Việc quá cảnh của 3 tàu chiến Trung Quốc tại Sydney (Australia) ngày 3/6 đã thu hút sự quan tâm của dư luận truyền thông và người dân Australia, trong đó phần lớn các ý kiến đều hoài nghi, phản đối sự xuất hiện của Trung Quốc ở quốc gia Nam Thái Bình Dương này.
Hình ảnh các tàu quân sự TQ cập cảng Sydney. Nguồn: 7News
Dư luận Australia bức xúc vì sự xuất hiện bất ngờ
Hãng tin CNN của Anhcho biết tàu đổ bộ hạng nặng Kunlun Shan, tàu tiếp vận hậu cần Louma Hu và tàu hộ vệ tên lửa Xuchang với tổng số 700 thuỷ thủ cập cảng Sydney sau chuyến tuần tra chống cướp biển ngoài khơi châu Phi. Nhiều học giả và người dân khá bất ngờ với chuyến thăm này, nghi vấn tại sao chính phủ không thông báo trước cho họ. Các trang báo lớn của Australia đều chạy tít về sự xuất hiện đường đột của ba tàu quân sự Trung Quốc mà không rõ lý do hay thông tin chính thức nào trước đó của phía chính quyền.
Chuyên gia John Fitzgerald từ Đại học Swinburne (Australia) cho biết “Chuyến thăm của hải quân Trung Quốc có thể được định sẵn là một họat động ngoại giao, nhưng thực chất nó đã biến thành một thảm hoạ trong quan hệ công chúng đối với Bắc Kinh”, đồng thời lưu ý đến một số tranh cãi liên quan đến các tàu của Australia và Trung Quốc trước đây.
Theo Giám đốc điều hành của Viện chính sách chiến lược Australia Peter Jennings, chính phủ đã bất cẩn vì không thông báo với công chúng về chuyến thăm của hải quân nước ngoài. Tuy nhiên, nghiên cứu sinh Collin Koh từ ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng việc không thông báo trước các chuyến thăm hải quân là điều bình thường, tuỳ thuộc vào những yếu tố như yêu cầu an ninh và kỳ vọng ở mỗi quốc gia. “Một vài chuyến thăm sẽ được công bố rộng rãi trong khi một số thì không. Ngay cả đối với hải quân nước ngoài cũng thế. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh chính trị xã hội của nước chủ nhà”, chuyên gia Koh nhận định.
Ngoài ra, ông Koh còn cho rằng điều đáng chú ý nhất trong chuyến thăm này là nó đã chứng minh khả năng của Bắc Kinh trong việc thực hiện các họat động hải quân trên toàn cầu. “Từ tháng 12/2018, hải quân Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến đi dài trên toàn cầu như đến Baltic, Địa Trung Hải, vùng Caribe và Mỹ La-tinh. Vì thế, Bắc Kinh có thể đúc kết kinh nghiệm và quen dần với những nhiệm vụ kéo dài như vậy”, ông Koh nói thêm.
Thủ tướng phải lên tiếng trấn an người dân
Trên tờ The Guardian, Thủ tướng Australia Scott Morrison lên tiếng trấn an, khẳng định đây là hoạt động đáp lễ chuyến thăm của tàu chiến Australia tới Trung Quốc. “Đây chỉ là một minh chứng cho mối quan hệ của chúng ta. Điều này có thể khiến một số người ngạc nhiên nhưng đối với chính phủ thì không”, Thủ tướng Morrison thông báo.
Theo hãng tin RT của Nga, một vài người dân địa phương ngày 3/6 đã phản ứng đầy lo lắng khi thấy 3 tàu chiến Trung Quốc đi vào cảng biển Sydney. Ba tàu này sau đó cập cảng tại đảo Garden và dự kiến lưu lại thành phố lớn nhất Australia 4 ngày. Chuyến cập cảng diễn ra chỉ vài ngày sau vụ tàu chiến Trung Quốc hai lần bám đuôi tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra trên Biển Đông trong tháng 5. Các trực thăng hải quân Australia gần đây cũng thường bị chiếu tia laser khi làm nhiệm vụ bay đêm ở Biển Đông, nhưng không rõ thủ phạm là ai.
Chuyến thăm được đánh giá là một động thái gây ngạc nhiên đối với giới quan sát vì Chính phủ Australia không thông báo trước cho công chúng rằng tàu Trung Quốc sẽ cập cảng nước này. Tuy nhiên, một số hãng truyền thông cho rằng Hải quân Trung Quốc muốn phô diễn sức mạnh qua chuyến cập cảng này.
Vẫn còn dư âm vụ tàu, máy bay Australia bị tàu TQ đeo bám, chiếu laser ở Biển Đông
Cuối tháng 5 vừa qua, khi tham gia tuần tra, diễn tập trong hải phận quốc tế ở Biển Đông, tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra đã bị tàu hải quân Trung Quốc theo dõi, thậm chí các trực thăng của hải quân Australia đã bị tấn công bằng tia laser khi thực hiện nhiệm vụ bay đêm trên Biển Đông và phải hạ cánh thận trọng. Các phi công bị chiếu tia laser thường phải hủy nhiệm vụ và quay về tàu để kiểm tra sức khỏe. Đây không phải lần đầu tiên các phi công quân sự bị tấn công laser trên biển. Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 4/2018 tố cáo quân đội Trung Quốc chiếu tia laser cường độ cao vào các máy bay hoạt động tại căn cứ quân sự ở Djibouti, khiến hai phi công bị thương nhẹ ở mắt. Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác cáo buộc và khẳng định tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định địa phương và pháp luật quốc tế.
Dư luận Australia bức xúc với hành động của Trung Quốc, bao gồm cả hoạt động quân sự hoá và đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc đã đơn phương đưa ra các yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông và có các hành động bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng trái phép cơ sở quân sự tại khu vực. Mỹ, Australia và một số quốc gia đồng minh, đối tác hiện vẫn thường tổ chức các cuộc tập trận định kỳ hoặc thực hiện các nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không theo đúng luật pháp quốc tế vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.