Trong chuyến thăm Nga bắt đầu từ ngày 5/6/2019 và tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc quyết định nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên mức đối tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới. Có ba câu hỏi đặt ra ở đây cần làm rõ: nội hàm “thời đại mới” là gì? Do đâu Nga và Trung Quốc quyết định nâng tầm quan hệ vào lúc này? Tác động của quan hệ Nga-Trung đối với thế giới sẽ thế nào?
Do đâu Nga và Trung Quốc quyết định nâng tầm quan hệ vào lúc này?
Về nội hàm thời đại mới
Thời đại mới mà Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói tới ở đây là có nhiều nét tương đồng với thời đại chuyển giao từ thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, phản ánh quy luật phát triển theo chu kỳ của chủ nghĩa tư bản thế giới.
Vào đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới đang chuyển dịch từ chu kỳ Anh trong thế kỷ XIX khi kết thúc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 sang chu kỳ Mỹ với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đang hình thành. Còn hiện nay, chủ nghĩa tư bản thế giới lại đang chuyển dịch từ chu kỳ Mỹ sang chu kỳ Châu Á trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự trỗi dậy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và ASEAN.
Vào đầu thế kỷ XX, sự chuyển dịch từ chu kỳ Anh sang chu kỳ Mỹ đã phải trải qua ba cuộc đại chiến là Chiến tranh thế giới lần thứ I, Chiến tranh thế giới lần thứ II và Chiến tranh lạnh, còn sự chuyển dịch từ chu kỳ Mỹ sang chu kỳ Châu Á đang chứng kiến một cuộc chiến tranh thế giới phức hợp (World Hybrid War) dưới hình thức cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện của Mỹ với Trung Quốc và Nga – hai quốc gia thách thức vị thế bá chủ thế giới của Mỹ đang bị lung lay kể từ cuộc khủng hoảng hệ thống bùng phát vào năm 2008 ở Hoa Kỳ và lan tỏa ra khắp toàn cầu. Cuộc cạnh tranh này đang diễn ra trên nhiều chiến tuyền và mang dáng dấp cuộc Chiến tranh lạnh trong thời đại mới.
Trong cuộc chiến tranh thế giới phức hợp này, Mỹ phải cùng một lúc đối đầu với Trung Quốc-đối thủ kinh tế chủ yếu và Nga-đối thủ quân sự hàng đầu. Đầu thế kỷ XX, để phát động Chiến tranh thế giới lần thứ I, các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ và Anh đã phá loại liên minh đã được hình thành giữa Nga và Đức ở Châu Âu. Hiện nay, lẽ ra Mỹ phải chia rẽ quan hệ liên kết giữa Nga và Trung Quốc, thì ngược lại, Tổng thống Donald Trump lại đang đồng thời “tuyên chiến” với cả hai cường quốc này. Vì thế, Nga và Trung Quốc phải liên kết với nhau để đối phó với Mỹ.
Không loại trừ khả năng cuộc chiến tranh thế giới phức hợp mà Mỹ đang tiến hành chống Trung Quốc và Nga trên nhiều chiến tuyến sẽ leo thang thành chiến tranh nóng. Đó là lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đầu tư ngân sách quân sự lớn nhất từ trước tới nay (trên 700 tỷ USD) để xây dựng Quân đội Mỹ thành đội quân mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ. Còn Nga và Trung Quốc cũng phải xúc tiến hiện đại hóa quân đội bằng những loại vũ khí hiện đại nhất.
Do đâu Nga và Trung Quốc nâng tầm quan hệ vào lúc này?
Có ba lý do khiến Nga và Trung Quốc nâng tầm quan hệ vào lúc này.
Lý do thứ nhất. Trên thực tế, quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung Quốc đã mang tính chất toàn diện và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Về kinh tế, Trung Quốc và Nga là những đối tác lớn của nhau, với kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD năm 2018. Trung Quốc cũng giữ vững vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong suốt 8 năm qua. Nga hiện là đối tác kinh tế quan trọng và là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Trung Quốc.
Về chính trị, Trung Quốc và Nga chủ trương đẩy mạnh hợp tác và phối hợp với nhau trên các diễn đàn quốc tế nhằm duy trì hệ thống quốc tế được xây dựng trên cơ sở Hiến chương LHQ và LHQ giữ vai trò trung tâm, thúc đẩy giải quyết các điểm nóng của thế giới bằng biện pháp đối thoại và hòa bình. Nga và Trung Quốc chủ trương theo đuổi lập trường chung về xây dựng trật tự thế giới đa cực. Ngoài ra, hợp tác Nga – Trung Quốc còn được triển khai trong các lĩnh vực quân sự, văn hóa, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo.
