Tại Đối thoại Shangri-La 2019 tổ chức ở Singapore vừa qua, Trung Quốc đã trình bày quan điểm về đảo nhân tạo của nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó ra sức bao biện rằng các đảo này “hợp pháp” theo quy định của UNCLOS. Điều này cho thấy nước này tiếp tục tìm cách hướng lại các quy định của UNCLOS để phục vụ cho các ý đồ, yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Từ những bãi, rạn san hô, TQ bồi đắp, mở rộng thành các tiền đồn quân sự. Nguồn: CSIS/AMTI
TQ đòi tư cách đảo nhân tạo như các hòn đảo bình thường vì đã được đặt tên từ rất lâu!
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2019 tổ chức ở Singapore (31/5-2/6), Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Zhou Bo, đã cố gắng ngụy biện rằng các hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp ở Biển Đônglà có tư cách như các hòn đảo bình thường vì đã được đặt tên từ rất lâu.
Theo Điều 60 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định rằng quốc gia ven biển “sẽ có độc quyền xây dựng, ủy quyền và quản lý việc xây dựng, vận hành và sử dụng” các đảo nhân tạo. Theo UNCLOS, các đảo nhân tạo, các cấu trúc và công trình lắp đặt không được công nhận là tư cách của các hòn đảo tự nhiên. “Chúng không có vùng lãnh hải của riêng mình và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”, UNCLOS quy định.
Tuy nhiên,Trung Quốc tự nhận các công trình nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp trên các rạn san hô ở Biển Đông là một phần lãnh thổ của họ, trái ngược với điều khoản của UNCLOS rằng các đảo nhân tạo không được coi là hòn đảo, không có vùng lãnh hải của riêng chúng.
TQ không hiểu luật hay cố tình “nhập nhèm” giữa khái niệm đảo, bãi san hô và công trình nhân tạo?
Theo chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore Collin Koh, trong bài phát biểu tại Shangri-La, ông Zhou Bo chất vấn rằng “(Nếu) chúng là các đảo nhân tạo, thế thì tên của chúng là ở đâu ra?”. Điều này có nghĩa là phía Trung Quốc muốn nói rằng các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở Biển Đông không phải là đảo nhân tạo mà là một đảo tự nhiên theo đúng UNCLOS.
Ông Zhou Bo đã “nhập nhèm” giữa tên gọi của các rạn san hô và các công trình nhân tạo mà Trung Quốc tự ý xây dựng trên đó. Với tuyên bố rằng các công trình nhân tạo cũng có tư cách là các hòn đảo, Bắc Kinh tự nhận rằng các thực thể này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Cũng tại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng đưa ra lời ngụy biện rằng Bắc Kinh quân sự hóa các công trình nhân tạo trên Biển Đông để “tự vệ”.
“Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quốc phòng hạn chế trên các đảo và rạn san hô để tự vệ. Chỉ đến khi có những mối đe dọa thì mới có phòng thủ”, ông Ngụy nói. Cũng trong sự kiện này, ông Ngụy tuyên bố vụ quân đội thảm sát hàng ngàn sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 là một điều “đúng đắn”, thu hút sự chỉ trích từ Đài Loan, hòn đảo có cùng nguồn gốc văn hóa truyền thống Trung Hoa nhưng đi theo con đường tự do, dân chủ. Đài Loan kêu gọi Trung Quốc “hối lỗi”về vụ thảm sát và tiến hành cải cách theo hướng dân chủ.
Hệ lụy nguy hiểm khôn lường đối với an ninh, hòa bình khu vực
Việc Trung Quốc quân sự, bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông đang khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hòa bình ổn định khu vực hơn bao giờ hết. Những công trình này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, trái với những gì mà các nước đang nỗ lực để kiến tạo, giữ gìn hòa bình, phát triển. Những cách mà Trung Quốc hướng lái luật pháp quốc tế để phục vụ cho những toan tính, ý đồ của nước này ở Biển Đông khiến hệ thống pháp luật chung của thế giới bị đảo lộn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nước mà sẽ tạo ra tiền lệ xấu, giúp Trung Quốc ngày càng củng cố các hiện diện ở Biển Đông thành các tiền đồn quân sự, từng bước kiểm soát toàn bộ Biển Đông.