Ta hãy xét xem quá trình Trung Quốc vẽ hai quần đảo Paracel và Spratly mà Trung Quốc gọi “Tây Sa” và “Nam Sa” lên bản đồ và đặt tên cho các đảo, đá, bãi ở đó.
Một số sai sót trong sách Đạo mộ bút ký và tập sách Đạo mộ bút ký (trái) đã được phát hành ở Việt Nam có những chi tiết vi phạm đến cách hiểu về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Tháng 1/1974, Trung Quốc đã dựng cớ dùng vũ lực đánh quân Việt Nam Cộng hoà ở quần đảo Hoàng Sa và từ đó đã chiếm đóng trái phép hoàn toàn quần đảo này. Tháng 3/1988, Trung Quốc lại dùng vũ lực chiếm 6 bãi đá ngầm ở đảo Trường Sa. Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn tìm cách chiếm thêm bãi ngầm, đá ngầm, thực hiện sự chiếm đóng hòng giành sự công nhận trên thực tế. Biết rằng, việc chiếm hữu bằng vũ lực là phi pháp, không thể minh chứng cho chủ quyền Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Bằng cách trích dẫn, cắt xén lời văn các sách cổ, sách trắng của Trung Quốc (30/1/1980) cùng các học giả đã lập luận rằng Trung Quốc “đã phát hiện và đặt tên cho các quần đảo Tây Sa và Nam Sa sớm nhất”, “khai phá sớm nhất” và “quản hạt sớm nhất”. Phan Thạch Anh, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Kinh tế công nghệ quốc tế tại Bắc Kinh đã lại nhắc lại luận điểm đó (bài “Quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc” – Tạp chí Cửa sổ Hương Cảng 3/9/1993). Để làm rõ vất đề này, chúng ta cùng xem xét quá trình Trung Quốc biên vẽ hai quần đảo và việc Trung Quốc đặt tên cho các bãi, đá, đảo ở đó để xem có thực Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên sớm nhất cho chúng hay không?
Cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật hàng hải, các nhà hàng hải (cùng một số nhà thám hiểm, các thương gia và một số giáo sĩ) đã mở đường biển đi tìm các xứ xở xa xôi ở phía Đông. Từ cuối thế kỉ 16, đầu thế kỉ 17, họ đã phát triển từ Ấn Độ sang vùng biển Đông và Đông Thái Bình Dương. Những bản đồ của họ lúc đó đã thể hiện vùng Biển Đông có quần đảo Hoàng Sa ngày nay mà lúc đó gọi là “Pracel”. Do chưa hiểu chuẩn xác vị trí quần đảo “Pracel” nên họ vẽ quần đảo này như hình một lá cờ đuôi nheo có những chấm đảo chi chít thành một đám ở ngoài khơi kéo dài tận cực nam Trung Bộ Việt Nam như bản đồ Ribeiro 1525; bản đồ của Henricus Van Langren 1595; các bản đồ của Công ty Đông ấn Hà Lan vẽ tập hợp trong cuốn sách “Australia unveiled” (Châu Úc đã được gỡ mạng che mặt). Cho đến khi đoàn khảo sát của Kergariou Loc Maria đến khảo sát vùng biển Đông (năm 1787 – 1788) thì mới xác định được ngoài quần đảo Paracel, còn có một quần đảo ở phía Nam Biển Đông, sau đó được đặt tên là Spratly, tức quần đảo Trường Sa ngày nay. Từ đó bản đồ Phương Tây mới vẽ hai quần đảo như hiện nay. Sau đó đến năm 1808 Daniel Ross vẽ tỉ mỉ quần đảo Paracel. Đến năm 1867 – 1868 người Anh đo vẽ quần đảo Spratly và năm 1881 – 1883, người Đức lại đo vẽ quần đảo Paracel. Trên cơ sở đó, năm 1885 Pháp và Anh chỉnh lý lại bản đồ quần đảo Paracel và Spratly và từ đó các tên Anh-Pháp được đặt cho các đảo, bãi, đá ở hai quần đảo này và được quốc tế hoá.
Điều đáng nói là, kết quả đo vẽ các đảo, đá, bãi chính của hai quần đảo này tốt đến mức bản đồ hàng hải quốc tế hiện nay vẫn thống nhất với hình thể các đảo, bãi vẽ thời đó. Bản đồ của Trung Quốc những năm gần đây cũng lại thể hiện giống hệt các bản đồ Phương Tây và Mỹ đã vẽ. Đây là chi tiết lý thú cho phép ta nghĩ Trung Quốc có thực sự là người phát hiện, đặt tên, khai thác và đo vẽ hai quần đảo sớm nhất hay không?
Ta hãy xét xem quá trình Trung Quốc vẽ hai quần đảo Paracel và Spratly mà Trung Quốc gọi “Tây Sa” và “Nam Sa” lên bản đồ và đặt tên cho các đảo, đá, bãi ở đó.
