Trong dịp kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6, các nhân chứng đã nói về những nỗi buồn sâu sắc vì những niềm hy vọng và tuổi trẻ đã mất. Đối với nhà tội phạm học người Canada Diana Lary, điều này đặc biệt đúng, bởi phần lớn giai đoạn trưởng thành của bà đặc biệt gắn liền với Trung Quốc.
“Tháng 6/1989 đối với tôi là một trong những giai đoạn buồn nhất và đau đớn nhất trong cuộc đời tôi”, bà nói về cuộc đàn áp của quân đội Trung Quốc bằng xe tăng và súng để giết chết hàng trăm, thậm chí có thể hàng ngàn sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
“Nó đã bắt đầu với một sự phấn khích. Vào tháng Tư và đầu tháng Năm, chúng tôi đã nghĩ rằng một điều gì đó tuyệt vời có thể đang diễn ra ở Trung Quốc”.
Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc
Mùa xuân năm 1989, Lary đang ở Bắc Kinh để nghiên cứu. Giống như những người phương Tây khác, bà đã bị thu hút bởi lý tưởng của các sinh viên đại học cắm trại ở Quảng trường Thiên An Môn. Bà đã thường xuyên đến đó để trò chuyện với họ.
Những người sinh viên Trung Quốc đã phản kháng vì tự do ngôn luận
“Họ rất buồn về tình trạng tham nhũng”, bà Lary nói. “Các giá trị cơ bản của những người sinh viên, sự phản kháng của họ vì quyền tự do ngôn luận, là một ví dụ khác trong lịch sử của sinh viên Trung Quốc đi đầu trong đòi hỏi cải cách chính trị”, “Đó là tự phát và nó đã đến vào một thời điểm hoàn hảo trong năm. Bầu trời dường như lúc nào cũng có màu xanh”.
Bà cho biết, những lá cờ phản đối đầy màu sắc, các sinh viên trẻ tuổi tràn đầy hy vọng, một số thủ lĩnh sinh viên phát biểu bằng tiếng Anh đặc biệt thu hút sự quan tâm của quốc tế, và những người sinh viên nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân Trung Quốc.
Vào đêm xảy ra vụ thảm sát, bà Lary lúc đó ở thành phố Tế Nam, cách Bắc Kinh khoảng 250km. Bà đã vội trở về thủ đô bằng tàu hỏa, về đến nơi thì đã là buổi đêm ngày 5/6.
Bà viết trong nhật ký rằng: “Tôi bắt một chiếc xích lô của một người lái xe có mái tóc bù xù. Hoàn toàn im lặng, ánh sáng le lói. Khoảng chục chiếc xe tăng, cộng với các nhân sự, hàng trăm binh sĩ. Xe tăng chĩa súng theo cả 4 hướng”, “Người lái xích lô đã chạy vòng vòng liên tục và hỏi tôi rằng liệu đây có phải là chủ nghĩa phát xít hay không”.
Vào ngày 4/6/1989, một sinh viên biểu tình đã chặn một chướng ngại vật đang cháy cản đường tăng thiết giáp hướng vào những sinh viên, trong cuộc tấn công của quân đội vào những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. (Ảnh: Jeff Widener/Associated Press)
Người Canada tại Bắc Kinh run rẩy trong đại sứ quán
Bà Lary và những người Canada khác đã trú ẩn trong đại sứ quán. Bà cho biết bà đã ngủ trên sàn văn phòng, các nhân viên Trung Quốc nói về những tin đồn về việc có bao nhiêu người đã bị giết chết.
“Chúng tôi không còn nhiều thức ăn. Toàn bộ đại sứ quán chật cứng. Một số người bị suy nhược thần kinh”, bà Lary kể lại.
Bà đã tình nguyện đi tìm những người Canada khác trong các khách sạn và ký túc xá đại học trên khắp thành phố rộng lớn. Với vốn tiếng Hoa lưu loát, bà đã có những thuận lợi và quyết định rõ ràng. Bà lên một chiếc xe buýt nhỏ của đại sứ quán với một người bảo vệ thuộc quân đội Canada.
Bị xe tăng cán nát 2 chân, chàng sinh viên năm xưa kể lại vụ thảm sát kinh hoàng Thiên An Môn 1989
“Những lá cờ được dán khắp các phía, phía sau và trên nóc chiếc xe. Mọi người ở Bắc Kinh sẽ nhận ra biểu tượng Lá phong”, bà nói.
Bắc Kinh lúc đó yên tĩnh đến lạ thường. Trên đường họ thấy nhiều phương tiện bị cháy dọc theo đường vành đai, và nghe thấy tiếng súng nổ rất xa về phía tây. Họ đã tìm được khoảng 20 người Canada đang rất run rẩy, không ai biết nói tiếng Trung Quốc, một số người vừa mới đến Bắc Kinh vài ngày.
“Cảm giác của tôi gần như lúc nào cũng là sự tức giận đến lạnh lùng rằng chính quyền lại dám hành xử như thế này”, bà Lary nói, “Tôi yêu Bắc Kinh, và tôi không thể tin rằng họ đã làm điều này”.
Rời khỏi Bắc Kinh
Vào ngày 7/6/1989, bà Lary và một nhóm người Canada đầu tiên đã rời khỏi Bắc Kinh trên một chuyến bay đến Tokyo.
“Khoảnh khắc rất đáng sợ ngay trước khi chúng tôi cất cánh – cảnh sát biên giới đã lên máy bay và kiểm tra hộ chiếu, có lẽ để kiểm tra xem chúng tôi không có người Trung Quốc nào trên máy bay”, bà viết trong nhật ký.
Những giọt nước mắt của bà Larry đã rơi khi các cô con gái của bà ôm bà trong vòng tay, hình ảnh nảy đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Canada.
Một bài báo năm 1989 cho thấy bà Diana Lary (ở giữa) với các con, sau khi bà trở về nhà từ Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn. (Ảnh: Diana Lary/ CBC)
Nhiều người Canada khác đã bay tới Hồng Kông – khi đó là thuộc địa của Anh – nơi diễn ra các cuộc biểu tình bày tỏ sự đoàn kết với các sinh viên Trung Quốc vì những chuyện đã xảy ra lúc đó.
“Ở Hồng Kông, mọi người đã quan sát Thiên An Môn và cảm thấy rằng họ đang nhìn thấy tương lai của họ”, bà Lary nói.
Bà Lary nói bà sẽ không quên phong trào dân chủ của các sinh viên, mặc dù chính phủ Trung Quốc cố gắng xóa nó khỏi lịch sử.
“Đây sẽ luôn luôn là một khoảnh khắc mang tính thời đại”, bà nói.
Hàng ngàn người tham gia một buổi lễ cầu nguyện dưới ánh nến cho các nạn nhân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Hình ảnh tại Công viên Victoria ở Hồng Kông vào ngày 4/6/2019. Hồng Kông là khu vực duy nhất thuộc quyền tài phán của Bắc Kinh có thể tổ chức các lễ kỷ niệm công khai về cuộc đàn áp năm 1989 và tưởng niệm các nạn nhân. (Ảnh: Kin Cheung/Associated Press)
“Tôi cảm thấy buồn vì những gì xảy ra sau đó là khát khao tiền bạc và tiến bộ kinh tế”, bà nói. “Một số người gọi các sinh viên là ngây thơ và ngớ ngẩn. Tôi nghĩ rằng họ rất dũng cảm. Đó cũng là một bài học cho thấy chủ nghĩa độc tài có thể chiến thắng trong ngắn hạn nhưng không kéo dài”.