Khi căng thẳng đến đỉnh điểm, Trung Quốc sẽ hạn chế chiến tranh hạt nhân và tấn công bằng vũ khí thông thường. Họ sẽ dàn dựng nó như một buổi diễn ‘Kinh Kịch’.
Ảnh minh họa: Binh sĩ Mỹ và Trung Quốc trong một sự kiện.
Trung Quốc “chủ quan khinh địch” hay đang ngầm xây dựng kịch bản tấn công?
Ngày 5/6 tờ China Daily của Trung Quốc xuất bản bài viết của nhà báo Lý Dương có tựa đề “Quan hệ quân sự vẫn ổn định trong tổng thể quan hệ Trung-Mỹ”.
Nhà báo Lý Dương bình luận:
“Chiến lược được gọi là Ấn Độ-Thái Bình Dương tập trung vào Châu Á và là di sản của người tiền nhiệm Shanahan James Mattis.
Tuy nhiên chúng ta có thể truy nguyên nguồn gốc từ chính sách của chính quyền Barack Obama “xoay trục về châu Á” và chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của Chính quyền George W. Bush.
Tuy nhiên, các chiến lược kể trên đều loại bỏ vai trò của Trung Quốc, hành động được coi là “rút xăng” ra khỏi khối động cơ tăng trưởng mạnh nhất thế giới, và ngăn không cho Trung Quốc phát triển quan hệ chặt chẽ với phần còn lại của khu vực.
Hòa bình, ổn định và hợp tác là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực, và người dân địa phương đã chứng minh rằng họ có khả năng và ý chí chung để giải quyết sự khác biệt của họ và kiểm soát sự khác biệt của họ.
Điểm mấu chốt của Đối thoại Shangri-La năm 2019, mà Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tham dự lần đầu tiên sau 8 năm là Bắc Kinh đã đưa ra thông điệp luôn sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ “lợi ích cốt lõi”.
Trên thực tế, Lầu Năm Góc không đặt hy vọng chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mang lại bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Ở cương vị Siêu cường quốc, Mỹ phải duy trì sự hiện diện quân sự lớn ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng khu vực này đã khác so với thời điểm Mỹ thống trị trong khu vực nhờ sự toàn cầu hóa kinh tế biến Hoa Kỳ trở nên vô địch trước đây.
Một lần nữa Trung Quốc nhấn mạnh một thực tế là quan hệ quân sự giữa hai bên vẫn là yếu tố ổn định cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh”.
Như vậy người Trung Quốc đã tự nhận định rằng mối quan hệ quân sự Trung – Mỹ là ổn định và việc người Mỹ leo thang các hoạt động ở Biển Đông chỉ là “nhất thời hồ đồ” khi họ chưa nhận ra rằng ai mới là “bá chủ” khu vực này.
Tuy nhiên nếu “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc bị chạm tới (tức là các thực thể phi pháp trên biển) thì họ sẽ hành động, và họ có thể đang lên kế hoạch cho một hành động quân sự như vậy.
Còn người Mỹ, họ đã chuẩn bị tâm lý như thế nào với cuộc chiến? Hành động của họ có phải là “hồ đồ”?
Nếu Trung Quốc tấn công Mỹ – Sẽ là chiến tranh hạt nhân hay vũ khí thông thường?
Trong bài viết ngày 28/3 của nhà phân tích Sam Goldsmith được đăng trên tờ Naval War College Review, tác giả này cho rằng Quân đội Mỹ phải tìm mọi cách đánh bại mọi nỗ lực của Trung Quốc để tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ bằng các vũ khí phi hạt nhân.
“Trung Quốc có khả năng sẽ hạn chế chính mình bằng việc sử dụng các loại vũ khí thông thường trong cuộc xung đột cường độ cao có tiềm năng xảy ra với Hoa Kỳ.
Vấn đề quan trọng là Trung Quốc đã sở hữu khả năng tấn công tầm xa và có thể dàn dựng nó như một buổi Kinh Kịch (Nghệ thuật truyền thống Trung Quốc tương tự hát tuồng).
Một khả năng chiến lược về một cuộc tấn công như vậy là một phương án mà Hoa Kỳ nên đối mặt và “khuất phục” Trung Quốc bằng cách phát triển một chiến lược chống tiếp cận hiệu quả”.
Trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Hoa Kỳ về các khu vực tranh chấp trên Thái Bình Dương, các lực lượng Trung Quốc có thể sẽ cố gắng vô hiệu hóa các lực lượng Mỹ được triển khai ở Nhật Bản và đảo Guam và trên biển.