1. Quá trình Trung Quốc vẽ các quần đảo và bãi ngầm ở biển Đông lên bản đồ:
Theo cuốn “Ngã Quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên” do Hàn Chấn Hoa chủ biên, xuất bản năm 1988, trang 318 – 353, các tác giả đã tổng kết quá trình Trung Quốc vẽ các quần đảo và ranh giới phạm vi các quần đảo ở biển Đông lên bản đồ Trung Quốc như sau:
Về các quần đảo:
– Chỉ vẽ quần đảo Đông Sa (Pratas) có 5 loại bản đồ xuất hiện vào những năm 1913, 1914, 1920, 1927, 1934.
– Vẽ Đông Sa và Tây Sa gồm 58 loại, chủ yếu xuất hiện vào những năm 20, 30.
– Vẽ thêm bãi ngầm “Macclessfield” và 9 đảo thuộc quần đảo Trường Sa gồm 8 loại xuất hiện 1,2 năm sau khi Pháp chiếm hữu quần đảo Trường Sa tháng 7/1933.
– Vẽ đầy đủ 4 quần đảo và bãi ngầm gồm 60 loại, xuất hiện từ sau tháng 4/1935 khi Trung Quốc chính thức xuất bản “Bản đồ các đảo Nam Hải Trung Quốc” cho đến năm 1946. Trên bản đồ này, quần đảo Pratas mang tên “Đông Sa”, quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) mang tên “Tây Sa”, bãi ngầm Macclessfield mang tên “Nam Sa”, quần đảo Trường Sa Việt Nam mang tên “Đoàn Sa”.
Cùng với việc vẽ các quần đảo ở Biển Đông lên bản đồ Trung Quốc, cũng theo cuốn sách nói trên (trang 353 – 365), Trung Quốc vẽ luôn đường ranh giới phạm vi quần đảo ở biển Đông lên bản đồ – quá trình đó diễn ra như sau:
– Từ năm 1914-1933 vẽ đường bao quanh đảo “Đông Sa” và quần đảo “Tây Sa”.
– Năm 1934 có 1 bản đồ vẽ đường bao quanh “Đông Sa”, “Tây Sa” và 9 đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngày nay.
– Từ 1945 – 1946 vẽ đường bao quanh tất cả các quần đảo, bãi đá ngầm vòng xuống tận 7 độ vĩ Bắc.
– Đến năm 1947 vẽ tiếp xuống 4 độ vĩ Bắc, tức là vòng xuống quá bãi James Shoal (Trung Quốc gọi là Tăng Mẫu) kế cận bờ biển Malaysia.
Trong khi đó, cuốn “Trung Quốc địa lý giáo khao thư” do Thượng Hải, Thượng Vụ ấn thư quán xuất bản năm 1906 ghi điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam như sau: “Phía Nam bắt đầu từ vĩ độ 18 độ 13 phút, lấy bờ biển Châu Nhai đảo Quỳnh Châu – (tức đảo Hải Nam) – làm điểm mút.
Điều đáng nêu lên là, tất cả bản đồ Trung Quốc nói trên đều là bản đồ do tư nhân vẽ và xuất bản. Đến năm 1935 và năm 1947 Chính phủ Trung Quốc mới vẽ và ban hành bản đồ các đảo Hải Nam chính thức hoá việc vẽ các quần đảo và ranh giới các quần đảo vốn vẽ trên bản đồ tư nhân[1].
2. Việc Trung Quốc đặt tên cho các đảo, đá, bãi ngầm thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
– Trong thời gian chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (1912 – 1949), Trung Quốc đã thực hiện việc đặt tên các đảo, đá ngầm, bãi ngầm thuộc 4 quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là “Tây Sa” và quần đảo Trường Sa (Việt Nam) mà họ gọi là “Đoàn Sa” về sau gọi là “Nam Sa”. Ban đầu (1935) các tên đều gọi theo tên Phương Tây bằng cách phiên âm hoặc dịch nghĩa. Về sau (1947) phần lớn các tên được sửa lại bằng tên gọi của Trung Quốc và được duy trì cho đến nay.
– Từ 1950 đến 1983, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiếp tục sử dụng các địa danh đó.
– Cho đến ngày 24/4/1983, mượn cớ “tiêu chuẩn hoá địa danh toàn quốc” Trung Quốc mới lập “Uỷ ban địa danh Trung Quốc” để bổ sung tên nhiều bãi ngầm, đá ngầm và luồng lạch thuộc các quần đảo ở biển Đông, trong bối cảnh đẩy mạnh cuộc tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo ở vùng biển này. So với địa danh sửa lại năm 1947, số đảo, đá, bãi ngầm thuộc “Tây Sa” từ 30 tăng lên 49, thuộc quần đảo Trường Sa từ 97 tăng lên 187.
