Hơn 1 triệu người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ mới của Hong Kong, những người tổ chức cho hay.
Lo ngại bị dẫn độ sang Trung Quốc
Hàng trăm nghìn người biểu tình Hong Kong đã xuống đường ngày hôm nay, 9/6, trong một hoạt động mà SCMP mô tả là “cuộc tuần hành đoàn kết nhất ở Hong Kong trong vòng 1 thập kỷ” nhằm thể hiện sự giận dữ và lo lắng trước dự luật dẫn độ mới gây tranh cãi. Trong khi đó, con số thống kê mà những người tổ chức đưa ra là hơn 1 triệu người.
Bắt đầu từ công viên Victoria lúc gần 15h00, rất nhiều người biểu tình cầm biểu ngữ và mặc áo trắng (tượng trưng cho công lý) tham gia cuộc biểu tình. Đám đông biểu tình lớn tới mức vào khoảng 17h00 vẫn còn rất nhiều người hiện bị kẹt ở các ga tàu điện ngầm, chờ tham gia.
Chính quyền Hong Kong cho biết, dự luật này được thiết kế nhằm lấp lỗ hổng trong luật hiện hành, bằng cách cho phép Hong Kong quyết định trên cơ chế từng vụ việc xem liệu có nên dẫn độ các nghi phạm tới những khu vực lãnh thổ mà Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ chính thức hay không – ví dụ như Đài Loan, Macau và Trung Quốc đại lục.
Theo NYTimes, giới phân tích cho rằng dự luật mới sẽ khiến tất cả những ai ở Hong Kong đứng trước nguy cơ bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc sơ suất vi phạm về kinh doanh, đồng thời làm tổn hại tới hệ thống pháp lý của Hong Kong. Nhiều người lại lo ngại về sự công bằng và minh bạch của tòa án Trung Quốc đại lục.
Chuyên gia của SCMP thì lo ngại dự luật mới sẽ gây tổn hại tới cơ chế “một quốc gia, hai chế độ” mà Hong Kong đang áp dụng.
Các nhà lập pháp cho hay, trong dự luật sẽ không có điều khoản đảm bảo xét xử công bằng.
Dự luật không được “đo ni đóng giày cho Trung Quốc”
Về phần mình, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định, dự luật mới không phải được “đo ni đóng giày” cho Trung Quốc đại lục và tuyên bố chính quyền Hong Kong sẽ không “xếp xó” dự luật này.
“Chúng tôi sẽ không bỏ xó dự luật. Chúng tôi đã trình lên LegCo (Hội đồng Lập pháp Hong Kong) để tiến hành thảo luận. Tôi muốn quá trình nghiên cứu được hoàn thiện sớm nhất có thể”, bà Lâm nói.
Bà Lâm không đồng tình với quan điểm của người biểu tình và nói rằng họ đã hiểu sai mục đích của dự luật: “Tôi phải nhấn mạnh rằng dự luật không chỉ liên quan tới Trung Quốc đại lục, mà sẽ được xử lý công bằng [với tất cả các lãnh thổ tài phán]. Nó không được thiết lập đặc biệt chỉ dành cho Trung Quốc đại lục”.
Một số quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật và cho rằng dự luật sẽ cải thiện hệ thống tư pháp của Hong Kong, không để nơi này trở thành chốn ẩn náu cho các nghi phạm lẩn trốn.
Trung Quốc lo ngại rằng Hong Kong đang trở thành điểm tị nạn hoặc trung chuyển cho các quan chức tham nhũng và doanh nhân bỏ trốn khỏi Trung Quốc đại lục, NYTimes cho biết.
Dự luật này đã dẫn tới bế tắc chính trị, bất mãn trong cộng đồng kinh doanh và bị Mỹ, cũng như liên minh châu Âu chỉ trích.
Các tổ chức kinh doanh ở Hong Kong vốn giữ quan điểm trung lập trong các vấn đề chính trị, tuy nhiên, lần này nhiều bên cũng lên tiếng phản đối dự luật. Văn phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong đã cảnh báo rằng “có quá nhiều điều bất ổn trong các phần cơ bản của dự luật” để có thể thông qua dưới trạng thái hiện tại.
Tuy nhiên người phát ngôn của chính quyền Hong Kong Matthew Cheung cho biết, động thái này mang tính thời điểm.
“Nghi phạm trong vụ sát hại ở Đài Loan đang thụ án vì các vi phạm hình sự khác ở Hong Kong nhưng dự kiến sẽ được thả vào tháng 10 năm nay”, Cheng nói, “Thế nên cần phải có cơ chế pháp lý cho sự hỗ trợ mà chúng tôi muốn tạo ra cho Đài Loan, trước khi (giới lập pháp) bước vào kỳ nghỉ hè từ giữa tháng 7 tới tháng 10”.
Khởi nguồn của những tranh cãi xung quanh dự luật mới bắt nguồn từ một vụ giết người dã man ở Đài Loan, nơi một phụ nữ Hong Kong 20 tuổi được cho là bị bạn trai giết hại khi tới đó du lịch. Hiện Đài Loan không thể dẫn độ nghi phạm này từ Hong Kong để tiến hành xét xử.
Tuy nhiên, CNN cho biết: Đài Bắc khẳng định sẽ từ chối hợp tác với luật mới nếu luật này khiến công dân Đài Loan đứng trước nguy cơ bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Trước đây đã có vụ việc công dân Đài Loan bị dẫn độ sang Trung Quốc sau khi bị cáo buộc phạm tội ở quốc gia không duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.