Trong bối cảnh căng thẳng thương chiến Mỹ – Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt, truyền thông Trung Quốc đã dùng tới chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để khẳng định quyết tâm không nhượng bộ của Bắc Kinh.
Trong bài xã luận đăng ngày 5-6, tờ Học Tập Thời báo (Study Times) xuất bản bởi Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định tinh thần và quyết tâm của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh Triều Tiên trong thập niên 1950 “có liên quan tới ngày nay”.
“Khi đối mặt với sự hăm dọa về ngoại giao cùng năng lực quân sự và kinh tế hàng đầu thế giới (của Mỹ), quân tình nguyện Trung Quốc đã tận dụng tối đa tinh thần của đảng về việc không sợ áp lực, dám chiến đấu và giỏi chiến đấu” – Học Tập Thời Báo nêu ra.
Bài xã luận khẳng định: “Đến ngày nay, tinh thần đó vẫn còn đáng được đánh giá cao và đẩy mạnh”.
Theo Hãng tin Reuters, bài xã luận này không đề cập trực tiếp tới chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhưng rõ ràng đã đưa ra thông điệp liên quan tới thương chiến trong bối cảnh phía Trung Quốc liên tục cáo buộc Mỹ gây sức ép để Bắc Kinh phục tùng trong vấn đề thương mại.
Trong chiến tranh Triều Tiên cách đây hơn nửa thế kỷ, Triều Tiên và Trung Quốc đã có cuộc đối đầu với các lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, theo Học Tập Thời Báo, khi ngồi vào bàn đàm phán lúc bấy giờ, Trung Quốc và Triều Tiên đã không nhượng bộ trước cái gọi là “bá quyền” của Mỹ và không chấp nhận các điều khoản được ký kết dưới sự ép buộc.
Bài xã luận viết rằng cuối cùng vào năm 1953, thỏa thuận đình chiến đã được ký kết, với phần lớn nội dung dựa trên đề xuất ban đầu của Trung Quốc và Triều Tiên.
Căng thẳng thương chiến Mỹ – Trung hiện vẫn “cháy” âm ỉ và không có lối thoát. Sau khi hai bên không đạt thỏa thuận thương mại mà theo Washington là do Trung Quốc “lật lọng vào phút chót”, Bắc Kinh cho biết hiện sẵn sàng tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông hi vọng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này ở Nhật Bản, dù phía Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận.