Đây là hội nghị quốc tế uy tín diễn ra thường niên, thảo luận về các xu hướng phát triển quan trọng trong khu vực và thế giới, diễn ra từ ngày 30-31/5/2019 tại Nhật Bản.
Thành phần tham dự Hội nghị là các nguyên thủ, lãnh đạo chính phủ các nước
Hội nghị diễn ra từ ngày 30-31/5/2019 tại Tokyo, Nhật Bản, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của nhiều nước châu Á, trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte; Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad; Thủ tướng Campuchia Samdec Techo Hun Sen; Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith; Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina; Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Gombojav Zandanshatar; Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat cùng lãnh đạo nhiều viện nghiên cứu, tập đoàn lớn trên thế giới.
Chủ đề, nội dung của Hội nghị là về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và trật tự nền kinh tế hiệ nay
Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 diễn ra trong hai ngày 30 và 31/5, với chủ đề “Tìm kiếm một trật tự thế giới mới – Vượt qua sự hỗn loạn”. Các diễn giả tham dự hội nghị thảo luận về các thách thức đang đe dọa phá vỡ cấu trúc toàn cầu, trong đó các vấn đề nổi bật là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, việc các nền kinh tế lớn rời bỏ hoặc làm suy yếu các hiệp định thương mại tự do, phá bỏ các mối liên kết đã định hình thế giới trong 7 thập niên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về các biện pháp của các quốc gia và giới doanh nghiệp châu Á ứng phó với cuộc chiến thương mại này cũng như vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực. Châu Á đang nổi lên như trung tâm của các xung đột sẽ định hình thế giới trong thế kỉ 21, và các diễn giả tập trung thảo luận về hướng đi mới cho khu vực nhằm duy trì đà phát triển và thịnh vượng của các quốc gia.
Được bắt đầu từ năm 1995, đến nay Hội nghị Tương lai châu Á đã được thừa nhận là hội nghị quốc tế hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo và các chuyên gia có thể trao đổi quan điểm về các vấn đề hệ trọng của khu vực.
Tại Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 24 (6/2018), các nước tham dự đã đặt trọng tâm thảo luận những xung đột thương mại toàn cầu đang nổi lên trong thời gian gần đây và thái độ của các quốc gia châu Á trước chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Malaysia Mahathir Bin Mohamad nhận định những quốc gia như Malaysia cần áp dụng chính sách bảo hộ cho những ngành công nghiệp non trẻ và các quốc gia có mức độ phát triển khác nhau cần được đối xử khác nhau trong vấn đề tự do thương mại.Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Việt Nam Trương Hòa Bình đã có bài phát biểu khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với thương mại tự do, nhấn mạnh đến vai trò tích cực của thương mại trong việc giúp châu Á vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một số phát biểu quan trọng tại Hội nghị
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giaoViệt Nam Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Hội nghị, trong đó nhấn mạnh môi trường quốc tế thay đổi nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội quan trọng cho các quốc gia châu Á. Với chính sách đúng đắn, các quốc gia châu Á có thể phát huy thế mạnh của mình, tận dụng xu thế phát triển mới và tham gia, thậm chí dẫn dắt quá trình định hình các khuôn khổ hợp tác quốc tế mới. Vì lợi ích của chính mình và của cả thế giới, các quốc gia châu Á phải đi đầu, thúc đẩy hợp tác hướng tới một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, hợp tác, bền vững và hiệu quả hơn. Để đạt mục tiêu đó, những việc các quốc gia châu Á cần làm là: i) Đẩy mạnh tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, các sáng kiến kết nối khu vực, để duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển, thúc đẩy thương mại và đầu tư. ii) Đề cao chủ nghĩa đa phương bao trùm và quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia trên cơ sở các chuẩn mực và luật pháp quốc tế nhằm tăng cường gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế, có được sự thống nhất về ưu tiên và phối hợp hành động để chung tay giải quyết các thách thức chung. iii) Khuyến khích cách tiếp cận mới lấy con người làm trung tâm để có được sự phát triển hài hòa. Đó là sự hài hòa giữa con người và xã hội, bảo đảm tăng trưởng bao trùm. Đó còn là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, phát triển kinh tế song hành với quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng là sự hài hòa giữa con người và công nghệ, bảo đảm quyền lợi của người lao động trước tác động của tiến bộ công nghệ. Và không kém phần quan trọng là sự hài hòa giữa các giá trị, bảo đảm sự đa dạng văn hóa, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Là nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới, Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của châu lục trong những thập kỷ qua. Với ASEAN, Nhật Bản là đối tác quan trọng, đã hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của cả Hiệp hội và mỗi thành viên, và ủng hộ tích cực tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực và thế giới. Chúng tôi ủng hộ các sáng kiến của Nhật Bản về hạ tầng chất lượng cao, về kết nối khu vực và mong muốn Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn trong thu hẹp thiếu hụt hạ tầng cơ sở ở châu Á và thế giới. Việt Nam cũng mong rằng, trong vai trò chủ nhà G20 năm 2019, Nhật Bản sẽ dẫn dắt G20 đạt được những bước tiến mới trong hợp tác ứng phó các thách thức chung toàn cầu, tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với hệ thống thương mại đa phương phổ cập, cởi mở, minh bạch, trên cơ sở luật lệ, và thúc đẩy cải cách WTO để bảo đảm hiệu quả hoạt động của tổ chức trong tình hình mới.
Chính sách nhất quán của Việt Nam
Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn trân trọng và gìn giữ giá trị của hòa bình, ổn định, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; ủng hộ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu. Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy hòa bình, ổn định, vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu. Với quan điểm như vậy, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.