Vào lúc 12h06 (giờ địa phương) hôm 5/6, Trung Quốc phóng thành công tên lửa đẩy “Trường Chinh – 11” trên vùng biển Hoàng Hải mang theo 7 vệ tinh nhỏ.
Trung Quốc cho biết, tên lửa đẩy “Trường Chinh – 11” sử dụng lần này dài chưa tới 21m, chỉ bằng 1/2 các loại tên lửa khác, đường kính thân 2m, là loại tên lửa nhỏ, tiện cho việc vận chuyển và phóng lên quỹ đạo. “Trường Chinh – 11” có thể mang theo vật thể khoảng 500kg và đưa vào quỹ đạo cách mặt đất 500km. Loại tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn bảo vệ môi trường, các mảnh vỡ không gây nguy hại tới các vùng biển xung quanh và đã phóng thành công 6 lần trên mặt đất.
Ông Kim Hâm, Phó Tổng chỉ huy tên lửa “Trường Chinh – 11” cho biết: “Chúng tôi đã xem xét nghiêm túc các công nghệ then chốt trong phóng tên lửa trên biển, tạo đột phá thông qua khắc phục những khó khăn mấu chốt. Từ năm ngoái đến năm nay, chúng tôi tập trung làm rất nhiều việc để đảm bảo có thể phóng thành công tên lửa từ trên biển, như: mô phỏng, thử nghiệm. Giờ đây, chúng tôi đã nắm bắt toàn bộ công nghệ này.”
Trong số các vệ tinh phóng lần này, cặp vệ tinh “Bổ Phong – 1A” và “Bổ Phong – 1B” là một bước đột phá trong đo đạc trường gió bề mặt biển, giúp nâng cao khả năng đo đạc 24/24, cũng như năng lực giám sát bão và dự báo chuẩn xác các hiện tượng khí tượng. Số còn lại là các vệ tinh thông tin và quan trắc mặt đất.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, việc phóng tên lửa trên biển có tính linh hoạt cao, khả năng thích ứng tốt, kinh tế tiết kiệm, có thể lựa chọn địa điểm phóng và khu vực đáp xuống một cách linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu về quỹ đạo và việc phóng các vệ tinh thương mại nhỏ.
Theo số liệu thống kê, trong 10 năm tới, Trung Quốc có nhu cầu phóng khoảng 1.700 vệ tinh thương mại nhỏ, trong khi đó quốc tế là khoảng 6200 vệ tinh.
Được biết, đây là lần phóng thứ 306 của dòng tên lửa đẩy “Trường Chinh”. Hiện Trung Quốc đang nghiên cứu sản xuất tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn kích thước lớn hơn, có thể đem theo vật thể 1,5 – 2 tấn và phóng vào quỹ đạo cách mặt đất 700km