Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaXây dựng “Vạn lý trường thành bằng cát” ở Trường Sa, TQ...

Xây dựng “Vạn lý trường thành bằng cát” ở Trường Sa, TQ đã vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển ra sao

Từ năm 2014, nhất là trong các năm 2015 và 2016, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên các thực thể vốn là những bãi đá chìm, hay bãi cạn nửa nổi, nửa chìm mà Bắc Kinh đã chiếm giữ một cách phi pháp ở Trường Sa. Việc bồi đắp diễn ra với tốc độ chóng mặt, biến các bãi đá, bãi cạn trên trở thành các đảo nhân tạo có diện tích lớn hơn nhiều so với tất cả các đảo, đá tự nhiên ở Trường Sa, phá vỡ tình trạng tự nhiên trên Biển Đông. Cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã dùng cụm từ “Vạn lý trường thành bằng cát” để mô tả những gì Trung Quốc đang tạo ra ở Trường Sa. Cách nói hình tượng này quả đúng không sai.

Bản đồ các đảo Trung Quốc bồi lấp.

Theo hình ảnh thu được qua vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã tôn tạo, xây mới tại tất cả 7 điểm đảo, đá mà họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa là Xu Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Gạc Ma, Chữ Thập và Châu Viên, với diện tích trên 1.500 ha, gấp hàng trăm lần diện tích ban đầu của các thực thể này trên Biển Đông. Trong số các bãi đá ở Trường Sa, hoạt động cải tạo của Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ ở đá Chữ Thập đến mức họ đã biến bãi đá này từ một bãi đá san hô có phần lớn diện tích nằm thấp hơn mực nước biển thành một đảo nhân tạo có diện tích 280 ha, trên đó có một đường băng dài khoảng 3.000m, được thiết kế phù hợp cho việc cất, hạ cánh của các máy bay quân sự. Không chỉ tại bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc còn xây dựng đường băng trên bãi đá Xu Bi và Vành Khăn, đồng thời tiến hành nạo vét, bồi đắp lên các rạn san hô, các bãi đá còn lại thành các đảo nhân tạo và trên đó, Trung Quốc đã xây dựng các công trình khác như cảng biển để đón tàu tiếp tế, tàu chiến đấu cỡ lớn, nhà máy xi măng, cơ sở hỗ trợ hậu cần, cầu cảng, trận địa pháo phòng không, hệ thống chống người nhái, trang thiết bị liên lạc, nhà kính, bãi đáp trực thăng… Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho dân sự, mà còn là bước đi gây ảnh hưởng sâu sắc cả về khía cạnh pháp lý và quân sự, làm thay đổi hiện trạng Biển Đông cả trước mắt và lâu dài. Ngày 24/01/2016, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết, Trung Quốc đã bố trí hệ thống radar tần số cao tại bãi đá Châu Viên. Gần đây, hình ảnh chụp từ vệ tinh nước ngoài cho thấy, dường như Trung Quốc đang lắp đặt hệ thống radar trên các bãi đá khác như Tư Nghĩa, Gạc Ma, Ga Ven.

Nhìn một cách tổng thể cho thấy, hành vi bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc là hoàn toàn đi ngược lại với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), trái với các cam kết giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông – DOC năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của một số nước, nhất là Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; vi phạm nhiều quy định của luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường biển… Chỉ đối chiếu với những điều, khoản trong quy định của UNCLOS 1982, đã cho thấy những vi phạm của Trung Quốc chí ít cũng như sau:

Thứ nhất, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng các thực thể ở Trường Sa là trái với UNCLOS 1982, sau đó tự ý tôn tạo chúng lại càng trái phép.

Vào các năm 1988 và 1995, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tiến công, chiếm đóng các bãi đá nói trên thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa. Việc làm này là trái với UNCLOS 1982, vì bộ luật này có quy định: Chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia có được phải bằng hành động chiếm hữu tự nhiên, hòa bình thì mới được công nhận. Còn chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia có được bằng hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm là việc làm không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Như vậy, đánh chiếm các bãi đá đã sai trái rồi, nay Trung Quốc lại xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi, đá đó để khẳng định “chủ quyền” của mình, điều này cho thấy Trung Quốc một lần nữa lại càng vi phạm trầm trọng hơn UNCLOS 1982.

