Friday, January 3, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐiểm yếu nhất trong mối quan hệ Nga - Trung và một...

Điểm yếu nhất trong mối quan hệ Nga – Trung và một mục tiêu xa vời

Mặc dù đã có sự hội tụ chiến lược và mối quan hệ gần gũi công khai giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ kinh tế Trung Quốc và Nga vẫn chưa phát triển.

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kéo dài 3 ngày (từ 5 – 7/6) đánh dấu chuyến thăm thứ 8 và là chuyến thăm cấp nhà nước thứ 4 tới nước láng giềng phía Bắc của Trung Quốc kể từ khi nhậm chức năm 2013.

Trong chuyến công du này, ông Tập tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, khai mạc ngày 6/6. Chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được chuẩn bị từ hơn bảy tháng trước, nhưng những nội dung quan trọng mới chỉ được thống nhất gần đây khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kích hoạt trở lại sau thời gian đình chiến ngắn ngủi.

Tiềm năng phát triển quan hệ bền chặt?

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ – đối tác thương mại lớn nhất và lâu năm của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện đang đặc biệt muốn nhấn mạnh khía cạnh kinh tế với Nga. Điều đó giải thích lý do tại sao chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình được lên kế hoạch trùng với sự kiện kinh tế quốc tế hàng đầu của Nga. Truyền thông Trung Quốc đã đăng tải nhiều bài viết về quan hệ thương mại Trung – Nga và có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy mối quan hệ đang có lợi khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg có thể là một cách để ông Putin và Nga cho thấy tiềm năng của mình và phát triển quan hệ bền chặt với Trung Quốc. Nga là một đối tác trong các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc như sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và sự hợp tác Trung – Nga trong lĩnh vực năng lượng ngày càng phát triển. Nga và Trung Quốc cũng thúc đẩy các thỏa thuận về đồng Ruble và Nhân dân tệ (NDT) nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD của Mỹ và các đồng tiền khác của phương Tây, do các lệnh trừng phạt của Washington đối với Nga và các sức ép về thương mại đối với Bắc Kinh.

Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 27,1% so với năm 2017, lên tới 107 tỷ USD. Các số liệu cho thấy kim ngạch thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ tăng mạnh mẽ trong năm nay.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai cường quốc toàn cầu này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Nga đang xuống thấp giữa lúc Nga đang chịu các lệnh trừng phạt, và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày một leo thang. Các mô hình kinh tế truyền thống giữa hai bên, theo đó Nga xuất khẩu các sản phẩm năng lượng còn Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa, dường như ngày càng không bền vững. Cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết cùng chống lại những chính sách bảo hộ, được cho là nhắm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong cuộc phỏng vấn bằng văn bản với truyền thông Nga, ông Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước một cách tích cực và ngoại lệ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Những kết quả đáng chú ý trong hợp tác kinh tế giữa chúng tôi đặc biệt có giá trị trong môi trường phức tạp hiện tại khi thương mại và đầu tư toàn cầu trì trệ, cùng với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng”. Ông Tập nói thêm cả hai chính phủ “đang nỗ lực chủ động để đưa tổng kim ngạch thương mại hai nước lên một mức cao hơn và thúc đẩy hợp tác thương mại song phương có chất lượng”.

Mục tiêu xa vời

Tuy nhiên, những con số màu hồng và phát biểu trên đang ẩn chứa một bức tranh phức tạp. Phần lớn tăng trưởng thương mại năm 2018 chỉ tập trung vào xuất khẩu năng lượng của Nga, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào nước này đã giảm xuống.

Trong năm 2017, theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Nga là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc. Vị trí của Nga xếp sau không chỉ các nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, mà còn đứng sau cả những đối tác thương mại có vị trí địa lý xa hơn như Brazil, Đức. Nhìn chung, Nga chỉ chiếm dưới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2017 và chỉ hơn 2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nếu so với Mỹ, sự chênh lệch là rất lớn khi Mỹ chiếm tới 19% tổng kim ngạch xuất khẩu và 8% kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Rõ ràng, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước còn một chặng đường dài để đi.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cũng công nhận điều này. Năm 2011, họ đã cố gắng khởi động mối quan hệ kinh tế bằng cách đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, đó là đạt kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.

Ban đầu mục tiêu này có vẻ đi đúng hướng khi kim ngạch hai chiều Nga – Trung đạt 90 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, sau đó giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước ngày càng giảm bởi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều tụt xuống chỉ còn 64,2 tỷ USD và cho đến năm 2018, trao đổi buôn bán song phương mới tăng trở lại và đạt mức kỷ lục 107 tỷ USD. Song, ngay cả khi thương mại hai bên duy trì tốc độ tăng trưởng 27%, mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020 vẫn còn rất xa vời, đặc biệt trong trường hợp thương mại hai bên hiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Đây có thể là lý do tại sao Moscow đã lặng lẽ đẩy mục tiêu đạt 200 tỷ USD kim ngạch thương mại lùi đến năm 2024.

Vấn đề không khả thi về mặt chính trị

Mặt khác, tiềm năng thương mại Trung – Nga còn bị cản trở bởi sự can thiệp sâu của yếu tố chính trị. The Diplomat đã từng đánh giá trong một bài viết “sự hợp tác thực sự sẽ kéo theo những cải cách đáng kể đối với chuỗi cung ứng tại thị trường trong nước, nơi Moscow phải trợ cấp để quản lý các khu vực xa xôi, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn và người dân… Song, đó lại là vấn đề không khả thi về mặt chính trị”. Những hạn chế về thể chế khó có thể sớm được xóa bỏ ở mỗi quốc gia.

Thay vào đó, quan hệ Trung – Nga có sự tập trung rõ rệt vào vị trí địa chính trị. Những từ ngữ liên quan tới kinh tế như giao dịch trực tuyến chỉ được nhắc tới một lần trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình khi ông cùng ông Putin tham gia một buổi họp báo chung hôm 5/6.

Tổng thống Nga cũng không quan tâm tới lĩnh vực này, thay vào đó, ông Putin nhấn mạnh lập trường gần gũi hoặc thống nhất giữa Nga và Trung Quốc về các vấn đề trọng tâm toàn cầu. Rõ ràng, khi ca ngợi hợp tác Trung – Nga đang ở mức độ cao nhất trong lịch sử, ông Putin đã không nói tới vấn đề thương mại. Tương tự như vậy, ông Tập dường như quan tâm nhiều hơn đến việc ca ngợi nền tảng chính trị cơ bản và chiến lược trong mối quan hệ Trung – Nga, đặc biệt nhấn mạnh tới chi tiết hai bên ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau, đồng thời bảo vệ lợi ích sống còn của nhau.

Có một sự thừa nhận ngầm rằng, mối quan hệ Nga – Trung sẽ là yếu nhất khi nói đến kinh tế. Ông Tập đã dùng những lời lẽ hết sức ngoại giao khi khẳng định rằng, Trung Quốc và Nga cần phải hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm sức mạnh tổng hợp lớn hơn đối với chiến lược phát triển riêng của mỗi nước và hội tụ sâu hơn lợi ích của các bên.

Trước đó, trong cuộc họp báo trước chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui nói rằng hai bên sẽ sử dụng chuyến thăm để chuyển những lợi thế trong quan hệ chính trị cấp cao thành kết quả rõ rệt hơn. Tuy nhiên, đến hiện tại những kết quả được cho là hữu hình đó vẫn rất khó nhận ra trong lĩnh vực kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới