Trung Quốc né đòn trừng phạt của Mỹ bằng cách dịch chuyển các cơ sở sản xuất hoặc dán nhãn hàng của các nước láng giềng để xuất khẩu sang Mỹ.
Theo một bài viết trên trang web của Sputnik cho biết, không thể nói về việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung được nữa, bởi xung đột chỉ có thể gia tăng thêm cường độ chứ không thể nhanh chóng hạ nhiệt, chứ đừng nói là kết thúc.
Trong khi Nhà Trắng đang tăng thuế, Bắc Kinh đã sử dụng các sơ đồ cho phép họ tiếp tục bán hàng hóa sang Mỹ và thậm chí tăng kim ngạch xuất khẩu, bỏ qua các hạn chế. Những ai giúp Trung Quốc duy trì thặng dư thương mại với Hoa Kỳ? Và lý do tại sao doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng chuyển cơ sở sản xuất sang các nước láng giềng và Nga?
Xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ có thực sự giảm?
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm với tỷ lệ hàng năm là 12% (tương đương với 15,2 tỷ dollars). Những suy giảm liên tiếp này đã khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào tháng 3 đã giảm xuống còn 20,75 tỷ USD, ở mức cách đây 5 năm. Thông tin nhận được trước lần cuối cùng Mỹ tăng thuế cho thấy, con số thâm hụt này có thể sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trên ấn phẩm kinh doanh Nikkei Asian Review khiến số liệu này trở nên đáng ngờ.
Sau khi phân tích dữ liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và kiểm tra sự dịch chuyển hàng hóa giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, các nhà phân tích phát hiện ra hậu quả của việc tăng thuế của Mỹ đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc không phải là quá thảm khốc. Các chuyên gia ghi nhận sự gia tăng “xuất khẩu đường vòng”, che giấu nguồn gốc thực sự của hàng hóa Trung Quốc, với nhiều quốc gia trung gian đang giúp tổ chức việc đó.
Tạp chí Nikkei Asian Review đã nghiên cứu năm nhóm hàng hóa xuất khẩu chính của Trung Quốc với thiệt hại lớn nhất từ sự tăng thuế nhập khẩu của Mỹ, bao gồm: Máy móc xây dựng, thiết bị điện và ô tô cùng với phụ tùng linh kiện, đồ nội thất, đồ chơi. Theo đó, từ tháng 1-tháng 3, xuất khẩu của năm nhóm hàng hóa này từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã thực sự giảm 16% (tương đương 12,2 tỷ dollars); nhưng thực tế khối lượng xuất khẩu những hàng hóa này từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ lại tăng lên, thông qua các nước như Đài Loan hay Mexico.
Như vậy, các sản phẩm của Trung Quốc xuất từ các nước trung gian đến Hoa Kỳ đã tăng thêm 58% (tương đương với 2,7 tỷ dollars). Trong đó, xuất khẩu hàng hóa năm nhóm này từ Trung Quốc sang Đài Loan tăng 23% trong ba tháng và từ Đài Loan sang Mỹ tăng 31%.
Những lý do rất rõ ràng: Để bù đắp tổn thất do thuế của Mỹ, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tạo ra chuỗi cung ứng mới. Kể từ khi Washington đưa ra các mức thuế cấm nhập, sáu quốc gia ở Đông Nam Á và Đài Loan đã tổ chức giao gần 1600 loại hàng hóa mới mà trước đây họ chưa từng bán ở Hoa Kỳ.
Trung Quốc “xuất khẩu vòng” sang Mỹ từ các nước trung gian
Thực tế là các nhà sản xuất Trung Quốc đã, đang và sẽ tính cách để lách luật của Mỹ – các chuyên gia đã cảnh báo vào hồi năm ngoái.
“Trong ngắn hạn, các hạn chế thương mại dẫn đến cách giải quyết lách luật, bởi thực tế là hầu hết các sản phẩm Trung Quốc đều có lợi nhuận thấp và mức thuế 10% thực sự là đã ăn hết lợi nhuận của nhà sản xuất”, Dein Chamorro, đối tác cao cấp của công ty tư vấn Control Risks (Sigapore) cho biết.
Trong nhiều năm, người Trung Quốc đã xây dựng các sơ đồ “xuất khẩu đường vòng” trong buôn bán mật ong. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nhà sản xuất sản phẩm này lớn nhất thế giới, nhưng kể từ năm 2001, các trung gian địa phương đã phải chịu thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ.
Họ đã thành công vượt qua các hạn chế bằng cách gửi những thùng mật ong khổng lồ không nhãn mác đến một số nước Đông Nam Á như Thái Lan. Ở đó, sản phẩm được đóng gói trong các lon và dán nhãn địa phương.