Ngày 18/4 vừa qua, trong một phiên họp toàn thể, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn một nghị quyết khẩn cấp, kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý tới tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc, nhất là đối với cộng đồng dân tộc thiểu số và cộng đồng tín ngưỡng ở quốc gia này. Đặc biệt, lần đầu tiên Nghị viện châu Âu lên tiếng kêu gọi Hội đồng châu Âu ra lệnh cấm vận các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, và kêu gọi các nước châu Âu nói riêng cũng như phương Tây nói chung dừng xuất khẩu công nghệ và hàng hóa phục vụ cho hệ thống theo dõi công dân độc tài của ĐCSTQ.
Mở đầu, nghị quyết nhấn mạnh việc Liên minh châu Âu cam kết “đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm trong các mối quan hệ với tất cả các nước khác, bao gồm cả các đối tác chiến lược”, đồng thời nhân quyền, dân chủ và pháp quyền sẽ được thúc đẩy trong “tất cả các hoạt động đối ngoại của Liên minh châu Âu mà không có ngoại lệ”.
Chính vì vậy, Nghị viện châu Âu bày tỏ lo ngại đối với hàng loạt các vấn đề nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc:
- Trung Quốc là nơi có những nhóm tù nhân tôn giáo lớn nhất thế giới.
- Các quy định mới về vấn đề tôn giáo có hiệu lực vào ngày 1/2/2018 đã hạn chế nghiêm ngặt hơn hơn đối với các nhóm tôn giáo và hoạt động tôn giáo, buộc họ phải tuân thủ chặt chẽ hơn các chính sách của đảng.
- Các cộng đồng Kitô giáo phải đối mặt với sự đàn áp ngày càng tăng ở Trung Quốc.
- Tình hình ở Tân Cương, nơi có 10 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh sinh sống, ngày càng xấu đi. Hàng chục ngàn tới hàng triệu người bị giam giữ trong trại cải tạo không qua xét xử. Chính phủ Trung Quốc đã từ chối nhiều yêu cầu tới Tân Cương từ nhiều nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc.
- Tình hình ở Tây Tạng đã xấu đi trong vài năm qua với việc chính quyền Trung Quốc cắt giảm một loạt các quyền con người dưới cái cớ an ninh và ổn định, và tham gia vào các cuộc tấn công không ngừng chống lại bản sắc và văn hóa Tây Tạng.
- Mạng lưới giám sát công nghệ cao đang hoạt động trên khắp Trung Quốc, với công nghệ nhận dạng khuôn mặt và thu thập dữ liệu.
Từ đó, Nghị viện châu Âu yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt các hành vi đàn áp tín ngưỡng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người tập Pháp Luân Công, người Tây Tạng, cộng đồng Kitô giáo; thả ngay các cá nhân được nhắc tới đặc biệt, bao gồm cả một người Thụy Điển và hai người Canada.
Đáng chú ý, đối với các nước thành viên, Nghị viện châu Âu kêu gọi:
- Kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu EU ngăn chặn mọi hoạt động do chính quyền Trung Quốc thực hiện trên lãnh thổ EU nhằm quấy rối cộng đồng người Turk, người Tây Tạng và các nhóm tôn giáo hoặc sắc tộc khác để buộc họ làm người cung cấp thông tin, buộc họ quay trở lại Trung Quốc hoặc buộc họ im lặng.
- Kêu gọi các quốc gia thành viên giám sát tình hình nhân quyền đáng lo ngại ở Tân Cương mạnh hơn, bao gồm cả hành vi đàn áp và giám sát của chính phủ, và lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
- Kêu gọi Hội đồng châu Âu xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chịu trách nhiệm về vấn đề đàn áp ở Khu tự trị Tân Cương.
- Kêu gọi EU, các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế tạm dừng mọi hoạt động xuất khẩu và chuyển giao công nghệ, hàng hóa và dịch vụ – những thứ đang được Trung Quốc sử dụng để mở rộng và cải thiện bộ máy giám sát công nghệ cao. Đồng thời bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đã đang xuất khẩu công nghệ này tới các quốc gia độc tài khác trên toàn thế giới.
Trong rất nhiều nghị quyết lên án nhân quyền ở Trung Quốc, lần đầu tiên sau nhiều năm, Nghị viện châu Âu đề cập tới việc cấm vận và ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một động thái mạnh mẽ, nằm trong một bối cảnh chung trên thế giới, khi hàng loạt quốc gia công khai gây áp lực tới chính quyền ĐCSTQ trước thực trạng nhân quyền của nước này. Cùng với những áp lực về thương chiến, áp lực nhân quyền cũng khiến chính quyền ĐCSTQ ngày càng lo sợ hơn.
Châu Âu không phải là nơi duy nhất đang cân nhắc tới lệnh cấm vận đối với quan chức Trung Quốc. Trước đó, các nghị sĩ Mỹ từ cả Thượng viện và Hạ viện đã lên tiếng kêu gọi chính quyền cấm vận Trung Quốc vì nhân quyền. Các chuyên gia cũng đang tác động tới chính phủ Canada nhằm cấm vận các quan chức Trung Quốc theo đạo luật Magnitsky được ban hành hơn 18 tháng trước.
Úc và Liên minh Châu Âu đã tham gia cùng Anh, Mỹ, Canada, Estonia, Latvia và Lithuania để dự lập một đạo luật Magnitsky quốc tế. Đạo luật này sẽ cho phép cộng đồng quốc tế có thể thực hiện nhiều biện pháp cấm vận các quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ý nghĩa của nó là việc cấm vận đối với chính quyền ĐCSTQ sẽ có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.