Thứ hai, xây dựng các đảo nhân tạo, sau đó từ các đảo nhân tạo này, Trung Quốc định lấy đó làm cơ sở để mở rộng “chủ quyền” trên biển. Việc làm này là hoàn toàn trái ngược với các quy định của UNCLOS 1982.

Trong 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, phần nhiều là bãi nửa nổi, nửa chìm, có vài mỏm đá nhô lên mặt nước, chưa được công nhận quy chế đảo theo quy định của UNCLOS 1982. Bộ luật này quy định riêng biệt các quy chế khác nhau dành cho 3 loại thực thể có tính chất địa lý khá liên quan, bao gồm: một là đảo và các quần đảo; hai là các bãi đá, và ba là bãi cạn nửa chìm, nửa nổi và có thể hiểu là bãi nổi khi nước ròng.

UNCLOS 1982 cũng đã phân định quy chế riêng biệt đối với đảo được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý) và thềm lục địa (tối đa đến 350 hải lý) trong khi các bãi đá, bãi cạn lúc nổi, lúc chìm sẽ có thể được hưởng tiêu chuẩn tối đa là vùng lãnh hải 12 hải lý. Ngoài ra, đối với các đảo nhân tạo thì Điều 121 của UNCLOS quy định rất rõ ràng: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tuy nhiên, trên thực tế, bằng hoạt động nạo vét biển, sử dụng tàu cuốc để cắt những mảng san hô, đổ cát xây đảo quy mô lớn, Trung Quốc đã biến những thực thể trên trở thành đảo nhân tạo, dần xóa đi bản chất tự nhiên ban đầu của những thực thể này. Mục đích của việc bồi lấp các bãi cạn nửa nổi, nửa chìm của Trung Quốc là nhằm biến chúng thành các đảo nhân tạo, rồi từ đó đòi hỏi các đảo này có quy chế pháp lý như các đảo nổi. Điều này có nghĩa là từ chỗ các đảo nhân tạo chỉ có vùng an toàn 500m theo điều 60 khoản 5 UNCLOS 1982, Trung Quốc sẽ yêu sách vùng lãnh hải 12 hải lý, thậm chí vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các đảo này trên cơ sở điều 121 UNCLOS với tư cách đầy đủ của thực thể đảo. Tuy nhiên, các đảo nhân tạo không thể có được các quyền như các đảo tự nhiên, nhưng giáo sư, Tiến sỹ Erick Frankx – Giám đốc Khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu của Đại học Vrije Brussel/Bỉ, Trọng tài viên theo UNCLOS 1982 – một trong những chuyên gia về luật biển hàng đầu thế giới, nhận định: “Những hành động của Trung Quốc là vi phạm các quy định của UNCLOS 1982, vì trong tự nhiên có những mỏm đá, những bãi cạn, những hòn đảo, chúng ta không thể cố tình thay đổi hiện trạng vì nó ảnh hưởng đến những quy định của pháp luật quốc tế về khai thác tự nhiên. Việc xây dựng các đảo nhân tạo sẽ không thể tạo nên những quyền mới, sẽ vẫn phải coi đó là những đảo nhân tạo theo quy định của pháp luật quốc tế”.

Thứ ba, xây dựng các đảo nhân tạo nói trên là hành động vi phạm UNCLOS 1982 về nghĩa vụ trong việc giữ nguyên hiện trạng các vùng biển đang có tranh chấp.

Các bãi đá, bãi cạn bị Trung Quốc bồi đắp và cải tạo ở Trường Sa đang nằm trong khu vực có tranh chấp chủ quyền. Điều 74 và 83 của UNCLOS1982 đòi hỏi rằng, trong các khu vực có các yêu sách về đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa mở rộng mâu thuẫn nhau thì các bên tranh chấp “trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ thực hiện mọi nỗ lực để tham gia vào các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và trong giai đoạn chuyển tiếp này, không bên nào được quyền gây phương hại, hay cản trở việc đi đến các thỏa thuận cuối cùng”. Trong phán quyết năm 2004 đối với vụ Guyana kiện Suriname, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) đã giải thích điều khoản này rằng, các bên tranh chấp không được phép đơn phương gây ra thay đổi vĩnh viễn lên các vùng tranh chấp. Việc Trung Quốc, một bên trong tranh chấp, thay đổi tính chất địa lý của chúng một cách hoàn toàn và không thể khôi phục lại được là điều không thể chấp nhận.