Tiếp theo, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ tấn công các lực lượng tiếp viện của Hoa Kỳ hướng về phía tây tới chiến trường Thái Bình Dương.
Để thực hiện chiến lược này, PLA sẽ sử dụng cả 4 lực lượng trực thuộc của mình: Lục quân, Hải quân (PLAN), Không quân (PLAAF) và Lực lượng tên lửa chiến lược (PLARF).
Tàu ngầm của PLAN sẽ thực hiện các cuộc tấn công dưới biển chống lại tàu chiến và tàu ngầm Mỹ tại các cảng và trên biển, các cuộc tấn công mục tiêu trên bộ sẽ được thực hiện bằng tên lửa hành trình.
PLAAF sẽ thực hiện các cuộc đột kích nhằm vào máy bay Mỹ trên mặt đất hoặc trên không, cũng như các tàu chiến và tàu ngầm Mỹ ở cảng hoặc trên biển.
Các cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ sẽ được thực hiện bởi tên lửa không đối đất tầm xa được phóng từ máy bay chiến đấu PLAAF hoặc tên lửa đạn đạo được phóng từ lục địa Trung Quốc.
Người Mỹ chuẩn bị bẻ gãy Chiến tranh “Kinh Kịch” của Trung Quốc ra sao?
Nhà phân tích Sam Goldsmith nhận xét Hoa Kỳ nên xem xét đưa ra một chiến lược chống tiếp cận, được thiết kế đặc biệt để cân bằng chiến lược tấn công của PLA.
Mục đích cuối cùng sẽ là cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ một khả năng vượt trội để ngăn chặn cuộc tấn công đầu tiên của PLA, và nếu cần thiết là làm suy yếu PLA để tạo điều kiện cho các lực lượng Hoa Kỳ phản công.
Chiến lược chống tiếp cận của Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi 4 khả năng riêng biệt.
1. Khả năng phòng thủ thụ động trên toàn khu vực sẽ tăng cường khả năng của các lực lượng Mỹ được triển khai ở tuyến đầu sống sót sau các cuộc tấn công đầu tiên của PLA.
2. Khả năng tấn công bằng vũ khí thông thường sẽ cho phép quân đội Hoa Kỳ bắt đầu làm suy yếu năng lực của PLA ngay khi cuộc xung đột bắt đầu.
3. Khả năng phục hồi nhanh chóng sau tấn công sẽ khôi phục khả năng sử dụng các đường băng cơ bản sau các cuộc tấn công của PLA.
4. Khả năng phản ứng nhanh sẽ cho phép máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tầm xa Hoa Kỳ triển khai nhanh chóng đến các căn cứ của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.
Để làm giảm lợi thế của Trung Quốc, các nhà phân tích của Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA) đã khuyến nghị Lầu Năm Góc nên theo đuổi chiến lược quân sự về áp lực hải quân, bao gồm một khái niệm hoạt động quân sự “từ trong ra ngoài”.
Chiến lược này nhằm mục đích thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng cố gắng đối đầu quân sự với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đồng nghĩa với thất bại, do đó sẽ ngăn chặn các kế hoạch tấn công của họ.
Một số lực lượng như Quân đội Hoa Kỳ và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ với các hệ thống tên lửa di động, được hỗ trợ bởi một số tàu Hải quân Hoa Kỳ và các phi đội nhỏ của Không quân Hoa Kỳ sẽ triển khai kiểm soát các đảo chiến lược gần Trung Quốc.
Các lực lượng “bên trong” này sẽ giúp chọc thủng các tuyến phòng thủ của Trung Quốc và giúp các lực lượng phản công tiếp theo tiếp cận chiến trường.
Tuy nhiên chiến lược này sẽ tiềm ẩn rủi ro, các nhà phân tích lưu ý, thực hiện khái niệm phòng thủ “từ trong ra ngoài” này sẽ yêu cầu một số lực lượng Mỹ hoạt động trong tầm bắn của Trung Quốc.
Điều quan trọng nhất là người Mỹ phải đảm bảo rằng những lực lượng “bên trong” này sống sót sau cuộc tấn công của Trung Quốc.
Tên lửa trên các căn cứ trên đất liền, khả năng hồi phục sau tấn công nhanh chóng và các khái niệm để triển khai nhanh các lực lượng tăng cường trên không có thể giúp các lực lượng Hoa Kỳ phục hồi và đảo ngược, gây bất ngờ cho quân Trung Quốc ngay sau khi bị “phủ đầu”.
Câu hỏi cuối cùng là xung đột ở Tây Thái Bình Dương sẽ diễn ra ở đâu? Biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải, biển Philippines hay Biển Đông?