– Việc đặt tên cho đảo, bãi, đá ngầm thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do diễn ra ở hai thời kỳ khác nhau (1947 và 1983) với hai chính quyền khác nhau có những nét đáng chú ý sau đây :
3. Có sự không thống nhất về số lượng các đảo, đá, bãi.
– Ở quần đảo Hoàng Sa:
+ Trung Hoa Dân quốc đặt 30 tên đảo dựa theo tên bản đồ quốc tế tiếng Anh. Hai cụm đảo thì hoàn toàn theo cách chia của bản đồ quốc tế (trong bản đồ quốc tế, tên đảo bằng tiếng Pháp có 34 tên; tên đảo bằng tiếng Anh có 32 tên).
+ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tăng thêm thành 49 địa danh. Năm 1994 CHND Trung Hoa còn công bố mới tìm thêm 5 đảo nhỏ có diện tích dưới 500m2 chưa đặt tên. Việc chia cụm thì vẫn theo cách chia của bản đồ quốc tế.
– Ở quần đảo Trường Sa:
+ Trung Hoa Dân quốc đặt 97 địa danh ứng với các tên quốc tế, không kể tên 4 – 5 cụm đảo.
+ CHND Trung Hoa tăng thêm thành 187 địa danh, không kể tên 5 cụm đảo[2].
Cùng với hình vẽ các đảo, bãi, đá và các cách phân chia cụm thống nhất với bản đồ quốc tế. Hai đặc điểm này cho phép ta nêu câu hỏi liệu có phải Trung Quốc là người phát hiện và đặt tên sớm nhất cho các đảo đá bãi ở “quần đảo Tây Sa và Nam Sa” hay không?
4. Trung Hoa Dân quốc đã đặt tên cho các đảo, bãi, đá ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa năm 1935 như thế nào?
a. Bằng cách phiên âm tên quốc tế:
– Ở quần đảo Hoàng Sa
+ Phương Tây gọi là cụm Amphitrite (Việt Nam gọi là cụm An Vĩnh) thì Trung Quốc phiên âm theo âm Hán Việt là “Am-phê-thổ-lai-đức” đọc theo âm quan hoả thì gần giống cách đọc tiếng Anh.
+ Phương Tây gọi là cụm Crescent (Việt Nam gọi là cụm Lưỡi Liềm) thì Trung Quốc phiên âm theo âm Hán Việt là Kha-lặc-sinh-đức đọc theo âm quan hoả, gần giống cách đọc tiếng Anh.
+ Một số đảo cũng phiên âm tên quốc tế.
Duncan Island: Đàn kiên đảo.
Lincoln Island: Lâm khang đảo.
Bombay Reef: Bàng tỳ tiêu.
Dido Bank: Đái độ than.
– Ở quần đảo Trường Sa cũng áp dụng phiên âm tên của một số đảo.
+ Subi Reef: Sa tý tiêu.
+ Ladd Reef: La đức tiêu.
+ Mariveles Reef: Ma lập phu tiêu.
+ Ganges Reef: Can cơ tư than.
b. Dịch nghĩa các tên quốc tế theo tiếng Trung Quốc:
– Quần đảo Hoàng Sa:
+ Money Island: Tiền tài đảo.
+ Woody Island: Mẫu lâm đảo.
+ Pyramid Rock: Cao tiêm thạch.
+ West sand: Tây than.
+ South Sand: Nam than.
– Ở quần đảo Trường Sa
+ Discovery Reef: Đại hiện tiêu.
+ Central Reef: Trung tiêu.
+ Commodore Reef: Tư lệnh tiêu.
c. Năm 1947 thay một số tên đã phiên âm hoặc đã dịch nghĩa năm 1935 bằng tên Trung Quốc.
Với dụng ý tạo dựng cơ sở pháp lý về tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc đã thay đổi một số tên đã phiên âm hay dịch tên bằng Phương Tây bằng tên người hoặc tên con tàu Trung Quốc. Để hỗ trợ cho lập luận Trung Quốc là người phát hiện và đặt tên sớm nhất, đồng thời để kích động tâm lý người dân Trung Quốc phải bảo vệ chủ quyền Trung Quốc đối với quần đảo, Trung Quốc đã biện bạch cho việc đặt tên với các lý do sau đây:
– Ở quần đảo Hoàng Sa:
+ Nhóm Amphitrite, tài liệu Trung Quốc nói: nay để kỉ niệm Minh Tuyên Tông nhiệt tình kinh doanh biển nên lấy niên hiệu “Tuyên Đức” để đặt cho nhóm này.