Hoạt động này còn đi ngược lại Tuyên bố chính trị giữa ASEAN – Trung Quốc về cách ứng xử ở Biển Đông 2002 (điểm 5: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng” và điểm 6: “Trong khi chờ đợi một sự dàn xếp toàn diện và bền vững những tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác”).

Như vậy có thể khẳng định rằng, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ồ ạt với mục đích làm biến đổi bản chất tự nhiên của các bãi đá, nhằm tạo nên “sự đã rồi” và yêu sách mở rộng các vùng biển dựa trên những bãi đá nhân tạo là hành động táo tợn chưa từng có trong lịch sử thế giới, vi phạm trắng trợn UNCLOS 1982 và vẽ nên một cách thức nguy hại trong việc “lách luật quốc tế”.

Thứ tư, Trung Quốc vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về giữ gìn và bảo vệ môi trường biển.

Trung Quốc đang vi phạm Điều 192 và 123 của UNCLOS 1982 về bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là trong các vùng biển kín và nửa kín như Biển Đông. Điều 192 quy định:“Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển”, trong khi Điều 123 đòi hỏi các quốc gia quanh một biển kín hay nửa kín phải “phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ đối với việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển”. Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Công ước bảo vệ đa dạng sinh học năm 1992. Theo đó, Điều 3 của Công ước này yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động do mình kiểm soát không được gây hại đến môi trường của các quốc gia khác. Điều 14 của Công ước quy định một quốc gia phải tiến hành đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện những dự án có thể gây ra hậu quả có hại tới đa dạng sinh học. Trong thực tiễn, phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) vào năm 2003 trong vụ tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về hoạt động bồi đắp của Singapore tại eo biển Johor – nằm giữa bang Johor của Malaysia ở phía bắc và phía nam của Singapore, Tòa đã buộc Singapore không được tiến hành việc bồi đắp của mình theo những cách có thể gây tổn hại không thể khắc phục tới các quyền lợi của Malaysia hay gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đặc biệt là phải tính đến các báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập. Đồng thời, Tòa yêu cầu Singapore và Malaysia phối hợp để tiến hành một nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của những hoạt động cải tạo của Singapore lên môi trường biển và Singapore đã tuân thủ phán quyết trên của Tòa. Như vậy, hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của họ với UNCLOS 1982 qua việc nạo vét hàng trăm triệu tấn cát và san hô từ đáy biển và đổ lên các rạn san hô vốn là môi trường tối quan trọng cho cá đẻ trứng mà không có bất cứ đánh giá nào của các chuyên gia độc lập về tác động của những hoạt động trên đối với môi trường Biển Đông và không có sự phối hợp hoặc tham vấn nào với các quốc gia ven biển khác trong khu vực này. Điều 206 UNCLOS 1982 đã quy định: “Khi các quốc gia có những lý do xác đáng để cho rằng các hoạt động đã dự tính thuộc quyền tài phán hay quyền kiểm soát của mình có nguy cơ gây ra một vụ ô nhiễm nghiêm trọng hay làm thay đổi đáng kể và có hại đối với môi trường biển, thì trong chừng mực có thể, các quốc gia này cần đánh giá các tác động tiềm tàng của các hoạt động này đối với môi trường đó và cần báo cáo lại những kết quả của những đánh giá này theo cách đã được quy định ở Điều 205 về những báo cáo đánh giá được thực hiện độc lập, công khai”. Ngoài ra, tập quán quốc tế cũng yêu cầu nghĩa vụ của quốc gia về việc đánh giá tác động đối với môi trường khi có những hiểm họa từ các hoạt động của các quốc gia trong thực tiễn về khả năng gây ô nhiễm là không có biên giới và ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực.

Hiện nay, Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động tại Trường Sa và đang cố gắng thiết lập một “sự kiểm soát thực tế” tại khu vực theo một nguyên trạng mới. Sự nóng lên của vấn đề Biển Đông đã thu hút sự “vào cuộc” của các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ôxtrâylia…và vai trò của các tổ chức quốc tế, khu vực. Để cho Biển Đông có được không gian phát triển hòa bình, thịnh vượng không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho các thế hệ tương lai của các nước trong khu vực này, có nhiều giải pháp để giải quyết các tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, trong đó biện pháp hòa bình trên cơ sở quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 là giải pháp các nước cần tập trung và nên duy trì một niềm tin lạc quan vào nó.

RELATED ARTICLES

Tin mới