự yếu kém của ngành sản xuất. Ngành này đã chứng kiến mức tăng trưởng giảm đáng kể, xuống còn 3,9% trong quý I/2019, mức thấp nhất kể từ quý III/2017, bất chấp việc Tổng thống Jokowi đã ban hành 17 gói kích thích kinh tế để củng cố lĩnh vực sản xuất. Khu vực sản xuất – vốn là thành phần có đóng góp lớn nhất vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia và là nguồn cung cấp việc làm lớn nhất – dường như đã bị các nhà đầu tư cho đứng ngoài cuộc vì sự bùng nổ hàng hóa trước năm 2013 đã thu hút họ vào lĩnh vực hàng hóa. Khi sự bùng nổ hàng hóa kết thúc, nước này chỉ còn lại một khu vực sản xuất yếu kém. Do vậy, thúc đẩy phát triển sản xuất là một ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Jokowi.

Tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm khi chỉ đạt mức tăng 5% trong quý I/2019 – mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả đầu tư vốn trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Jokowi. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoặc gần hoàn thành, song có những dấu hiệu cho thấy sự thiếu sức mạnh tổng hợp và thiếu tích hợp giữa các dự án đã ảnh hưởng đến hiệu suất. Trong khi đó, một số dự án không hiệu quả là do sự chậm trễ dẫn đến chi phí vượt quá dự toán ban đầu, cộng với việc thiếu giám sát dẫn đến tình trạng tham nhũng. Các dự án về cơ sở hạ tầng bị Ủy Ban chống tham nhũng (KPK) điều tra đã cho thấy một số lượng tiền lớn bị thất thoát và đây là một tổn thất lớn đối với chính phủ.

Thứ hai, năng lượng là một lĩnh vực mà chính phủ cần có một chính sách toàn diện và chặt chẽ. Chính sách năng lượng bị phân mảnh, không rõ ràng và thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi mạo hiểm đầu tư vốn dài hạn. Ông Jokowi phải thực hiện cam kết mạnh mẽ hơn để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu hóa thạch. Ngành năng lượng tái tạo cần phải được tăng tốc trong thời gian tới. Do cần nguồn đầu tư lớn, chính phủ cần đơn giản hóa các quy định và áp dụng các chính sách ưu đãi phù hợp. Việc thiết kế một chính sách năng lượng sẽ bao gồm một mạng lưới phức tạp của các thành phần khác nhau trong kinh tế vĩ mô, như lợi ích doanh nghiệp, chính trị, môi trường, cũng như đa dạng hóa năng lượng và an ninh năng lượng… Do vậy, cần phải có một sự cân bằng giữa các lực lượng khác nhau để tạo ra một chính sách năng lượng đáng tin cậy.

Thứ ba, cán cân thanh toán vẫn dễ bị tổn thương trước sự đảo chiều đột ngột của dòng vốn. Chính sách của ông Jokowi nên bao gồm các kế hoạch mở rộng và làm sâu sắc thị trường vốn Indonesia, vốn còn nhỏ và chưa phát triển. Một trong những hệ quả của tình trạng này là sự thống trị của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu chính phủ (bằng đồng rupiah). Sự kết hợp của một thị trường chưa có chiều sâu, các tổ chức, nhà đầu tư trong nước phát triển nhỏ, lẻ và sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài có uy tín cao đã khiến Indonesia dễ bị ảnh hưởng bởi sự đảo ngược dòng vốn.

Thứ tư, ông Jokowi cần cải thiện năng suất lao động do chỉ số này thấp so với các nước láng giềng. Điều này đã cản trở khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cải cách giáo dục cũng cần được đẩy mạnh bởi đây là một yếu tố quan trọng trong phát triển của con người. Giáo dục chất lượng thấp và lao động có tay nghề thấp đã dẫn đến năng suất thấp trong nền kinh tế. Tỷ lệ những người tham gia vào thị trường việc làm có trình độ giáo dục đại học đã giảm xuống còn 7% năm 2018, so với mức 39% năm 2017. Khoảng 90% số người mới tham gia thị trường lao động chỉ mới tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bên cạnh giáo dục, chăm sóc sức khỏe là vấn đề cũng cần được giải quyết, vì điều này liên quan đến cải thiện chất lượng cuộc sống và năng suất lâu dài, vì suy dinh dưỡng trẻ em vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Hơn 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi ở Indonesia bị suy dinh dưỡng mãn tính. Tỷ lệ này cao hơn ở Myanmar, Philippines và Việt Nam. Suy dinh dưỡng cùng với vệ sinh không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng thấp còi ở trẻ em. Mỗi ngày, 14.000 em bé được sinh ra ở Indonesia và 5.000 trẻ có thể bị còi cọc, cản trở sự phát triển về thể chất cũng như trí tuệ, dẫn đến chỉ số IQ thấp.

Vấn đề chủ quyền biển đảo

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Widodo tiếp tục triển khai chính sách biển đảo trên nền tảng chủ trương, chính sách đề ra trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, Indonesia sẽ tích cực triển khai một số biện pháp để phấn đấu trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển, đảm bảo chủ quyền và độc lập, đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới phù hợp với lợi ích quốc gia của Indonesia.

Theo đó, chính sách Biển của Indonesia sẽ đi sâu vào việc quản lý tối ưu và phát triển bền vững tài nguyên biển; phát triển chất lượng nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ biển; phát triển lực lượng an ninh quốc phòng biển mạnh; tăng cường chủ quyền, luật pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương tốt; đảm bảo phúc lợi xã hội công bằng cho người dân ở khu vực ven biển và các đảo nhỏ; gia tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng của kinh tế và các ngành công nghiệp gắn với biển; xây dựng cơ sở hạ tầng biển chắc chắn; lên kế hoạch quản lý không gian biển; bảo vệ môi trường biển; ngoại giao biển; và xây dựng bản sắc văn hóa biển.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Tổng thống Widodo sẽ đề ra các chính sách tập trung trong 7 trụ cột gồm quản lý tài nguyên biển và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường quốc phòng an ninh từ biển, chấp pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương; phát triển kinh tế biển, cơ sở hạ tầng và phồn vinh cho người dân; quản lý không gian biển và bảo vệ môi trường biển; xây dựng văn hóa biển và xây dựng ngoại giao biển. Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ tập trung vào một số ưu tiên chính như biên giới biển, không gian biển và ngoại giao biển do Bộ Ngoại giao, Quân đội, Bộ các vấn đề biển và nghề cá và Bộ Thông tin chủ trì thực hiện; Công nghiệp biển và kết nối do Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Việc làm và nhà ở, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn chủ trì; Dịch vụ, tài nguyên biển và quản lý môi trường biển do Bộ các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Năng lượng và khoáng sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Môi trường và rừng chủ trì; Quốc phòng và an ninh biển do Quân đội, Bộ Quốc phòng, Cơ quan an ninh biển, Bộ Các vấn đề biển và nghề cá chủ trì; Văn hóa biển do Bộ Các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Giao thông, Bộ Nghiên cứu khoa học và giáo dục và Bộ Nhân lực chủ trì thực hiện.

Về vấn đề kiểm soát, ngăn chặn tàu cá các nước hoạt động trong “vùng biển” của Indonesia, Tổng thống Widodo sẽ tiếp tục thực hiện chính sách như hiện nay, song có phần cứng rắn và cương quyết hơn nhằm “cảnh báo” các nước láng giềng rằng Indonesia nghiêm túc chống lại chuyện đánh cá trái phép.

RELATED ARTICLES

Tin mới