+ Đảo Tree Island: năm 1947 Bộ Nội chính công bố tên mới cho 4 quần đảo đã đổi tên thành đảo “Triệu Thuật” để kỉ niệm người đi xứ Nam Dương đầu nhà Minh.
+ Woody Island: Ban đầu dịch nghĩa là “Mậu Lâm Đảo”, sau kháng chiến thắng lợi, để kỷ niệm con tàu đã ra tiếp quản, nên đổi tên thành “Vĩnh Hưng”.
+ Lincoln Island: trước phiên âm là “Lâm khang” nay đổi tên là “Hoà Ngũ” để kỉ niệm Phan Hoà Ngũ chống quân Tây Ban Nha vào cuối đời Minh.
+ Nhóm đảo Crescent: Lúc đầu phiên âm là “Kha-lặc-sinh-đức”, nay đặt tên là nhóm đảo “Vĩnh Lạc” để kỉ niệm Minh Thành Tổ đã nhiều lần cử Trịnh Hoà xuống biển.
+ Đảo Drummond, trước đặt là đảo Đô Lan Bôn nay đổi thành đảo “Tấn Khanh” để kỉ niệm Tấn Khanh đời Minh đã đi sứ vùng biển Nam.
+ Đảo Duncan trước đặt tên “Đàn Kiến” nay đổi thành “Thám Hàng” để kỉ niệm con tàu Thám Hàng đã đi tuần tra đảo.
– Ở quần đảo Trường Sa cũng tương tự:
+ Đảo Thitu: đổi là đảo “Trung Nghiệp” (tên con tàu đã ra đảo)
+ Đảo Sincowe: đổi thành “Cảnh Hùng” (tên Vương Cảnh Hùng đã đi sứ biển Nam, thời Minh Thành Tổ).
+ Tizard bank and Reefs: đổi thành cụm đá ngầm “Trịnh Hoà” để kỉ niệm Trịnh Hoà bảy lần đi sứ vùng biển Nam.
+ Sandy Cay đổi thành “Đôn Khiêm” để kỉ niệm thuyền trưởng tàu Trung Nghiệp Lý Đôn Khiêm.
+ Namyit Island: đổi là “Hồng Hưu” để kỉ niệm phó thuyền trưởng tàu Trung Nghiệp Dương Hồng Hưu.
Tóm lại, những việc làm của Trung Quốc như sao vẽ lại hình thể các cụm đảo, vị trí các đảo bãi đá thuộc hai quần đảo, lấy nguyên văn tên quốc tế để phiên âm ra tên Trung Quốc và giải nghĩa tên Quốc tế thành tên Trung Quốc… tất cả những điều này đều đã phủ định lập luận nói rằng người Trung Quốc đã phát hiện, đặt tên sớm nhất hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo cáo “Notes sur l’histoire de la cartographie Indochinoise” in trong sách “Atlas de Chabert & L.Gallois – Hanoi – Mars 1909” tác giả CI.E.Maitre. Directeur LE.F.E.O.
- Bản đồ Danniel Ross (1808) về Quần đảo Hoàng Sa và bản đồ Đông Dương Hugh Cloford – Danville (1755).
- Sách Australia Unveiled – NXB Theatrum Orbita Terraru LTD – Amsterdam 1976
- Bản đồ Pieter Goss (1660) về biển Đông
- Bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ – Jean Louis Taberd (1838)
- Sách Maritime Jurisdiction in South East Asia – A commentary and Maps J. R. V. Prescostt (1981)
- The Spratlys Island : A study on the limitation on international Law – R. Haller Trost
- The Spratlys dispute and prospects for settlement – Ji GuoXing – ISIS Malaysia – 1992
- Đại Thanh nhất thống chí (TVQG Hà Nội 13-179)
- Đại Thanh đế quốc toàn đồ (Viện TTKHXH Hà Nội – P250)
- Trung Quốc địa lí giáo khoa thư (Viện TTKHXH Hà Nội – P229)
- Namelist of Nansha islands (Republic of China) – Hồ sơ Hải quân Việt Nam Cộng hoà
- Danh sách các đảo ở Nam Hải (Tân Hoa xã công bố 24-4-1983).
- Bản đồ Nam Hải Chư đảo của CHND Trung Hoa – NXB Thiên Tân in lần thứ 2 (4-1989)
- Bản đồ Đức đo vẽ Hoàng Sa (1881-1883), Anh, Pháp chỉnh l ý, vẽ lại (1885)
- Cuốn “Ngã Quốc Nam Hải Chư đảo sử liệu hội biên”, Hàn Chấn Hoa chủ biên, xuất bản 1988
- Sách “Bốn quần đảo Nam Sa” xuất bản ở Đài Loan 1 – 1981. Tác giả Phù Tuấn.
[1]Hàn Chấn Hoa.
[2] Hàn Chấn Hoa, trang 184-192; 472-483.