Tuy nhiên, nội dung và kết quả hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do đó, hai bên quyết định nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác này vừa đi vào vào chiều sâu, vừa thực chất hơn, lâu dài hơn trong một kỷ nguyên mới.
Lý do thứ hai. Năm nay Nga và Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Do đó quyết định nâng tầm quan hệ hợp tác lên mức cao nhất còn có ý nghĩa và tính chất biểu tượng.
Lý do thứ ba. Cả Nga và Trung Quốc đều có nhu cầu liên kết và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đối phó với sức ép ngày càng gia tăng từ phía Mỹ. Đối với Nga, đó là sức ép từ phía Mỹ liên quan tới việc hóa giải các điểm nóng Ukraine, Venezuela, Syria và sự mở rộng không ngừng của NATO sát biên giới Nga.
Đối với Trung Quốc, đó là sức ép từ sự cạnh tranh chiến lược toàn diện từ Mỹ. Đó là chiến tranh thương mại, cạnh tranh giữa “Made In China 2025” và “Made In America”, cạnh tranh giữa chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, cạnh tranh giữa mô hình kinh tế Trung Quốc và mô hình kinh tế Mỹ.
Quyết định của Nga và Trung Quốc nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện đã được thể hiện ở nhiều thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trong chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là:
(1) Nga và Trung Quốc ký kết thỏa thuận lịch sử, theo đó hai bên sẽ thanh toán các hợp đồng kinh tế theo đồng Ruble và đồng Nhân dân tệ mà không thông qua vai trò trung gian của đồng đô la Mỹ (USD). Đây thực sự là đòn giáng mạnh vào vị thế USD.
(2) Công ty hạt nhân quốc gia Nga Rosatom và Công ty điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNP) ký hợp đồng về việc xây dựng tổ máy thứ 3 và thứ 4 tại nhà máy hạt nhân Xudapu ở đông bắc Trung Quốc, trị giá 1,7 tỉ USD. Theo hợp đồng này, quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu lần lượt vào tháng 10/2021 và tháng 8/2022.
(3) Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc và Tập đoàn Mail.Ru của Nga ký thỏa thuận đầu tư 382 triệu USD để xây dựng liên doanh thương mại điện tử. Trong đó, Alibaba đóng góp khoảng 100 triệu USD và phần còn lại do phía Nga chịu trách nhiệm.
(4) Quỹ đầu tư trực tiếp Nga RDIF ký thỏa thuận với Tổng công ty đầu tư Trung Quốc (CIC) để xây dựng một quỹ đổi mới khoa học chung trị giá 1 tỉ USD.
(5) Tập đoàn công nghệ thông tin Huawei ký thỏa thuận với Tập đoàn MTS của Nga để đưa công nghệ 5G áp dụng ở Nga. Trước hết, Nga sẽ triển khai mạng 5G của Huawei ở hai thành phố lớn là Matxcơva và Sant-Peterbug.
(6) Nga sẽ hợp tác với Trung Quốc để phát triển “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua vùng Bắc Cực.
(7) Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu đậu nành, lúa mì, khí thiên nhiên hóa lỏng từ Nga, thay vì nhập từ Mỹ.
(8) Mga và Trung Quốc tăng cường các cuộc diễn tập quân sự chung và Nga sẽ chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc bất chấp sự đe dọa cấm vận của Mỹ [4].
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung sẽ tác động thế nào tới cục diện chính trị thế giới
Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ: “An ninh quốc tế đang đối mặt những thách thức nghiêm trọng. Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác chiến lược, kiên quyết bảo vệ sự ổn định chiến lược ở khu vực và thế giới”.
Do đó, Nga và Trung Quốc sẽ nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu thông qua sự đồng thuận giữa hai nước trong một loạt vấn đề nóng của khu vực và thế giới. Theo Tổng thống Nga V.Putin, quan hệ Nga-Trung Quốc là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự ổn định chiến lược trên thế giới [5].
Đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Nga chia sẻ lập trường chung, theo đó giải pháp duy nhất để phi hạt nhân hóa là đối thoại và hòa bình.
Đối với Iran, Nga và Trung Quốc chủ trương duy trì hợp tác kinh tế cùng có lợi với Teheran và kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Đối với cuộc khủng hoảng Syria, Nga và Trung Quốc khẳng định chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia này bằng giải pháp chính trị và ngoại giao.
Đối với cuộc khủng hoảng Venezuela, Nga và Trung Quốc phản đối mọi hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này, trước hết là kiên quyết phản đối và ngăn chặn giải pháp quân sự.